Trong bất cứ tình huống lưu thông nào, ý thức chấp hành Luật Giao thông và tôn trọng sinh mạng con người của người cầm lái là yếu tố quyết định đến việc chấp hành Luật Giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều yếu tố khác quan trọng không kém, tác động đến “chất lượng cầm lái” của tài xế…
Tổ chức giao thông
Người viết bài này đã từng bị xe buýt “chèn ép” phải lao gấp lên vỉa hè trên đường Lý Thường Kiệt, đoạn gần chợ Tân Bình, TPHCM. Giận và sợ đến tái mét mặt, tôi đã gào lên “đi đứng kiểu gì vậy”? Thế rồi, hết giận là... bức xúc, tôi đi tìm câu trả lời. Đường Lý Thường Kiệt, đoạn đi qua chợ Tân Bình khá nhỏ. Một dải phân cách cứng ở giữa, tách đôi hai hướng đi xuôi và ngược càng làm cho mỗi hướng lưu thông nhỏ hơn. Mỗi hướng chỉ còn hai làn xe, trong đó một làn dành cho ô tô và một làn dành cho xe gắn máy 2 bánh. Lưu thông trong bối cảnh ấy, muốn tiến sát vỉa hè để đưa đón khách, xe buýt chỉ có một cách: lấn vào làn của xe gắn máy 2 bánh. Làn đường dành cho xe gắn máy 2 bánh, thường rất đông xe, đặc biệt trong giờ cao điểm. Do vậy, xung đột xảy ra giữa xe gắn máy 2 bánh và xe buýt là điều khó tránh khỏi.
Những tuyến đường có kích thước tương tự như đường Lý Thường Kiệt, không hiếm tại TPHCM. Thậm chí, theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, những tuyến đường có chiều rộng dưới 7m (tổ chức được 2 làn xe lưu thông) chiếm đa số trong tổng số đường của TP. TPHCM hoàn toàn không có đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt. Xe buýt phải lưu thông chung làn với các loại ô tô khác và khi cần rẽ vào vỉa hè đón hoặc trả khách, không còn cách nào khác, phải lấn vào làn lưu thông của xe gắn máy 2 bánh. TPHCM cũng không có cầu vượt hoặc hầm chui cho người đi bộ tiếp cận trực tiếp với xe buýt. Do đó, muốn đón xe buýt, người dân chỉ có cách đi xuống đường, băng qua làn xe gắn máy 2 bánh để lên xe buýt nếu xe buýt không thể tiếp cận vỉa hè.
Tất nhiên, nếu bình tĩnh, tài xế xe buýt có thể chạy từ từ, lựa cơ hội không có xe gắn máy 2 bánh lưu thông để tiếp cận vỉa hè. Thế nhưng, xe gắn máy 2 bánh là phương tiện đi lại chính của người dân TPHCM. Chờ đợi giây phút ấy, không dễ chút nào.
Quá tải
Những năm gần đây, TPHCM đã đầu tư xây dựng mới rất nhiều tuyến đường như đường Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… Đặc biệt, trong 3 năm từ năm 2011-2013, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng TPHCM đã xây dựng thêm được gần 110km đường. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực nêu trên, mật độ đường giao thông hiện mới đạt 1,82km/km². Tỷ lệ đất dành cho giao thông mới đạt 6,24% đất đô thị. Đây là mức rất thấp so với quy chuẩn của chính ngành giao thông. Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt phương tiện giao thông tăng mạnh với mức tăng bình quân 15%/năm. Hiện TPHCM có hơn 5,5 triệu phương tiện giao thông cá nhân… Lưu thông trong bối cảnh này, lại phải liên tục dừng để đón, trả khách là một thách thức không nhỏ cho xe buýt, nhất là xe buýt lớn. Chưa hết, cấu trúc đô thị TPHCM, trong nhiều hướng, chỉ có đường độc đạo. Đi đến những khu vực này, nhiều tuyến xe buýt buộc phải lưu thông trùng nhau trên con đường độc đạo ấy. Cắt ngắn các tuyến để hạn chế sự trùng lắp đã từng được Sở GTVT TPHCM tiến hành nhưng không làm được nhiều vì muốn cắt tuyến cần có đất để làm trạm trung chuyển giữa các tuyến. Đất dành cho bến bãi đậu xe, trong đó có xe buýt tại TPHCM lại đang thiếu trầm trọng.
Phân tích những khó khăn nêu trên, không nhằm thanh minh cho các tài xế xe buýt chạy ẩu. Bởi trên thực tế, không phải không có những tài xế xe buýt chạy ẩu, xem thường tính mạng người khác. Mọi hành vi không chấp hành Luật Giao thông đường bộ cần phải bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, để hạn chế tối đa tai nạn do xe buýt gây ra, cần có các giải pháp đồng bộ hơn.
NGUYỄN KHOA