Hạn chế tối đa cấp phép sử dụng lòng lề đường

Hạn chế tối đa cấp phép sử dụng lòng lề đường

LTS: Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM đề nghị chấm dứt cho phép kinh doanh trên vỉa hè và giữ xe có thu phí tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Theo đó, chỉ còn 13 tuyến đường được phép sử dụng tạm một phần vỉa hè để kinh doanh, thay vì 112 tuyến đường như trước đây; 118 tuyến đường được sử dụng tạm một phần vỉa hè để làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, thay vì 160 tuyến đường như trước và điều chỉnh chỉ còn 52 tuyến đường cho phép đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí, thay vì 73 tuyến đường như trước đây. Bạn đọc Báo SGGP đã nêu ý kiến về đề xuất này.

Vỉa hè đường Tạ Uyên (phường 4, quận 11, TPHCM) bị chiếm dụng buôn bán và để xe, không còn lối đi cho khách bộ hành. Ảnh: Phạm Minh

Vỉa hè đường Tạ Uyên (phường 4, quận 11, TPHCM) bị chiếm dụng buôn bán và để xe, không còn lối đi cho khách bộ hành. Ảnh: Phạm Minh

  • Trả lại vỉa hè cho người đi bộ

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, không sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đậu xe, hướng tới trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Vì cơ sở hạ tầng đô thị đang quá tải, thiếu bãi đậu xe và để đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh - du lịch nên TPHCM có chủ trương cho sử dụng tạm một phần vỉa hè và lòng đường để kinh doanh và làm bãi giữ xe có thu phí. Thế nhưng, thực tế chủ trương này đang gây cản trở việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng nền nếp trật tự - văn minh đô thị. Chưa kể việc cho phép sử dụng vỉa hè để kinh doanh ở nhiều tuyến đường đang tạo ra hệ lụy xấu, hiệu ứng “đô-mi-nô”, khiến chỗ nào vỉa hè, lòng đường cũng bị chiếm dụng để buôn bán, làm quán nhậu thâu đêm.

Nhìn tổng thể bức tranh đô thị ở TPHCM, chưa thể hiện được sự thông thoáng, văn minh, hiện đại; cảnh bát nháo, nhếch nhác phản cảm diễn ra khắp nơi. Mặc dù TPHCM đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thế nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều cư dân vẫn xem thường pháp luật và các quy định về văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Do nhiều hộ ở TPHCM tận dụng diện tích tầng trệt nhà mặt tiền và vỉa hè để buôn bán, nên diện tích mặt bằng để đậu xe bị thu hẹp. Nhiều năm qua, TPHCM đã xới lên vấn đề phải quy hoạch không gian ngầm để tạo thêm bãi xe, trong đó có chính sách ưu tiên khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn xây bãi giữ xe ngầm hoặc các tòa nhà cao tầng chuyên dụng giữ xe. Thế nhưng có không ít dự án được động thổ rồi “trùm mền”.

Trong khi đó, việc cho phép đầu tư các dự án chung cư cao tầng, cao ốc thương mại ở khu vực trung tâm vẫn chưa chấm dứt, khiến không gian đô thị vốn đã chật chội lại thêm ngột ngạt vì người đông, đường chật, bãi giữ xe thiếu.

Với TPHCM, bài toán quản lý đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có không gian ngầm đang được đặt ra một cách cấp bách. Nếu không có quyết sách đúng và không dám đụng chạm vào những vấn đề nóng như kẹt xe, thiếu bãi giữ xe… thì bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Vì lợi ích lâu dài và vì mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới xây dựng cảnh quan văn minh, hiện đại cho TP, rất mong UBND TPHCM xem xét hạn chế tối đa và tiến đến cấm hoàn toàn việc sử dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán.

Để việc cấm này có hiệu lực, không duy ý chí, TP phải đẩy nhanh việc quy hoạch, đầu tư xây dựng không gian ngầm hợp lý, trong đó ưu tiên cho bãi giữ xe công cộng để người dân có chỗ gửi xe và hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng.

Hưng Trần (Tân Bình, TPHCM)

  • Đường hẹp, sao còn cho đậu xe?

Theo tờ trình của Sở GTVT TPHCM, với 73 tuyến đường đang cho phép đậu ô tô dưới lòng đường có thu phí, đề xuất đưa ra khỏi danh sách 36 tuyến và điều chỉnh 12 tuyến. Tuy nhiên, lại bổ sung 15 tuyến đường được phép đậu ô tô có thu phí, thành tổng cộng 52 tuyến đường được phép đậu ô tô có thu phí.

Có thể ghi nhận Sở GTVT đã có đề xuất hợp lý về việc cho phép đậu ô tô dưới lòng đường ở những tuyến đường có mật độ giao thông thấp, nên không lo xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc như đường Hàn Thuyên (quận 1), Lê Ngô Cát, Sư Thiện Chiếu, Nguyễn Thị Diệu (quận 3).

Song trong tờ trình của Sở GTVT cũng có bất hợp lý khi đề xuất tiếp tục cho đậu ô tô thu phí ở những tuyến đường quá hẹp, thường xuyên làm tắc nghẽn giao thông vào giờ cao điểm. Đường Trần Cao Vân (quận 1 và quận 3) nhiều lúc cho đậu ô tô dưới lòng đường ở cả hai bên, như đoạn trước Nhà Thiếu nhi quận 1, nên lòng đường vốn hẹp lại càng hẹp. Đoạn trước Trường Việt Úc (gần giao lộ Trần Cao Vân - Hai Bà Trưng) khi học sinh tan trường, ô tô đưa đón học sinh đậu tràn xuống lòng đường, người đi xe 2 bánh phải chạy xe lên vỉa hè để tìm đường thoát. Đường Lê Quý Đôn (quận 3) rất hẹp, lại tập trung nhiều trường học, nhà hàng, quán xá…, lưu lượng người và xe rất lớn, nay lại cho đậu ô tô thì tình hình giao thông trên tuyến đường này chắc chắn lại càng rối hơn. Hay như đường Hai Bà Trưng (quận 1) nếu nay cho đậu ô tô thu phí trên toàn tuyến đường là không ổn, vì đây là trục đường kinh doanh, lưu lượng xe lớn, lòng đường hẹp… Rõ ràng, việc chọn tuyến đường cho đậu ô tô thu phí cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nên tránh chọn các tuyến đường có lưu lượng xe cộ lớn, lòng đường hẹp.

Ngoài ra, cũng cần xem xét lại việc cho đậu ô tô không thu phí tại các tuyến đường có lòng đường quá hẹp, như Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân… Đường Tôn Thất Tùng đoạn từ Bùi Thị Xuân đến Nguyễn Trãi, người đi xe gắn máy phải vất vả chen chúc vì lượng ô tô đậu choán lòng đường quá nhiều, nhất là khi ô tô quay đầu.

TPHCM nên giảm dần số tuyến đường cho phép đậu xe thu phí và không thu phí. Đây cũng là cách “cưỡng bức” hạn chế ô tô vào khu vực trung tâm TP có mật độ giao thông cao. Như vậy mới đảm bảo giao thông thông suốt, tránh kẹt xe.

An Thái (quận 1, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục