LTS: Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản đề xuất giải pháp hạn chế xe cá nhân. Đây là vấn đề đã từng gây tranh cãi trong dư luận trước đây và cuối cùng đi vào ngõ cụt. Lần đề xuất này cũng với thiện ý chấn chỉnh tình trạng giao thông rối ren hiện nay. Tuy nhiên, qua đường dây nóng, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến bàn luận, trong đó có nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Điều này cũng không khó hiểu khi nhiều vấn đề cơ bản chưa được giải quyết triệt để.
Phải phù hợp thực tế
Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, để hạn chế xe cá nhân sẽ thu nhiều khoản đối với xe máy như bảo hiểm, tăng thuế, phí, phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được lưu hành xe. Nhưng thực tế xe máy hiện đang là phương tiện hữu dụng của những người thu nhập trung bình và thấp. Trong khi mạng lưới vận tải hành khách công cộng chưa hoàn thiện, mỗi người lao động đều đang sử dụng xe máy để đi làm. Nếu phải đóng thêm các khoản thuế, phí như vậy, cuộc sống của công nhân, lao động sẽ phải thêm khó khăn vì những khoản thuế, phí này.
Và nếu tăng thuế, phí xe cá nhân, chắc chắn giá hàng hóa, thực phẩm ngoài chợ cũng sẽ tăng theo, vì phần lớn phương tiện vận chuyển từ chợ đầu mối về các chợ và hàng quán đều bằng xe máy. Chưa bàn đến việc khi riêng TPHCM quy định các khoản thuế, phí mới đánh trên xe máy thì sẽ thu như thế nào cho công bằng và hợp lệ khi có rất nhiều xe máy biển số tỉnh?
Hạn chế xe cá nhân phải phù hợp thực tế.
Đã từng có những đề xuất về giải pháp giảm kẹt xe trong khu đô thị, nghe rất khả thi, nhưng rồi không thực hiện được. Cách nay vài năm đã có đề xuất bắt buộc các trường ĐH, CĐ và cụm công nghiệp, khu công nghiệp phải dời ra ngoại thành, để giảm tăng dân cơ học vào nội thành đã đến mức quá tải. Thế nhưng nhiều năm qua, việc di dời này chưa được bao nhiêu, trong khi các quận ven và huyện ngoại thành cũng đang trong xu thế đô thị hóa, tăng dân cơ học rất nhanh.
Tương tự, giải pháp vận động người dân đi xe buýt để giảm ùn tắc giao thông cũng chưa có hiệu quả vì dù được ngân sách TPHCM bù lỗ rất lớn nhưng xe buýt vẫn còn quá nhiều bất cập. Hiện nay, muốn đi làm bằng xe buýt phải đi nhiều tuyến xe, chạy vòng vo mất nhiều thời gian và tốn tiền hơn là đi bằng xe máy, lại bất tiện trong việc đưa đón con đi học.
Vì vậy, cần phải xây dựng hoàn thiện mạng lưới xe buýt và metro đảm bảo cho người dân có thể đi lại thuận tiện, đến lúc thực sự có thể thay thế được việc sử dụng xe cá nhân thì mới có thể áp dụng các giải pháp khắt khe và kiên quyết để hạn chế xe cá nhân tại TPHCM. Việc hạn chế xe cá nhân là hoàn toàn đúng, vấn đề là cần phải có lộ trình, phù hợp thực tế hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị TPHCM.
HOÀNG VIỆT
(quận Tân Bình, TPHCM)
Xây dựng chiến lược phát triển giao thông lâu dài
Hẳn ai cũng thống nhất quan điểm muốn giảm dần xe máy, trước hết nhà nước phải tập trung đầu tư phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng thành mạng lưới khép kín, đi lại thuận tiện, văn minh, lịch sự. Khi xe buýt đi lại thuận tiện, giá rẻ, sạch sẽ; metro hiện đại, lịch sự, nhanh chóng, chắc chắn đông đảo cư dân TPHCM sẽ dần chuyển qua sử dụng phương tiện này.
Còn đối với ô tô, lại là chuyện khác. Nền công nghiệp ô tô Việt Nam dường như đã “chết yểu”, theo lộ trình hội nhập WTO thì thuế suất ô tô nhập khẩu đã giảm hơn 50% và sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới. Nhiều người lo ngại khi thuế giảm, ô tô sẽ tràn ngập đường phố TPHCM. Do vậy, đề xuất của Sở GTVT TPHCM về việc đấu giá quyền lưu hành ô tô như cách làm của Singapore là một đề xuất cần xem xét.
Tuy nhiên, TPHCM không thể “đơn thân độc mã” thực thi chủ trương này, bởi lẽ các chủ xe sẽ chạy về các tỉnh, thành phố khác để đăng ký, rồi đưa xe quay vào TPHCM lưu hành. Chủ trương này chỉ có thể thực thi trên phạm vi cả nước. Trước mắt, giải pháp hạn chế số ô tô lưu hành tại TPHCM bằng cách tăng các loại thuế, phí đối với ô tô là phù hợp, vì người sử dụng ô tô là đối tượng thu nhập cao.
Mặt khác cần tăng cường hạn chế phạm vi lưu hành của ô tô, như cấm lưu thông tại một số tuyến đường vào các ngày lễ, ngày nghỉ; hạn chế ô tô vào khu vực trung tâm TP vào giờ cao điểm; phí đậu ô tô sẽ được điều chỉnh theo giờ thấp điểm và cao điểm; nên có biểu phí lũy tiến riêng cho ô tô mang biển số nơi khác vào thành phố…
Thực ra hiện nay nhiều người có ô tô cũng đã “thấm” nỗi vất vả khi ngược xuôi tìm bãi đậu xe, chịu đựng giá giữ xe cao, chưa kể mức phạt vi phạm luật giao thông rất cao. Tăng cường chế tài ô tô bằng các biện pháp kinh tế là giải pháp hữu hiệu và thiết thực để hạn chế lưu lượng ô tô tham gia trên đường.
Ngành GTVT cần nghiên cứu và tham vấn ý kiến các nhà khoa học để xây dựng một chiến lược phát triển giao thông lâu dài, có lộ trình thích hợp, chứ không phải lâu lâu lại đề xuất hạn chế xe cá nhân bằng cách tăng thuế, phí, khiến dư luận lại xôn xao và tốn thêm giấy mực.
ANH CẨN (quận 1,TPHCM)