Hạn hán, xâm mặn sẽ khốc liệt hơn

(SGGP).- Chiều 26-2, tại Hà Nội, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương tổ chức cuộc họp khẩn thông báo tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nặng tại khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ, đặc biệt là tại đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nhận định, hiện nay Nam bộ đang trải qua thời gian dài khô hanh, nắng nóng với độ ẩm không khí giảm, trời không mưa gây thiếu hụt nguồn nước ở thượng nguồn sông Cửu Long và khô hạn ở hạ du. Nguyên nhân do ảnh hưởng thời điểm cuối của chu kỳ El Nino được dự báo sẽ còn hoạt động tới khoảng tháng 5 và 6-2016.

Trong những tháng tới, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn có thể lên mức kỷ lục và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Năm 2015, hiện tượng dị thường nhất là nắng nóng gay gắt ở mức kỷ lục trong vòng 60 năm qua thì năm 2016, tại Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ sẽ đối mặt nguy cơ hạn hán khốc liệt hơn cả năm trước. Năm nay, hạn hán đã đến sớm hơn 1 tháng so với các năm trước. Do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa ít khiến dung tích trữ nước tại nhiều hồ chứa Nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện chỉ đạt khoảng 50% dung tích thiết kế, thậm chí có hồ chỉ còn 30%.

Ngày 26-2, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa đang gây hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên diện rộng ở các khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

* Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cũng cho biết, ngày 26-2, tại Bắc bộ đã xảy ra rét đậm, vùng núi rét hại trên diện rộng. Ở vịnh Bắc bộ, khu vực Bắc biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi Trung bộ, Nam bộ và phía Tây quần đảo Trường Sa đều có thời tiết rất xấu, gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8, gây nguy hiểm cho tàu thuyền đi lại trên biển.

Còn theo thông tin của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng tránh thiên tai, từ ngày 23-2 đến 26-2 đã xảy ra các sự cố về tàu thuyền của ngư dân đi biển. Ngày 23-2, tàu QNg 90104 TS do ông Dương Văn Nam làm thuyền trưởng, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gặp nạn do sóng to gió lớn, tàu bị gãy chân vịt, thả trôi. Đến ngày 25-2, vị trí của tàu ở khoảng 16 độ vĩ Bắc - 114,54 độ kinh Đông, thời tiết khu vực gió cấp 8-9. Thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ khẩn cấp. Ngày 26-2, lực lượng cứu hộ đã tổ chức các lực lượng tiếp cận tàu.

Ngoài ra, vào ngày 25-2, tàu QNg 90352 do ông Nguyễn Hữu Quang làm thuyền trưởng, cũng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị phá nước, chìm tại vị trí 16 độ vĩ Bắc - 111,25 độ kinh Đông, trên tàu có 12 lao động. Sau khi bị tai nạn, 12 lao động nêu trên đã được tàu QNg 90457 TS do ông Đỗ Hi làm thuyền trưởng cứu vớt.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục