Hàn Quốc trồng lúa thành công ở vùng sa mạc

Trồng lúa ở các vùng sa mạc phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn, như nhiệt độ khắc nghiệt, độ mặn cao, độ ẩm thấp, thiếu nước ngọt, bão cát, thiếu đất phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến các quốc gia tại Trung Đông luôn gặp vấn đề với nguồn cung lương thực.
Hàn Quốc trồng lúa thành công ở vùng sa mạc

Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng kể từ khi gieo sạ giống lúa Asemi, ngày 5-5 tới, Hàn Quốc sẽ chuẩn bị cho vụ thu hoạch giống lúa Asemi đầu tiên tại vùng sa mạc Sharjah thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) (ảnh). Theo Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA), đây là giống lúa do RDA nghiên cứu phát triển (năm 2013), nhằm tạo ra một biến thể gạo xuất khẩu có thể phát triển tốt ngay cả ở các nước khô cằn. Đây là biến thể của dòng gạo japonica của Nhật, được ưa chuộng chủ yếu ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vì có độ dẻo cao.

Theo Korea Times, dự án nghiên cứu phát triển giống lúa Asemi thuộc khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật nông nghiệp đã được lãnh đạo Hàn Quốc và UAE thống nhất tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018. RDA đã gieo sạ lúa vào ngày 25-11-2019. Dự đoán sản lượng thu hoạch đạt khoảng 763kg/1.000m2, tăng hơn 40% so với gieo trồng thử nghiệm tại Hàn Quốc. Các nhà khoa học nhận định, giống lúa này cho năng suất cao một phần có thể do lượng ánh sáng trong ngày phù hợp với giống lúa. Đồng thời trong quá trình nuôi trồng, chất dinh dưỡng và nước được cung cấp thích hợp.

Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc dự kiến ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát ổn định, cơ quan này sẽ trao đổi với Chính phủ UAE để triển khai gieo sạ lúa Asemi lần 2. Tuy nhiên, RDA cho biết đang xem xét thêm các phương án như sử dụng nước ngầm thay vì nước ngọt, hoặc thay đổi thời gian gieo sạ, phương thức cấp nước để đảm bảo tính kinh tế, bởi hiện tại, để thu hoạch sản lượng gạo trị giá 5,65 triệu won (4.640 USD)/ha tốn khoảng 20 triệu won (16.420 USD) tiền nước ngọt.

Tin cùng chuyên mục