Ở Việt Nam, năm 2011 là năm Mèo nhưng ở các nước Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc lại là năm Thỏ.
Tết Thỏ năm nay có lẽ mang nhiều ý nghĩa đặc biệt đối với Hàn Quốc, vì quốc gia này vừa trải qua một năm đầy biến động. Với mong ước được nhiều điều tốt lành trong năm mới, Viện Bảo tàng dân tộc quốc gia Hàn Quốc (ở Samcheong-dong, Bắc Seoul) tổ chức một cuộc triển lãm mang chủ đề về thỏ kéo dài đến hết ngày 14-2.
Cuộc triển lãm gồm 3 phần. Phần đầu nói về hai khía cạnh của thỏ: vừa là một loài động vật vừa là Thần Thỏ trong 12 con vật thuộc hệ thống Hoàng đạo Trung Hoa. Phần hai nhấn mạnh những câu chuyện trên mặt trăng của thỏ và phần cuối nói về trí thông minh của loài vật này.
Hình tượng thỏ rất phong phú trong văn học dân gian Hàn Quốc. Theo truyền thuyết, Kim Chun-chu, người trị vì vương quốc Silla (57 trước CN-935 sau CN) may mắn được cứu sống nhờ ăn gan thỏ khi bị trọng thương trên chiến trận. Trong một chuyện cổ khác, thỏ bị rùa biển bắt cóc và ép buộc nộp gan để cứu vua rồng đang bị bệnh, nhưng cuối cùng thỏ đã thoát thân nhờ vào trí thông minh bằng cách nói dối rằng mình bỏ quên lá gan trên mặt đất, do đó phải quay lại lấy nó.
Ngoài ra, loài vật đáng yêu này còn được biết đến với đặc tính “mắn đẻ” vốn có. Nhiều tranh dân gian vào thời đại vương triều Joseon (1392-1910) lấy hình ảnh cặp thỏ làm biểu tượng cho mối quan hệ thân mật, hài hòa. Trong tín ngưỡng của dân Hàn, thỏ tượng trưng cho tính thông minh, giàu có, gắn liền hình ảnh gia đình sum họp; đặc biệt với những cặp đôi vừa mới cưới, năm Thỏ cũng được xem là thời điểm “vàng” để sinh em bé.
Cuộc triển lãm còn trưng bày các di vật văn hóa liên quan đến thỏ, từ đồ trang sức phụ nữ truyền thống “norigae” có hình thỏ hay khăn quàng cổ lông thỏ đến những bức tranh dân gian mang đậm nét đặc trưng của loài vật này.
Nhà nghiên cứu Kim Yoon-jung của viện bảo tàng cho biết: “Cuộc triển lãm là hoạt động thường niên, tượng trưng cho mỗi con vật trong vòng Hoàng đạo, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999, cũng là năm Thỏ. Đây là một series triển lãm dài nhất của bảo tàng. Chúng tôi rất vui mừng khi năm tổ chức thứ 12 lại được quay về với năm Thỏ may mắn, hy vọng các bậc phụ huynh sẽ dẫn con em đến xem triển lãm để hiểu thêm về Hoàng đạo - một nét văn hóa truyền thống độc đáo của châu Á”.
THÔI THÔI
(Theo The Korea Times)