Hàng bình ổn phục vụ Tết Quý Tỵ khẳng định vị thế

Năm 2012 là năm thứ 2 TPHCM thực hiện bình ổn giá quanh năm đối với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu. Hàng bình ổn đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, điểm bán trên địa bàn TP, với nhiều chương trình khuyến mãi sâu rộng, cung ứng kịp thời đến tay người tiêu dùng. Với cách làm này, hàng bình ổn đã làm chủ thị trường, tạo mức lan tỏa chung về giá cả.
Hàng bình ổn phục vụ Tết Quý Tỵ khẳng định vị thế

Năm 2012 là năm thứ 2 TPHCM thực hiện bình ổn giá quanh năm đối với 9 nhóm mặt hàng thiết yếu. Hàng bình ổn đã có mặt tại hầu hết các hệ thống siêu thị, điểm bán trên địa bàn TP, với nhiều chương trình khuyến mãi sâu rộng, cung ứng kịp thời đến tay người tiêu dùng. Với cách làm này, hàng bình ổn đã làm chủ thị trường, tạo mức lan tỏa chung về giá cả.

  • Dẫn dắt giá cả

"Chưa có năm nào, các DN trong chương trình bình ổn giá chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào, phong phú như năm nay. Cũng chưa có năm nào hàng bình ổn khẳng định vị thế và dẫn dắt giá cả thị trường tốt như năm nay"

Phó Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THỊ HỒNG

So với Tết Nhâm Thìn 2012, năm nay các doanh nghiệp (DN) trong chương trình bình ổn đã chuẩn bị hàng hóa với tổng giá trị đạt khoảng 6.681,8 tỷ đồng, tăng 1.288,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn hàng phục vụ bình ổn thị trường đạt 3.436,4 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng bình ổn như trứng gia cầm, thịt gia cầm, thịt gia súc, thực phẩm chế biến,... đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường vào cao điểm tết.

Về giá bán, ngoài mức giá thấp hơn so với giá thị trường 10%, tết 2013, các DN tiếp tục liên kết với nhau thực hiện giảm giá bán trên hầu hết các nhóm hàng bình ổn vào ngày 28 và 29 tết, một số mặt hàng kéo dài đến hết ngày mùng 9 tết.

Cá biệt, ngay từ 20 tháng chạp, Công ty TNHH Phạm Tôn đã giảm giá bán 2.000 đồng/kg đối với mặt hàng gà ta nhằm kích cầu mua sắm. Công ty Vissan kết hợp với các hệ thống siêu thị Co.opmart, Vinatex mart, Maximark giảm giá bán 10% đối với mặt hàng thịt heo, tương ứng với mức giảm 8.000 - 9.000 đồng/kg; trứng gia cầm của Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Co.op, Vissan… giảm giá từ 1.000 - 2.000 đồng/chục; HTX Nông nghiệp Thỏ Việt cung ứng lượng rau sạch cho các siêu thị, cửa hàng và bán hàng lưu động với giá cả thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10%…

Chính nhờ giá bán ổn định và luôn thấp hơn thị trường nên giá bán các mặt hàng bình ổn đã trở thành giá tham chiếu đối với đại đa số người tiêu dùng, góp phần kiềm chế mức độ làm giá của tiểu thương ở khu vực các chợ truyền thống trong những ngày cận tết. Thực tế cũng cho thấy, nhiều người dân TP đã “nằm lòng” giá bán đối với nhiều nhóm hàng bình ổn thiết yếu.

Mua hàng bình ổn giá tại siêu thị. Ảnh: DIỄM THY

Mua hàng bình ổn giá tại siêu thị. Ảnh: DIỄM THY

Trở lại thời điểm trước Tết Quý Tỵ đúng 1 tháng, mặt hàng trứng gia cầm trên thị trường trở nên khan hiếm, sốt giá. Ngay lập tức, trứng bình ổn đã được điều động với lượng hàng tăng gấp 3 lần so với trước đó. Chỉ trong 1 tuần, giá trứng gia cầm trên địa bàn TP đã trở về đúng với giá trị thật của nó và ổn định cho đến ngày hôm nay.

  • Phủ kín thị trường

Trên thực tế, nếu chúng ta nắm trong tay một nguồn hàng dồi dào, phong phú nhưng lại không tổ chức được mạng lưới phân phối thì chương trình bình ổn mới chỉ thành công được một nửa. Do vậy, năm 2013, TPHCM đã xác định phải phát triển nhanh và mạnh hệ thống phân phối đến với mọi tầng lớp người dân, trong đó ưu tiên cho khu vực ngoại thành, KCN, KCX.

Chính từ chủ trương này, cả hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể đã vào cuộc, thông qua bản ký kết liên tịch giữa Thành đoàn TNCS Hồ Chí Minh TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm triển khai mạng lưới phân phối hàng bình ổn.

Kết quả, năm 2012 các bên đã phát triển được 53 cửa hàng bình ổn, trong đó có 45 cửa hàng Co.op và 8 cửa hàng thanh niên. Các cửa hàng ra đời dưới nhiều hình thức như mở cửa hàng mới hoặc nâng cấp các cửa hàng sẵn có. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP còn vận động được 135 điểm bán hàng bình ổn tại 50 chợ truyền thống và 448 điểm trên địa bàn dân cư…

Nhìn nhận về kết quả triển khai chương trình bình ổn giá năm 2012 nói chung và dịp Tết Nguyên đán 2013, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, tết năm 2013 tình trạng tăng giá đột biến các mặt hàng thực phẩm thiết yếu do thiếu hụt nguồn cung cục bộ đã giảm đáng kể. Các trường hợp tăng giá đột biến cũng đã được can thiệp, xử lý kịp thời, nhanh chóng đưa giá cả trở về mặt bằng chung, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Nguyên nhân chính là do hàng bình ổn đã phủ kín hệ thống siêu thị trong khu vực nội thành nên trong những ngày cao điểm mua sắm, không còn tình trạng chen lấn mua sắm quá tải như năm 2012. Qua đó, cũng phần nào chia sẻ bớt áp lực với các chợ truyền thống, giúp ổn định giá cả thị trường, giảm bớt tình trạng tự ý tăng giá của tiểu thương tại các chợ lẻ.

Ở khu vực ngoại thành, do hệ thống siêu thị phân bổ còn ít, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo các DN tăng cường các chuyến bán hàng lưu động, đảm bảo hàng hóa cung ứng dồi dào đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Thành quả này có được là của các cơ quan quản lý nhà nước và DN cùng phối hợp thực hiện để phục vụ cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện tốt chủ trương của TP trong việc tạo điều kiện cho người dân hưởng tết “đoàn kết, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm”. 

Tính đến thời điểm này, TPHCM đã phát triển được hơn 6.000 điểm phân phối hàng bình ổn, trong đó riêng chương trình bình ổn hàng lương thực, thực phẩm đã có tới gần 3.000 điểm phân phối. Hàng bình ổn đã được phủ kín tại 24 quận, huyện của TP.

Ngoài ra, trong tháng tết, các DN trong chương trình đã tổ chức khoảng 700 chuyến bán lưu động tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành, KCX - KCN của TP.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục