Hàng độc hại bủa vây trường học

Thiếu an toàn
Hàng độc hại bủa vây trường học

Cách nay 1 tháng, 7 nữ sinh Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (phường 15, quận 4, TPHCM) bị phê thuốc gây ảo giác, do một đối tượng ngoài trường dụ dỗ uống thuốc ho Recotus. Từ sau sự việc đó, qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều phụ huynh đã lo ngại, lưu ý: Trước các cổng trường đang có nhiều mặt hàng độc hại đối với sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của trẻ em, nhưng vẫn được bày bán tràn lan.

Hàng quán bao vây cổng trường.

Hàng quán bao vây cổng trường.

Thiếu an toàn

Chiều muộn, vỉa hè cổng Trường THCS Minh Đức (đường Nguyễn Thái Học, quận 1) biến thành khu chợ tự phát với gánh hàng rong, xe đẩy bán đủ thứ, như đồ chơi, bánh tráng trộn, xôi… Trước cổng nhiều trường tiểu học, THCS khác trên địa bàn TPHCM cũng bị hàng rong, quán xá bao vây như vậy. Gần cổng Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ (quận 10) thường xuất hiện các xe đẩy bán kem bông, bánh tráng, đồ chơi như súng, kiếm nhựa… Quanh Trường Tiểu học Nhật Tảo (quận 10), Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Lâm Văn Bền, quận 7)… cũng có nhiều người bán các mặt hàng keo thổi bong bóng, súng đồ chơi.

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Yến (ngụ tại quận 3) lo ngại: “Các dịch vụ bán quà vặt, đồ chơi thường vây ngoài cổng trường học, vì dễ thu hút khách hàng trẻ em. Hôm trước, tôi phát hiện một khẩu súng nhựa cùng vỉ hạt nhựa làm đạn bắn trong cặp của con trai 8 tuổi. Cháu nhận là mua để hù các bạn khác”. Bạn đọc Nguyễn Văn Sang (ngụ tại quận 10) bức xúc: “Đưa đón cháu nội học tại Trường Tiểu học Nhật Tảo, tôi thường chứng kiến những người bán xôi mặn gần trường dùng tay không bốc trực tiếp thức ăn bán cho học sinh. Có người còn bày bán thức ăn ngay trên nắp cống thoát nước”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay không chỉ các điểm bán hàng rong mà ngay cả những cửa hàng tạp hóa gần các trường học cũng thường bán thêm bánh kẹo, đồ chơi các loại. Thậm chí bán cả những mặt hàng đồ chơi bạo lực thuộc diện cấm kinh doanh. Đáng chú ý, một cửa hàng vừa bị Chi cục QLTT TPHCM kiểm tra, qua đó thu giữ hàng trăm đồ chơi trẻ em bạo lực vào cuối tháng 10 vừa qua cũng nằm đối diện một trường THCS trên địa bàn quận 5. Tại cửa hàng tạp hóa H.K. gần Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (đường Lâm Văn Bền, quận 7) khi chúng tôi hỏi mua hạt nở, cô bán hàng nhanh nhảu vào trong nhà lấy ra những gói nhỏ không nhãn mác, đủ màu sắc, có kích thước cỡ đầu hạt gạo và nói với chúng tôi rằng chỉ việc ngâm hạt vào nước từ 20 - 30 phút, mỗi hạt nhựa sẽ nở to bằng đầu ngón tay người lớn. Chúng tôi nghe mà thấy choáng, đây là loại hạt mà từ lâu các bác sĩ, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em đã cảnh báo không nên cho trẻ chơi. Bởi nếu để hạt nở lọt vào đường hô hấp, dễ dẫn tới tắc khí quản; hạt lọt vào ruột, gặp nước sẽ nở to, dẫn tới tắc ruột. Đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Vậy mà người ta vẫn bán cho trẻ em chơi.

Hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh. Ảnh: THANH HẢI

Hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh. Ảnh: THANH HẢI

Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo

Hầu hết các trường đều khuyến cáo học sinh không mua hàng rong ngoài cổng trường. Tuy nhiên, nhà trường chỉ có thể giám sát các em trong giờ vui chơi, học tập tại trường; còn sau giờ tan học thì đành chịu. Ông Phạm Công Sỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhật Tảo, quận 10 nói: “Nhà trường có quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, do trường nằm cạnh chợ nên hàng quán tại khu vực này khá nhiều. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, khuyến cáo các cháu không mua hàng rong ngoài cổng trường”.

Nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan cần quan tâm kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh tình trạng buôn bán thức ăn thiếu an toàn vệ sinh và đồ chơi phi giáo dục gần khu vực trường học. Ban giám hiệu các trường cũng nên tăng cường tuyên truyền, cảnh báo phụ huynh về việc nhắc nhở con em không mua quà vặt và đồ chơi độc hại.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục