Mỗi tuần một địa danh

Hang Én

Tháng 3-2011, Hang Én (Quảng Bình) được tạp chí National Geographic của Hoa Kỳ vinh danh là hang động đẹp toàn cầu với bức ảnh trứ danh về cửa hang thoáng đạt, vạm vỡ trước không gian rừng rậm nhiệt đới.
Hang Én

Tháng 3-2011, Hang Én (Quảng Bình) được tạp chí National Geographic của Hoa Kỳ vinh danh là hang động đẹp toàn cầu với bức ảnh trứ danh về cửa hang thoáng đạt, vạm vỡ trước không gian rừng rậm nhiệt đới.

Nhưng bức ảnh này suýt nữa đã vĩnh viễn không thể có được, bởi trong chiến tranh phá hoại nhằm cắt đứt huyết mạch chi viện Trường Sơn, bom đạn Mỹ đã dội vào Hang Én - nơi trú ẩn của bộ đội và cũng là điểm tập kết hàng hóa, không biết bao nhiêu trận mưa bom đạn.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, hàng trăm năm trước, Hang Én là mái nhà của người A Rem (Tân Trạch, Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Chiến tranh diễn ra, những người bộ đội xoi đường, mở tuyến chi viện miền Nam gặp bà con người A Rem. Thấy người lạ, họ bỏ chạy, sau nhờ người Ma Coong láng giềng phiên dịch nên những người già A Rem đã tình nguyện dẫn đường, chỉ lối cho bộ đội mở đường 20 - Quyết Thắng xuyên thủng Trường Sơn.

Với góc máy này, tạp chí Mỹ National Geographic đã vinh danh Hang Én nổi tiếng toàn cầu.

Với góc máy này, tạp chí Mỹ National Geographic đã vinh danh Hang Én nổi tiếng toàn cầu.

Người A Rem không những chỉ dẫn đường, mà còn mời bộ đội về Hang Én trú ngụ tránh máy bay và để các chân hàng trong hang. Đinh Đu, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Trạch nói: “Hồi chiến tranh, mình còn nhỏ, bố mình dẫn bộ đội về trú qua đêm đông lắm, hàng trăm, hàng ngàn lượt người anh em đấy”. Dấu tích bom đạn bắn phá Hang Én là mảnh bom trước cửa hang vẫn còn hiện rõ bên dòng suối Rào Thương.

Hiện Hang Én được Hội Địa lý Hoa Kỳ ghi nhận như một hang động trứ danh và nó được người Anh mô tả như một hang động ngoạn mục ở tầm mức thế giới. Dài 1,7km, Hang Én có trần hang cao vút đến 70m, có nơi rộng 60m, trong đó có hàng triệu chim én trú ngụ. Vương quốc của én dày đặc mỗi buổi chiều về.

Vào tháng 5 âm lịch hàng năm, người A Rem thường tổ chức ăn én. Họ leo như cách leo trèo của vượn, dùng hai cành gỗ chắc, gắn vào các lỗ đã đục sẵn, đu đưa lên đến trần và lấy tổ én. Người A Rem không lấy hết ổ chim én, mà chỉ lấy vừa dùng nên én có cơ hội sinh sôi. Nhiều con quá già, không còn sức bay kiếm ăn, lại tự mình rời tổ, lao xuống nền đá để “chấm dứt cuộc đời”, người A Rem nói đó là hồi sinh cho một cuộc sống khác.

Hang Én trong chiến tranh ưỡn ngực hứng bom đạn và nay trở thành danh giá qua ống kính của các nhiếp ảnh gia quốc tế. Tương lai, Hang Én sẽ thu hút du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng “nhan sắc” mà National Geographic từng công bố. 

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục