Thông thường cuối năm, sức mua hầu hết các mặt hàng đều tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu lộng hành. Người tiêu dùng hết sức cẩn trọng trước khi chọn mua hàng hóa nhằm tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Đủ loại hàng gian, hàng giả
Số liệu từ Chi Cục quản lý thị trường TPHCM, cho thấy, trong 11 tháng năm 2016 đã kiểm tra 587 vụ sản xuất, buôn bán, chứa trữ hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với kiểu dáng nhãn hiệu hàng hóa. Trong số các vụ bị phát hiện, kiểm tra đối với hàng giả, chủ yếu tập trung ở nhóm các mặt hàng như giày dép, túi xách, ví, bóp, dây nịt, đồng hồ đeo tay, máy sấy tóc, nồi cơm điện… Các thương hiệu bị làm giả, làm nhái nhiều nhất là Chanel, Louis Vuitton, Nike, Adidas, Lacoste, Converse, Hermes, Cross, Omega, Longines, Rado, Panasonic… Đó là chưa kể, số lượng các vụ việc bị phát hiện, kiểm tra từ việc phối hợp giữa các đội liên ngành đối với nhóm các mặt hàng như quần áo, phụ tùng xe, thuốc, phân bón…
Người tiêu dùng đối chiếu dầu gội đầu thật - giả tại mội hội nghị Ảnh: UYỂN CHI
Nhìn nhận về thực trạng kiểm tra, xử lý đối với hàng giả, ngành quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, xu thế của hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tăng về quy mô, tinh vi về công nghệ và thủ đoạn. Có thể dễ dàng nhận thấy, bất kỳ hàng hoá nào bán chạy trên thị trường cũng đều xuất hiện hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng giả không chỉ được sản xuất ở Việt Nam mà còn từ nước ngoài chuyển vào trong nước để gia công, đóng gói, pha trộn, lắp ráp, với công nghệ sản xuất hiện đại. Hoặc hàng hóa sản xuất tại nước ngoài dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một số nơi, sau đó tiếp tục lắp ráp, đóng gói thành phẩm ở một nơi khác. Khi có đơn hàng, hàng hóa mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao cho khách hàng, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.
Hàng giả đã mang lại siêu lợi nhuận, gấp 5, gấp 10 lần nên đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả bất chấp quy định pháp luật, tính mạng con người, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng giả giống như hàng thật, liên tục thay đổi địa điểm, phân tán công đoạn sản xuất tại nhiều nơi, giao hàng nhiều đợt với số lượng ít, cất giấu kín đáo… Cách làm này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, ngay cả khi phát hiện cũng rất khó phân biệt hàng thật - hàng giả, chỉ có những doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa đó dùng nghiệp vụ riêng mới có thể nhận ra.
Với hàng giả sản xuất trong nước thì thường được làm giả về nhãn hiệu, kiểu dáng tương tự, hoặc sản xuất hàng giả dùng mác thật có cả chỉ dẫn địa lý. Đáng lo ngại là hầu hết hàng giả sản xuất trong nước chủ yếu là hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh cho người… sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Riêng đối với mặt hàng hóa mỹ phẩm, một cán bộ chức năng từng tuyên bố, nếu có đủ lực lượng và thời gian thì họ có thể gom hết các loại hóa mỹ phẩm đang bán tại các chợ của thành phố… Bởi lẽ, có từ 80%-90% hóa mỹ phẩm đang bán tại một số chợ là hàng giả. Giá bán các mặt hàng làm giả chỉ bằng 1/5 so với hàng thật!
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho rằng, hệ lụy từ hàng giả mang lại cho xã hội rất lớn, vì ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính; làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hàng hóa, về tính minh bạch thị trường, hàng giả còn ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của quá trình sản xuất và tiêu dùng, tác động xấu đến văn hóa tiêu dùng của người dân thành phố.
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Một trong những nguyên nhân khiến nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả không giảm là do tâm lý chung của người tiêu dùng vẫn thích dùng hàng ngoại, ham rẻ đã trở thành nhân tố tiếp tay cho hàng nhái, hàng giả có nơi lưu hành thuận lợi. Hơn nữa, người tiêu dùng thường thiếu cảnh giác, ít có thông tin về sản phẩm nên khó phân biệt được sản phẩm thật - giả nếu chưa sử dụng.
Bên cạnh đó, còn nguyên nhân khá quan trọng, đó là công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao.
Theo các chuyên gia, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, chứ không riêng của tổ chức hay cá nhân nào. Với nhà nước cũng không ngừng hoàn thiện quy định pháp luật, ban hành các hình thức xử lý vi phạm đủ mạnh để xử phạt và răn đe những tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh hàng giả. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, kết hợp thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân chống lại tỷ lệ hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng.
Mặt khác, nhà nước cũng nên thiết lập hệ thống thông tin tổng hợp về chống hàng giả trên quy mô toàn quốc, phối hợp và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa nhà nước với DN và người tiêu dùng nhằm tạo thế bao vây, cô lập hàng giả. Chỉ có như vậy mới từng bước đẩy lùi nạn hàng giả, hàng gian trên thị trường.
| |
UYỂN CHI