Từ đầu tháng 9 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã kiểm tra, tạm giữ hàng ngàn sản phẩm giày dép, túi xách nhập lậu… giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Điều đáng nói, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra mạnh ở điểm này, thì các đối tượng vi phạm lại chuyển qua điểm khác. Rõ ràng cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn gian nan, chưa có hồi kết.
“Nhà giàu” cũng khóc
Hàng loạt thương hiệu tên tuổi, đình đám thế giới, có giá vài triệu đồng đang được đầu nậu bán thoải mái tại các cửa hàng, siêu thị, thậm chí trung tâm mua sắm lớn trên địa bàn TPHCM. Cách đây ít ngày, QLTT TP đã tạm giữ hàng ngàn sản phẩm mang nhãn hiệu Hermes, Montblanc, Nike, Adidas, Rolex, Chanel, LV, Gucci, Dior, Puma, Lacoste… Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện thương hiệu Nike chia sẻ: “Việc sản xuất hàng nhái, hàng giả đang làm đau đầu các nhà quản lý của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tất nhiên, một số vụ việc như thế thường được giao cho cơ quan công an để điều tra, xử lý, nhưng sau đó hàng giả vẫn tiếp tục xuất hiện trên thị trường”. Anh N.X.T (đường Bà Hạt, quận 10), phản ánh, vợ chồng anh từng mua 3 đôi giày hiệu Adidas tại Trung tâm mua sắm N. (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1), vào một đợt khuyến mãi, có giá gần 3 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi sử dụng thời gian ngắn, 2 đôi giày Adidas mua với giá khuyến mãi đã nhanh chóng bong tróc, nứt đế. “May sao, đôi còn lại sử dụng khá ổn. Rõ ràng chất lượng của cả 3 đôi giày không đồng đều, có vấn đề. Không loại trừ khả năng là hàng nhái, hàng giả”, anh N.X.T bức xúc.
Lực lượng chức năng kiểm tra một đơn vị kinh doanh vi phạm trên địa bàn TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
Không chỉ các thương hiệu ngoại, đẳng cấp quốc tế của những anh “nhà giàu” bị làm giả, mà nhiều thương hiệu may mặc, trang phục của doanh nghiệp tên tuổi trong nước cũng bị mạo danh. Trong số đó phải kể đến thương hiệu thời trang Việt Tiến. Ghi nhận của phóng viên, dọc đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), Trường Chinh (quận Tân Bình), thương hiệu mạo danh, na ná Việt Tiến khá nhiều, dù rằng trước đó một số điểm trên những tuyến đường này từng bị cơ quan chức năng vào cuộc xử phạt sai phạm. Một số thương hiệu gần giống khẳng định có bán hàng của Công ty may Việt Tiến như thương hiệu V.Tiến, vTiển… Chị Ngọc Mây, chủ một doanh nghiệp may mặc trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận Tân Bình) nhận định: “Tâm lý ngại vươn lên, ăn sổi ở thì của các doanh nghiệp tầm gửi đã làm khổ các doanh nghiệp tên tuổi và khổ chính họ. Vì các thương hiệu lớn đã có sẵn lượng khách hàng ổn định, uy tín…; ngược lại doanh nghiệp mới mở thì chưa có khách. Tuy vậy, đây là cách làm kiểu quân ta hại quân mình, rất khó cạnh tranh lành mạnh để có thể ổn định, phát triển”.
Kiểm tra, điều chỉnh chính sách
Theo lãnh đạo Chi cục QLTT TPHCM, thời gian qua lực lượng chuyên ngành, liên ngành đã thường xuyên phối hợp, tăng cường kiểm tra, chặn đứng được hàng loạt vụ việc kinh doanh sai phạm trên thị trường. Tuy thế, dù ra quân kiểm tra nhiều, nhưng vụ việc vẫn chỉ dừng lại ở mức độ… “bắt cóc bỏ dĩa”. Đánh giá ở góc độ người tiêu dùng, bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, thừa nhận, hàng giả, hàng lậu không chỉ móc túi, lừa đảo khách hàng một cách trắng trợn, mà còn tạo ra lỗ hổng thất thu thuế đáng kể cho ngân sách Nhà nước.
Các chuyên gia tiêu dùng lý giải, tâm lý khách hàng, nhất là chị em phụ nữ rất thích các sản phẩm thời trang có thương hiệu, tên tuổi, nhưng giá phải “mềm”. Chính vì thế, có cung ắt có cầu, và phân khúc hàng fake (hàng nhái) đã ra đời để phục vụ đối tượng khách hàng này. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TPHCM) nhận xét, thiên đường hàng trốn thuế đang tạo ra lợi nhuận khủng. Không một đối tượng làm ăn phi pháp nào đủ bản lĩnh nhắm mắt làm ngơ trước món lợi béo bở này. Thông tin từ Cục Hải quan TPHCM, liên tục thời gian gần đây, lực lượng hải quan TP đã phát hiện, ngăn chặn hàng loạt vụ nhập lậu hàng hóa, máy móc đã qua sử dụng. Ngoài ra, nhiều vụ nhập lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… với tổng trị giá hàng tỷ đồng cũng lần lượt bị khui ra ánh sáng. Rõ ràng, từ các vụ việc này minh chứng “cuộc chiến” giữa lực lượng chức năng với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại còn tiếp tục kéo dài.
Đáng lưu ý, theo ông Trần Hùng, Cục phó Cục QLTT, những đối tượng buôn lậu đều nghiên cứu khá kỹ các quy định Nhà nước, từ đó tìm ra sơ hở của pháp luật để buôn lậu. Do vậy, song song với việc cơ quan chuyên trách tăng cường phối hợp kiểm tra các điểm sai phạm thì rất cần việc lấp lỗ hổng về chính sách pháp luật để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp vi phạm, tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh trong xã hội.
GIA HÂN