Hàng loạt dự án bệnh viện... mắc kẹt - Bài 2: Chưa hẹn ngày về đích

Trong khi người bệnh lẫn đội ngũ y bác sĩ phải “chịu trận” với tình trạng xuống cấp, cũ kỹ tại một số cơ sở khám chữa bệnh, nhiều dự án xây mới, mở rộng bệnh viện “mắc kẹt”, thì không ít dự án đã khởi công nhưng thi công… ì ạch. Mặt khác, sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, chưa đồng bộ trong mua sắm trang thiết bị cũng đang khiến một số dự án bệnh viện chưa hẹn ngày về đích! 

Thi công phần cọc móng dự án Bệnh viện Nội tiết Trung ương TPHCM tại khu Tân Tạo - Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM
Thi công phần cọc móng dự án Bệnh viện Nội tiết Trung ương TPHCM tại khu Tân Tạo - Chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TPHCM

Nỗ lực giải phóng mặt bằng

Chúng tôi tìm đến khu Tân Tạo - chợ Đệm, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh - nơi triển khai một số dự án bệnh viện của TPHCM và trung ương. Tại nhà C7/4, khu phố 3, thị trấn Tân Túc, cụ bà Trương Thị Lê (79 tuổi) đang động viên con cháu tháo dỡ các công trình, vật liệu kiến trúc nhà ở để bàn giao mặt bằng cho huyện đúng thời gian gia đình cam kết. Cụ Lê cho biết, gia đình có 2.900m2 nằm trong diện giải tỏa để nhường đất cho thành phố xây Bệnh viện Nội tiết Trung ương TPHCM. Khi được địa phương thông báo về kế hoạch di dời giải tỏa, ai cũng lo lắng nhưng đến giờ thì đã tạm ổn, bởi ngoài mức giá đền bù 3-3,2 triệu đồng/m2 đối với đất trồng cây lâu năm, gia đình cụ còn được hỗ trợ 2 nền nhà (64m2/nền) tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B.

“Mong huyện và thành phố sớm hoàn tất thủ tục hồ sơ, cấp nhanh giấy chứng nhận nền tái định cư để ăn tết xong là gia đình tôi tiến hành xây dựng nhà, ổn định cuộc sống”, cụ Lê bày tỏ. Tiến sâu vào bên trong, một số gia đình cũng đang thu dọn vật liệu kiến trúc, đồ đạc để bàn giao mặt bằng cho huyện. Ông Lê Phát Minh (79 tuổi) cho biết, gia đình ông trước đó đã bàn giao 769m2 để đơn vị thi công triển khai dự án, số đất còn lại sẽ tiếp tục bàn giao tiếp trong nay mai.

Nói về công trình Bệnh viện Nội tiết Trung ương TPHCM, nơi đang được thi công phần cọc móng, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh Tô Đại Phong chia sẻ: “Dự án có quy mô tổng diện tích gần 30.000m2 gồm 5 khối nhà, khối cao nhất 6 tầng; tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Công tác đền bù giải tỏa cho dự án lúc đầu gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay đã có 25/27 hộ dân đã ký nhận hồ sơ nhận tiền và bàn giao mặt bằng, 2 hộ còn lại huyện đã có kế hoạch cưỡng chế nếu gia đình không bàn giao mặt bằng như cam kết”. Theo ông Tô Đại Phong, trên địa bàn huyện, ngoài dự án Bệnh viện Nội tiết Trung ương TPHCM và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TPHCM, còn có dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 tại xã Lê Minh Xuân. Địa phương rất nỗ lực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đã bàn giao cho chủ đầu tư tiến hành thi công. Theo kế hoạch, năm 2018 dự án được khởi công và khánh thành trong năm 2020, thế nhưng, hiện tại dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 vẫn là... khu đất trống xung quanh được rào kín bằng tôn.

Bệnh viện mới thiếu thiết bị

Tháng 10-2020, Bệnh viện Ung bướu TPHCM (cơ sở 2) tại TP Thủ Đức được khánh thành với quy mô 1.000 giường được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, có tổng mức đầu tư 5.800 tỷ đồng. Hơn 2 năm kể từ ngày được khánh thành đến nay, về mặt giấy tờ, các thiết bị máy móc vẫn chưa được bàn giao tài sản công. TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bức xúc: “Việc chuyển đổi về cơ sở vật chất chưa hoàn chỉnh nên bệnh viện chỉ sắp xếp được 600-700 bệnh nhân nội trú/ngày, trong khi công suất của bệnh viện từ 1.200-1.300 bệnh nhân/ngày; 16 phòng mổ hiện đại không sử dụng được khiến cho việc phẫu thuật hiện chỉ diễn ra ở cơ sở 1. Hệ lụy là đơn vị còn hàng ngàn bệnh nhân ung thư đang phải chờ mổ”. 

Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, hiện cơ sở 1 phải đóng cửa một số khoa do cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo an toàn và không chuyển về được cơ sở 2 do chưa được bàn giao, thiếu trang thiết bị... Tại cơ sở 2, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố hứa với bệnh viện trong tháng 11 sẽ bàn giao các gói y dụng cụ, nhất là máy phẫu thuật nội soi cho 16 phòng mổ và phòng hội chẩn (50 giường), thế nhưng đến giờ này cũng chưa xong. “Trong thời gian thi công bệnh viện, đơn vị tổng thầu không biết sử dụng vật liệu gì để làm trần các phòng khoa Lâm sàng, nay gần như tất cả trần phòng của khoa Lâm sàng đều bị thấm, dột nước, gây hư hỏng. Nhiều hạng mục công trình, nền sàn tầng hầm bị bong tróc gạch, nền trồi sụt mấp mô… Chúng tôi đã báo cho chủ đầu tư, nhưng việc sửa chữa rất chậm chạp, gây ảnh hưởng đến công tác điều trị”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn cho biết thêm.

Thi công chưa hẹn ngày khánh thành

Bệnh viện Trưng Vương (quận 10) được thành lập năm 1963, sau thời gian dài sử dụng, nhiều công trình, hạng mục đã cũ nát, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trước nhu cầu trên, sau nhiều lần lập dự án, đề xuất, tháng 11-2021, bệnh viện được khởi công xây mới khu A trên diện tích 4.700m2, tổng mức đầu tư 313 tỷ đồng để phục vụ bệnh nhân cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Thời gian thi công dự kiến 16 tháng nhưng công tác thi công bị gián đoạn, cầm chừng nên hiện các y bác sĩ, người bệnh vẫn phải chen chúc trong những phòng điều trị nhỏ hẹp, ẩm thấp.

TS-BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương, cho biết, bệnh viện được khởi công xây mới khu A, y bác sĩ, người bệnh rất vui mừng nhưng thời gian dự kiến khánh thành theo kế hoạch còn không nhiều mà công trình vẫn dở dang. Thiệt thòi tất cả đều đổ lên bệnh nhân.

Cùng chung hoàn cảnh, các dự án cải tạo nâng cấp Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt TPHCM, khoa Khám bệnh - khối điều trị ngoại trú của Bệnh viện Nhi đồng 2… cũng chưa thể về đích đúng hẹn. Bệnh nhân tới khám, điều trị nội trú vẫn phải chấp nhận chen chúc trong cảnh chật chội và thiếu giường nằm.

Không thể chậm trễ hơn nữa

Theo Sở Y tế TPHCM, thực hiện định hướng quy hoạch phát triển ngành y tế thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được UBND TPHCM phê duyệt, ngành y tế đã và đang triển khai đầu tư đáp ứng mục tiêu xây dựng, phấn đấu trở thành 1 trong 9 ngành dịch vụ chất lượng cao của thành phố. Giai đoạn trung hạn 2016-2020, ngành đã triển khai 88 dự án y tế với tổng mức đầu tư 34.245 tỷ đồng. Trong đó, 26 dự án xây dựng đã đưa vào sử dụng từ 2016-2022 (trên 14.300 tỷ đồng) và 22 dự án trang thiết bị chuyên môn (1.290 tỷ đồng); 16 dự án tuyến quận huyện hoàn thành (3.033 tỷ đồng); 24 dự án  xây dựng và trang thiết bị giai đoạn 2016-2022 chuyển tiếp giai đoạn trung hạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn 42 dự án được HĐND TPHCM thông qua kế hoạch trung hạn (2021-2025) có tổng mức đầu tư 10.632 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, theo Sở Y tế TPHCM, thời gian chỉ còn 1 tháng là kết thúc năm 2022 nhưng hiện tại thành phố vẫn còn hàng chục dự án xây mới bệnh viện chậm tiến độ; tốc độ giải ngân ì ạch. Điển hình là dự án hạ tầng kỹ thuật Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh) diện tích 33,32ha giai đoạn 1 và 21,71ha giai đoạn 2. Đây là cụm dự án gây bức xúc xã hội do kéo dài hàng chục năm, nhiều hạng mục, công trình chưa có mặt bằng thi công, tổng mức đầu tư từ 400 tỷ đồng nay tăng lên 1.198,4 tỷ đồng, lý do được các đơn vị chịu trách nhiệm đưa ra rất cũ là khó khăn trong khâu đền bù giải tỏa.

Trong nhiều cuộc họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội mới đây, lãnh đạo TPHCM luôn yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải phóng mặt bằng, sớm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, công trình, trong đó có các dự án, công trình y tế. Thế nhưng thực tế, sự “chuyển bộ” của các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan chưa đáp ứng yêu cầu. Nên chăng, cần có biện pháp quy trách nhiệm người đứng đầu để xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ các dự án bệnh viện, vừa đáp ứng nhu cầu người bệnh, vừa hạn chế lãng phí, đội vốn do thời gian thực hiện dự án kéo dài.

Tin cùng chuyên mục