Liên tục trong thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ từ xe gắn máy hai bánh đến xe hơi. Lỗi do người tiêu dùng, xăng dầu, hay nhà sản xuất ra phương tiện, hiện vẫn chưa có kết luận chính thức. Với xe máy, đây là phương tiện giao thông không thể thiếu cho mỗi gia đình, thế nên việc cháy nổ xe hàng loạt chưa tìm ra được nguyên nhân đang gây cho người tiêu dùng bất an và lo lắng…
Có thể thấy được, bắt đầu là vụ nổ và cháy xe gây tử vong cho mẹ con thai phụ ở Quế Võ-Bắc Ninh, tiếp theo đó là hàng loạt vụ cháy, nổ xe khác. Từ xe gắn máy của các thương hiệu như Honda, SYM, đến ô tô BMW, Lacetti… và đến hôm nay tình trạng cháy xe vẫn tiếp tục tiếp diễn, người tiêu dùng thật sự lo lắng về tính mạng và tài sản của mình khi phải sử dụng xe. Thế nhưng, những vụ xe cháy vừa qua, đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào nói đến nguyên nhân chính thức. Có chăng đấy là các “giả thuyết” từ giới truyền thông hoặc việc “đón già đón non” của một số trang mạng về nguyên nhân cháy. Một số phương tiện thông tin dựa trên ý kiến của các chuyên gia để đưa tin, viết bài phỏng đoán. Về phía người tiêu dùng, cũng là độc giả các tờ báo, cũng chỉ biết thông tin một cách chung chung, hoàn toàn không biết nguyên nhân chính từ đâu để đề phòng.
Thế nhưng, có một thực tế là, trước tình trạng xe cháy, nhiều hãng sản xuất đã tỏ ra quan ngại khi cho rằng, do người tiêu dùng không biết cách sử dụng, không bảo hành, bảo trì xe đúng định kỳ… Tuy nhiên, nếu quy các lỗi trên là do người tiêu dùng thì tại sao có nhiều chiếc vẫn thực hiện nghiêm chế độ bảo hành cũng vẫn cháy. Vì trên thực tế, hàng mấy chục năm nay, người Việt Nam sử dụng xe máy chủ yếu, vẫn y “thói quen” như thế, vẫn đâu có xảy ra các vụ cháy rộ lên như bây giờ? Hơn thế, việc sử dụng một chiếc xe máy mới ngày nay đã thuận tiện hơn rất nhiều vì đa số các hãng đều có dịch vụ bảo hành, bảo trì từ một đến ba năm cho một chiếc xe và chưa kể xe được sản xuất với công nghệ hiện đại và tính năng của xe cũng hiện đại hơn.
Mấy ngày gần đây dư luận đang “hướng” nguyên nhân cháy xe là do xăng, cơ quan chức năng cũng đang cho đi lấy mẫu xăng để phân tích. Nhiều ý kiến cho rằng, có khả năng là do lỗi từ nhiên liệu (xăng, dầu), và nếu đúng như thế thì cơ quan chức năng phải sớm điều tra, có kết luận cụ thể để người dân an tâm khi vận hành các phương tiện ô tô, xe máy. Còn nếu trong quá trình điều tra phát hiện lỗi của phương tiện là do nhà sản xuất gây ra như lỗi kỹ thuật động cơ, bình ắc-quy, dây dẫn điện… thì chắc chắn nhà sản xuất không thể đứng ngoài trách nhiệm này. Nếu lỗi từ nhà sản xuất thì ngoài việc chịu trách nhiệm hình sự, họ còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản, thậm chí sản phẩm buộc phải thu hồi, tẩy chay thương hiệu ra khỏi thị trường trong nước.
Qua nhiều vụ cháy, cơ quan chức năng cũng chỉ công bố “chung chung” nguyên nhân chủ yếu là do chập điện hoặc xe gần nơi bén lửa. Vấn đề chập điện thì cho rằng do người dùng tự gắn thêm các thiết bị kèm theo không phải do nhà sản xuất gắn; hoặc người dùng bất cẩn để xe gần nơi cháy nổ. Công bằng mà nói, việc gắn thêm các phụ kiện, “đồ chơi” cho xe gắn máy đã phổ biến từ nhiều năm nay. Tại sao đến bây giờ, xe mới cháy hàng loạt. Hoặc giả, người sử dụng xe trong nước hàng chục năm trước đây luôn cẩn thận, không lẽ trong năm 2011 lại không cẩn thận?
Nói gì thì nói, chuyện chiếc xe máy - phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu của đại bộ phận người dân Việt Nam, bị cháy đang gây cho người tiêu dùng nhiều lo lắng. Không lo sao được khi đó ngoài là tài sản còn là an toàn tính mạng khi tham gia giao thông cho chính họ và cho cả người đi đường. Không ai có thể chắc rằng, bao nhiêu năm nữa Việt Nam sẽ hết hoặc hạn chế xe máy, đi đến “triệt tiêu” loại xe này khỏi giao thông thông thường như một số nước đã làm. Và như thế, khi xe bị cháy người dùng xe vẫn còn quá thiệt thòi khi mất tài sản, có khi mất mạng mà chẳng biết kiện ai và ai bảo vệ mình. Vì vậy, rất cần sớm có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng để người dùng xe an tâm hơn, ít nhất là có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho họ khi xe có cháy, nổ.
NAM HƯNG