Hàng ngàn tỷ đồng xây hầm, cầu vượt

TPHCM đã, đang và sẽ xây dựng hàng loạt hầm chui tại các nút giao thông trọng điểm để giải quyết nạn kẹt xe. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần khảo sát, tính toán kỹ vấn đề này. Bởi không phải có hầm chui hay cầu vượt sẽ giải quyết được kẹt xe.
                        
Công trình hầm chui An Sương đang thi công Ảnh: CAO THĂNG
Công trình hầm chui An Sương đang thi công Ảnh: CAO THĂNG
Thêm dự án BOT 

Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết UBND TPHCM đã có quyết định điều chỉnh dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2 - phần 2 (các tiểu dự án khác trong dự án này gồm xây cầu Bình Triệu 2 và sửa chữa, mở rộng cầu Bình Triệu 1 đã hoàn thành - PV). Trong lần điều chỉnh này, TPHCM quyết định xây một hầm chui kết hợp vòng xoay trên mặt đường ở nút giao ngã năm Đài liệt sĩ. Khi dự án hoàn thành, ô tô, xe máy vẫn lưu thông một chiều trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phía Hàng Xanh) - quốc lộ 13 như hiện nay và sẽ qua ngã năm Đài liệt sĩ bằng hầm chui. Dòng xe trên các ngả đường còn lại, sử dụng vòng xoay trên mặt đường. Ngoài ra, hướng lưu thông trên đường Nguyễn Xí (hiện nay lưu thông một chiều) dự kiến sẽ đổi ngược so với hiện nay. Phương tiện di chuyển trên đường Đinh Bộ Lĩnh có nhu cầu về ngã năm Đài liệt sĩ (đi một chiều trên đường Nguyễn Xí hiện nay) sẽ đi vào đường Chu Văn An (được mở rộng 23m). 

“Quận Bình Thạnh đang xúc tiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở khu vực ngã năm Đài liệt sĩ và đường Ung Văn Khiêm, từ nút giao Đài liệt sĩ đến đường Điện Biên Phủ (dài khoảng 1,7km) để xây hầm chui, mở rộng mặt đường. Các tiểu dự án này thuộc dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2 - phần 2 được thực hiện nhằm góp phần xóa kẹt xe ở cửa ngõ Đông Bắc của TPHCM”, ông Nguyễn Văn Tám thông tin thêm.

Ông Dương Quang Châu, Giám đốc đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), cho biết CII đang lên phương án thi công xây dựng hầm chui (dài 450m, rộng 9m) ở ngã năm Đài liệt sĩ; nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm thành 6 làn xe (rộng 30m) để khi nhận mặt bằng sẽ triển khai thi công ngay. Theo quyết định của UBND TPHCM, tổng vốn đầu tư của dự án dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2 - phần 2 là hơn 2.293 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 1.364 tỷ đồng, do ngân sách TP đảm trách. Tuy vậy, theo ông Dương Quang Châu, CII sẽ tạm ứng toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và sau đó sẽ được ngân sách TP trả lại. Riêng chi phí xây lắp hầm chui, CII tự thu xếp thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Số kinh phí này sẽ được hoàn vốn cho CII thông qua việc thu phí giao thông (thời gian dự kiến 24 năm 7 tháng, từ đầu năm 2019, khi hoàn thành dự án) tại trạm thu phí đặt tại quốc lộ 13.

Nút giao hoàn chỉnh: hầm chui, cầu vượt

Tại các điểm nóng về kẹt xe trên địa bàn, TPHCM ưu tiên xây các nút giao khác mức, trong đó có hầm chui. Đơn cử, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã khởi công xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư An Sương với tổng vốn đầu tư hơn 510 tỷ đồng. Đây là hầm chui lưu thông 2 chiều theo trục đường Trường Chinh - quốc lộ 22, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2018. Lúc này, tại ngã tư An Sương sẽ hình thành nút giao gồm cầu vượt, vòng xoay trên mặt đường và hầm chui để góp phần xóa điểm đen tai nạn, ùn tắc giao thông tại khu vực cửa ngõ Tây Bắc TPHCM.
Trước cảng Cát Lái (quận 2), nhà thầu thi công cũng khẩn trương xây dựng nút giao Mỹ Thủy, nhằm giảm bớt nạn kẹt xe đang diễn ra thường xuyên tại khu vực này. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư gần 840 tỷ đồng xây dựng hầm chui cho xe vào cảng Cát Lái; xây dựng 1/2 cầu vượt chính trên đường Vành đai 2… Sau đó, TPHCM tiếp tục đầu tư 1.100 tỷ đồng để hoàn chỉnh nút giao thành nút 3 tầng gồm: hầm chui, cầu vượt và vòng xoay trên mặt đất. Chủ đầu tư dự án là Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 cho biết, đến cuối tháng 11-2017, hầm chui sẽ hoàn thành. Còn hạng mục cầu vượt dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 1-2018. Khi đó, tình trạng giảm ùn tắc giao thông ở các tuyến đường gần cảng Cát Lái như Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Vành đai 2 sẽ được kéo giảm.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng chấp thuận dự án xây dựng nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) với kinh phí khoảng 2.620 tỷ đồng. Dự án này sẽ bao gồm hầm chui và cầu vượt nhằm tạo sự thông thoáng cho khu vực, nhất là khi khu cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hoạt động nhộn nhịp hơn. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng chốt phương án thiết kế xây dựng nút giao An Phú (quận 2) có 3 tầng, gồm hầm chui (lưu thông 2 chiều kết nối tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ), hầm chui theo hướng từ đường cao tốc vào đường Lương Định Của. Tại nút giao này còn có cầu vượt từ đường Lương Định Của vào đường cao tốc và cầu vượt từ ngã ba Cát Lái - Mai Chí Thọ đi vào cao tốc… Dự kiến, nút giao này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, xây hầm chui 2 chiều (4 làn xe) kết nối đường cao tốc với đường Mai Chí Thọ và ngược lại.

Theo Sở GTVT, TPHCM hiện có khá ít hầm chui mà chủ yếu là vòng xoay. Trong khi đó, muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải có nút giao thông hoàn chỉnh (gồm cả hầm chui và cầu vượt). Thực tế cho thấy, do lượng xe lưu thông quá lớn, vòng xoay không đáp ứng được nhu cầu giao thông nên kẹt xe thường xuyên xảy ra. Vì vậy, UBND TPHCM đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP quy hoạch lại toàn bộ các nút giao thông trên địa bàn. Quy hoạch sẽ xác định nút giao thông nào cần xây dựng cầu vượt, nút giao nào xây hầm chui hoặc cần có cả cầu vượt lẫn hầm chui.
 Đánh giá kỹ để hầm chui phát huy hiệu quả 
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông nhận xét, việc xây cầu vượt và hầm chui trong các tuyến đường nội đô là cần thiết. Tuy vậy, đây chỉ là một trong các giải pháp về giao thông, chứ không phải cứ có hầm chui, cầu vượt là giải quyết được kẹt xe.
“Trên thực tế, tại nhiều nơi được xây dựng cầu vượt như khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, tình trạng kẹt xe vẫn xảy ra. Vì vậy, trước khi thực hiện dự án cần khảo sát, dự báo nhu cầu đi lại, đánh giá năng lực giao thông… rồi mới đưa ra các giải pháp để so sánh về phương án nhiều tầng, nhiều hướng. Cạnh đó, tại một số vị trí cụ thể, xây cầu vượt là cần thiết nhưng để bảo vệ cảnh quan, kiến trúc quanh khu vực thì chuyển sang xây hầm. Có như thế, các hầm chui nói riêng hay các công trình giao thông nói chung mới phát huy được hiệu quả tốt nhất, thay vì chỉ giải quyết ùn ứ cục bộ như nhiều dự án đã hoàn thành”, TS Phạm Sanh khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục