Vào thời điểm này năm ngoái, dưới sự lan tỏa của chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt ở kênh phân phối hiện đại đã chiếm thị phần khá cao. Nhưng gần đây, tình hình này đang diễn biến ngược lại. Trào lưu sính ngoại có dấu hiệu trỗi dậy.
- Tràn ngập hàng ngoại
Theo khảo sát của chúng tôi, tại hầu hết các siêu thị lớn ở khu vực TPHCM như BigC, Co.opMart, MaxiMark, CitiMart… nếu như cùng thời điểm này năm ngoái thị phần giữa hàng nhập khẩu (hàng ngoại) và hàng trong nước (hàng nội) so kè nhau 40% - 60% thì nay tỷ lệ này đang diễn biến ngược lại. Thậm chí một số nhóm hàng như sữa, điện máy, bánh kẹo, nước giải khát… hàng ngoại còn lấn lướt hơn hàng nội về diện tích trưng bày và sức mua.
Tại khu vực kinh doanh bánh kẹo của siêu thị MaxiMark đường 3-2, bánh kẹo nội khá yếu thế. Ngoài những mẫu cũ đã có từ những năm trước của hai thương hiệu mạnh nhất trong nước hiện nay là Kinh Đô, Bibica, còn lại phần lớn là hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Thụy Sĩ. Cùng với nhóm bánh kẹo, nhóm giày dép, hàng gia dụng và thực phẩm, đồ uống cũng tương tự. Lý giải về việc xuất hiện hàng ngoại ngày càng nhiều, đại diện của hệ thống phân phối này cho biết do yêu cầu của khách hàng nên họ nhập thêm để bán cho nguồn hàng thêm phong phú.
Không chỉ có mặt tại các kênh phân phối hiện đại là siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, sữa và bánh kẹo ngoại còn được “sampling” (tiếp thị, chào hàng) trực tiếp vào các trường học, công viên và Nhà Thiếu nhi thành phố. Song song đó, với các chiến dịch quảng bá rầm rộ trên truyền hình những sản phẩm này đã nhanh chóng tiếp cận được người tiêu dùng và tạo ra một trào lưu sử dụng trong giới trẻ. Tiêu biểu nhất dòng sản phẩm đang làm mưa làm gió trên thị trường là bánh xốp phô mai Nabati của Indonesia. Mặc dù chỉ mới xuất hiện chưa đầy một năm, nhưng hiện nay sản phẩm này còn được bán chạy hơn cả các sản phẩm bánh bông lan Hura của Bibica hay bánh bông lan Solite của Kinh Đô, mặc dù xét về giá thì hàng trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với hàng ngoại.
- Hoa hồng, chiết khấu “giết chết” hàng trong nước
Ngoài xu hướng sính ngoại của người tiêu dùng, hiện tượng tiền chiết khấu, hoa hồng cao tại các kênh phân phối và đại lý cũng đang góp phần làm cho doanh nghiệp trong nước hụt hơi trên chính sân nhà của mình. Vốn ít, thiếu hẳn tính chuyên nghiệp trong cách tiếp cận người tiêu dùng và marketing sản phẩm, lại bị chính “người nhà” o ép vì sản phẩm ít được quảng bá, quảng cáo, nhiều doanh nghiệp trong nước đang chủ động nhường “sân chơi” cho khách. Trong khi đó, với nhiều nhà đầu tư nước ngoài thì Việt Nam, đặc biệt TPHCM là một thị trường đầy tiềm năng.
Không chỉ ở siêu thị, hàng ngoại còn được bày bán tại hầu hết các chợ truyền thống lớn ở TPHCM. Với chiến lược mang hàng đến từng sạp, cho gối đầu thoải mái và mẫu mã muốn kiểu gì cũng có khiến hàng hóa của những nước này đang tràn ngập các chợ.
Bà Nguyễn Thị Xuân, tiểu thương bán hàng tạp hóa ở chợ Phạm Văn Hai, cho biết: Bên cạnh các hoạt động khuyến mãi thường xuyên, chiết khấu cao, các nhãn hàng ngoại còn có chính sách trả phí trưng bày cho người bán rất rõ ràng và lâu dài. Cụ thể, chỉ cần tiểu thương đặt đúng số lượng hàng, vị trí sẽ được trả từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng. Có nhãn hàng được trả lên tới cả 2 - 3 triệu đồng/tháng nếu hàng bán tốt. Ngoài ra, khi bán được nhiều hàng, tiểu thương còn được hưởng mức chiết khấu cao cộng với tiền thưởng trên doanh số bán được. Đó là lý do vì sao mặt tiền của những gian hàng tại chợ truyền thống vẫn luôn là vị trí bất khả xâm phạm của nhãn hàng nước ngoài.
|
Lê Mai Thi