Hàng nhái tràn lan, cơ quan chức năng có biết?

Hàng nhái - kiểu gì cũng có!
Hàng nhái tràn lan, cơ quan chức năng có biết?

Đóng vai người săn lùng “hàng khủng - giá bèo”, chúng tôi tiếp cận với hàng nhái. Giá một chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) Nokia hàng nhái chỉ bằng một nửa giá hàng thật nhưng khi sử dụng vài tháng đã rè rè rồi im bặt! Vấn đề là vì sao hàng nhái vẫn có “đất” sống?

Hàng nhái được rao bán tràn lan trên internet.

Hàng nhái được rao bán tràn lan trên internet.

Hàng nhái - kiểu gì cũng có!

Cùng anh T. (nhà ở Tân Bình), một “chuyên gia” săn hàng nhái, chúng tôi tìm mua chiếc ĐTDĐ Nokia N97 tại một cửa hàng trên đường Lạc Long Quân (quận Tân Bình) với giá chỉ 1,9 triệu đồng. Chưa hết ngạc nhiên, vì “con” hàng thật giá gần chục triệu đồng, chủ cửa hàng nói thẳng: “Đây là hàng copy nên giá rẻ”. Chúng tôi quyết định lấy chiếc này. Tưởng rẻ, nào ngờ trên các tuyến đường Hùng Vương (quận 5, quận 10), Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3), giá hàng nhái tương tự chỉ có 1,6 triệu đồng/chiếc. Chúng tôi thử đề nghị đặt số lượng nhiều thì chủ các cửa hàng cho biết, muốn mua bao nhiêu cũng có, mua số lượng nhiều còn được giảm khoảng 100.000 - 200.000 đồng/chiếc. Dĩ nhiên, chất lượng… hên xui nhưng đảm bảo chức năng rất giống hàng thật.

Để đảm bảo cho người tiêu dùng, các cửa hàng tự đứng ra bảo hành cho khách, có nơi bảo hành 3 tháng, nơi 6 tháng. Chiếc ĐTDĐ chúng tôi mua về xài được vài tháng… không hư nhưng âm thanh hết rè rè lại được nghe vọng lại giọng nói của chính mình như ở vách núi. Được một thời gian ngắn, khi gọi, tự mình nói mình nghe chứ bên kia không nghe được vì đứt dây âm thanh!

Không chỉ riêng chúng tôi, anh Ngọc (ở đường Trần Phú, quận 5) đang sử dụng chiếc N71 hàng nhái với giá 1,4 triệu đồng, cho biết: “Tưởng mua được hàng rẻ ai ngờ mới xài được 3 tháng mà sửa hết 2 lần”. Còn chị Hạnh (ở đường Đồng Nai, quận 10), mua chiếc laptop hiệu Dell Inspiron 1521 (hàng nhái) tại một cửa hàng trên đường Lê Hồng Phong nối dài (quận 10), nói như mếu: “Nếu biết máy hay bị treo và mất chương trình, tôi đã không ham rẻ”.

Đủ chế tài nhưng... thiếu quyết tâm?

Thật khó hiểu vì sao nhiều người vẫn sử dụng hàng kém chất lượng như thế và vì sao cơ quan chức năng không xử lý triệt để? TS Lê Vũ Nam, chuyên gia kinh tế, phân tích: Do tâm lý “chảnh”, nhiều người ít tiền vẫn chọn mua hàng nhái để chứng tỏ mình “bằng chị, bằng em”. Thực tế, xài rồi mới biết hàng này mau hư, không kinh tế như xài hàng chính hãng. Nghị định 06/2008/NĐ-CP ghi rõ: “Người kinh doanh hàng giả từ dưới 1 triệu đến dưới 30 triệu đồng sẽ bị phạt từ 300.000 - 20 triệu đồng; bị buộc tiêu hủy hàng giả hoặc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để làm hàng giả…”.

Điều 156 Bộ luật Hình sự cũng quy định: “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự…”. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý của cơ quan chức năng gần như bỏ ngỏ.

Trên các trang web muabanrao.com, denthan.com, quangcaosanpham.com, chophien.com, chodidong.net, vatgia.com… đều có quảng cáo, rao bán công khai nhiều loại hàng giả, hàng nhái của các hãng nổi tiếng như Nokia, Apple, Dell… Trong khi đó, dù Nghị định 57/2006/NĐ-CP, Thông tư 09/2008/TT-BCT quy định các website bán hàng phải cung cấp tên, địa chỉ trụ sở, số điện thoại, email, thông tin về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… trên trang chủ nhưng thực tế, các doanh nghiệp thường không cung cấp thông tin đầy đủ về giấy chứng nhận kinh doanh.

Nhà nước đã quy định rất rõ việc xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, nhưng vì sao cơ quan quản lý thị trường với đội ngũ nhân sự hàng trăm người, có ở các quận, huyện nhưng vẫn không “sờ gáy” nổi các đơn vị bán hàng gian, hàng giả công khai? Điều đó làm niềm tin của người dân vào cơ quan quản lý nhà nước bị giảm sút khi mà hàng gian, hàng giả bày bán công khai nhưng cán bộ lại không xử được.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, tuần nào đơn vị này cũng có kiểm tra nhưng chủ yếu là hàng vải sợi, giày dép, còn các loại hàng đắt tiền như ĐTDĐ, máy vi tính gần như rất ít khi phát hiện được.

Một cán bộ quản lý thị trường phân bua, tuy quy định xử phạt đã có nhưng số lượng cán bộ rải ra để bắt tại trận các cơ sở kinh doanh vi phạm thật không dễ. “Bởi hàng hóa bị họ chia lẻ, nhìn người mà bán hàng. Nếu thấy động sẽ tẩu tán. Do vậy, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ban ngành từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, người tiêu dùng, đối tượng chính chịu nhiều thiệt thòi khi mua sản phẩm nhái, cần đề cao cảnh giác và nói không với hàng nhái nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của chính họ” - vị cán bộ này nhấn mạnh.

* Khi có bất kỳ phản ánh, thắc mắc, khiếu nại về hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không hóa đơn chứng từ, trốn thuế… hãy gửi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08) 39294072 hoặc 0903.975323.

Thi Hồng

Tin cùng chuyên mục