Hàng Thái “bắt sóng” thị hiếu người Việt

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, doanh nghiệp Thái Lan vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu trên dưới 20% tại thị trường Việt Nam. Mức tăng trưởng này được đánh giá sẽ còn tiếp tục trong 5 năm tới. Điều này cũng lý giải cho việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thái Lan đến tìm kiếm cơ hội đầu tư và phát triển thị phần tại đây.

Tăng trưởng 20%/năm

Phân tích từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,5 tỷ USD. Con số này dự kiến tăng lên 20 tỷ USD vào cuối năm nay và 30 tỷ USD vào năm 2025. Điều này hoàn toàn khả thi bởi trong khối ASEAN, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. 

Ghi nhận thực tế cho thấy, có 5 nhóm ngành hàng sản phẩm của Thái Lan có mặt tại thị trường Việt Nam từ lâu và vẫn đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Cụ thể, dẫn đầu là ô tô nguyên chiếc các loại, kế đến là máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng; hàng điện gia dụng và linh kiện; máy vi tính và sản phẩm điện tử; chất dẻo. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của 5 nhóm ngành hàng này chiếm từ 7% đến gần 14% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngay khi FTA ASEAN được ký kết, thị trường Việt Nam ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng hàng hóa Thái Lan thuộc các nhóm ngành thức ăn gia súc và nguyên liệu, khí đốt, kim loại, cao su, nguyên liệu nhựa…, đặc biệt là nhóm ngành hàng rau củ quả, dệt may, da giày, chất thơm, mỹ phẩm, chế phẩm sinh học, thực phẩm chế biến, sữa… 

Hàng Thái “bắt sóng” thị hiếu người Việt ảnh 1 Hàng Thái Lan tại sự kiện “Thương hiệu hàng đầu Thái Lan” diễn ra tại TPHCM đã thu hút sự quan tâm và ưa chuộng sử dụng của người tiêu dùng trong nước
Ông Phan Như Huy, Giám đốc Công ty TNHH Swancos, chuyên cung ứng sản phẩm hóa mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp từ Thái Lan, cho biết, trung bình từ năm 2016 đến nay, sức tiêu thụ luôn tăng trưởng 20 - 30%. Trong 9 tháng đầu năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh nhưng sức tiêu thụ của dòng sản phẩm trên tại thị trường Việt Nam vẫn duy trì ở mức 20%. Cá biệt có một số mặt hàng tăng trưởng 30%. Bà Phạm Khánh Hà, đại diện Công ty TNHH Trung Huy đang làm đại lý phân phối các mặt hàng gia dụng của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Thái Lan như Zebra, Kiwi, Sola, Ocean cũng cho biết, từ năm 2000 đến nay, doanh số tiêu thụ sản phẩm trên tại thị trường Việt đều tăng trưởng 20%.  

Trước đó, thị trường đã chứng kiến làn sóng du nhập ào ạt hàng Thái Lan thông qua các hệ thống bán lẻ mà các tập đoàn Thái Lan mua lại của doanh nghiệp trong nước như thương vụ Central Retail Corp (công ty con của Tập đoàn Central Group) thâu tóm chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Ngoài ra, Tập đoàn Central Group cũng đã mua lại hệ thống siêu thị BigC, đồng thời phát triển thêm chuỗi siêu thị Robin. Không dừng lại đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi Neko, Minimart, SeeThai… cũng liên tục gia tăng số lượng để hỗ trợ ngành hàng tiêu dùng nhanh Thái Lan góp mặt vào thị trường Việt .

Ngành hàng tiêu dùng nhanh gia tăng hiện diện

Đánh giá về khả năng cạnh tranh của hàng Thái Lan tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp Thái Lan cho rằng rất khả thi. FTA ASEAN đang mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Thái khi xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam với thuế suất ưu đãi 0%. 

Bà Suparporn Sookmark, Lãnh sự Thương mại, Giám đốc Văn phòng Thương Vụ Thái tại TPHCM nhấn mạnh, trong kế hoạch đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp Thái Lan từ nay đến năm 2025, Việt Nam được tính đến là thị trường tiềm năng, chiến lược ở khu vực ASEAN. Điều này thể hiện khá rõ nét thông qua sự kiện “Thương hiệu hàng đầu Thái Lan” vừa qua, dù ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng vẫn thu hút sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hàng đầu Thái Lan. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan chưa có năng lực vươn đến thị trường châu Âu, Hoa Kỳ… thì những ưu thế ở thị trường Việt Nam là bước đệm tốt để gia tăng nội lực xuất khẩu. 

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp trong nước tỏ ra lo ngại khi hàng hóa Thái Lan tràn mạnh vào thị trường nội địa. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ, trong chiến lược thâm nhập mở rộng thị trường Việt Nam lần này, các doanh nghiệp Thái có những điều chỉnh khác so với trước đây. Theo đó, họ tập trung mạnh vào sản phẩm ở phân khúc trung và cao cấp. Giá thành của các sản phẩm này so với hàng trong nước cao hơn khoảng 10 - 30% nhưng sự tiếp nhận của người tiêu dùng Việt rất dễ dàng. Một số ưu điểm của hàng Thái Lan đang chiếm được cảm tình của người tiêu dùng là có độ bền cao, bắt mắt về hình thức, đa dạng chủng loại, tính năng sử dụng tiện lợi. 

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm, nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần nhận diện rõ hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên rất hạn chế về quy mô vốn, công nghệ. Các doanh nghiệp không có nguồn kinh phí đủ lớn để làm công tác thị trường. Sự gia tăng hàng ngoại nhập tạo sức ép rất lớn lên doanh nghiệp trong nước. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tính đến những rào cản kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp Thái bắt tay với hệ thống phân phối của Thái tại Việt Nam để thực hiện chiến lược giảm giá sâu hoặc bán dưới giá vốn để chiếm lĩnh thị phần nội địa. Mặt khác, cần thắt chặt kiểm soát nguồn góc hàng nhập khẩu từ Thái được hưởng thuế ưu đãi, tránh nguy cơ hàng hóa bị đánh tráo xuất xứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. 

Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước bằng việc hỗ trợ các thương hiệu bán lẻ uy tín trong nước như Saigon Coop, Satra Mart, Vinmart…, mở rộng thêm quy mô các cửa hàng hiện tại, tăng thêm số lượng các cửa hàng mới. Đây là nền tảng để hàng Việt chắc chân tại thị phần nội địa, tăng khả năng cạnh tranh với hàng Thái nói riêng và hàng ngoại nhập nói chung đang ồ ạt vào Việt Nam sau khi hàng loại FTA có hiệu lực.

Tin cùng chuyên mục