Theo thống kê của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), năm 2014, giá trị xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,5% thị phần thế giới. Tuy đạt mục tiêu đề ra nhưng có thể nói con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Điểm yếu nhất của chúng ta là thiếu sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Ngại đầu tư, lười thay đổi
Tôi có ý tưởng làm những chiếc hộp đựng trà bằng ống tre. Đến làng tre Phú An (Bình Dương), nơi đang trồng gần 2.000 bụi tre của 200 mẫu thuộc 17 loài, mất cả giờ trình bày ý tưởng, đưa mẫu, bà chủ ghi chép rất tỉ mỉ. Sau một hôm, bà nhắn tin bảo tôi gọi điện ngay. Tưởng có chuyện gì, hóa ra bà hỏi lại những câu mà hôm trước tôi đã trình bày. Ba hôm sau, bà lại nhắn tin hỏi: “Kích thước, hình dáng làm y như mẫu anh đưa à?”. Rõ ràng, tôi đã lặp đi lặp lại cả chục lần rằng mẫu chỉ để tham khảo, còn tùy hình dạng ống tre, tùy ý tưởng của người thợ mà làm.
Mấy ngày sau, bà viện cớ vì mặt hàng mới, thợ chưa làm bao giờ nên phải đầu tư nhiều máy móc, công sức và ép tôi đặt tiền cọc, làm hợp đồng đặt hàng 1.000 hộp. Trong khi thương thảo lần đầu, tôi đã nói rõ là sẽ đặt hàng từng đợt khoảng 30 - 50 hộp/đợt để thợ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật và sáng tạo mẫu mã. Không được tôi đáp ứng yêu cầu vô lý ấy, bà chủ cắt liên lạc.
Công nhân của làng nghề kim hoàn Định Công đang chế tác tạo mẫu sản phẩm. Ảnh: GIẢN LINH
Nghe nói ở Hội An (Quảng Nam) có một cơ sở làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng tre, tôi lại tìm đến. Nêu ý tưởng, đưa mẫu, anh Đỏ - chủ cơ sở - buông một câu: “Dễ mà. Nhưng tôi chỉ đục tượng từ gốc tre, khắc chữ trên ống tre quen rồi. Bây giờ làm hộp trà lại phải đầu tư máy tiện”. Tôi thuyết phục một hồi anh cũng không chịu thử nghiệm sản phẩm mới. Hành trình đi tìm người làm hộp đựng trà bằng ống tre của tôi suốt 1 năm nay vẫn chưa có kết quả. Sản phẩm không phức tạp, thị trường tiêu thụ ổn định, đầu tư máy móc không đáng kể, có điều phải thay đổi thói quen để làm sản phẩm mới, phải kỳ công và sáng tạo. Và chính điều ấy làm những người thợ thủ công mỹ nghệ ở nhiều làng nghề trên khắp cả nước ngại ngần vì phải thay đổi lối làm ăn xơ cứng.
|
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam sang Nhật Bản đạt khoảng 150 triệu USD/năm. Thế nhưng, ông Ken Arakawa - chuyên gia Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) - than phiền rằng, các doanh nghiệp Việt Nam rất hay nản chí. Ông từng mất hơn 1 năm làm cầu nối cho một khách hàng Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng ghế mây từ Việt Nam. Sau khi nghiên cứu các mẫu hàng, nhà nhập khẩu đã đến Việt Nam để tìm hiểu kỹ.
“Có 12 tiêu chí mà nhà nhập khẩu đưa ra cho một chiếc ghế như chiều rộng, chiều cao, chiều sâu mặt ghế, bề mặt ghế, đệm, chân ghế, bề mặt dây, dây da cuốn... và độ chênh lệch về kích thước chỉ từ 3 - 5mm… Nhưng khi khảo sát một số doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi nhận thấy họ thiếu tinh thần hợp tác hoặc dễ chán nản trước đơn hàng đòi hỏi chất lượng”, ông Ken Arakawa kể.
Do tâm lý “ăn xổi ở thì”, thiếu đầu tư công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã nên nhiều năm qua, các làng nghề, doanh nghiệp trong ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam vẫn chấp nhận làm hàng giá rẻ, lấy công làm lời, thuần túy gia công, bán nguyên liệu và sức lao động chứ chưa tạo ra được các sản phẩm có giá trị tăng cao. Đó là phát triển thụ động theo những mẫu mã cũ, có đơn hàng đến đâu làm đến đó hoặc cứ làm ra rồi chờ khách hàng, chủ yếu là khách hàng mua lẻ.
Do thiếu thiết kế, các doanh nghiệp và làng nghề thường sao chép lại mẫu mã của nhau, khiến cho sự cạnh tranh tiêu cực trong nội bộ nhóm ngày càng khốc liệt hơn và gây ra sự suy giảm toàn chuỗi giá trị của nhóm.
Theo ông Đỗ Văn Khôi, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft), hiện có 90% hàng sản xuất thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên những chi tiết kỹ thuật của khách hàng cung cấp và sử dụng nhãn mác sản phẩm của khách hàng để xuất khẩu. Do vậy, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines…, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang kém cạnh tranh hơn. Các đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam chưa nhận ra được tầm quan trọng của thiết kế cũng như sản phẩm bền vững và sự cần thiết của việc liên tục đổi mới sản phẩm.
Trong khi đó, các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu đòi hỏi cao về tính mỹ thuật và văn hóa trên mỗi sản phẩm. Với người Mỹ, sản phẩm phải thể hiện được tính văn hóa bản địa, dấu ấn cá nhân hay có thể gửi gắm một ý tưởng… Thế nhưng, có rất ít sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt được những tiêu chí này nên mỗi năm thị trường Mỹ nhập hàng thủ công mỹ nghệ trị giá 55 tỷ USD, nhưng hàng Việt Nam chỉ chiếm 1%. Thị trường EU tiêu thụ mỗi tháng khoảng hơn 50 triệu USD hàng quà tặng, nhưng hàng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% - 30%.
“Thổi hồn” vào sản phẩm
Lội ngược dòng nước đặt gì làm nấy của đại đa số doanh nghiệp, ở làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam, vẫn có nhiều người nỗ lực khơi dòng văn hóa trong sản phẩm. Anh Lý Bác Quang, chủ tiệm Tân Sanh, chuyên kinh doanh ấm tử sa - một loại trà cụ và cũng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của Nghi Hưng (Trung Quốc) tại TPHCM. Nhưng thay vì chỉ nhập hàng về bán, từ 2 năm nay, anh quyết tâm “thổi hồn” Việt vào sản phẩm. Anh chụp ảnh mặt trống đồng Đông Sơn, sếu đầu đỏ… mang sang Nghi Hưng đặt nghệ nhân Tôn Lập Cường khắc lên nắp, thân ấm tử sa. Mỗi chiếc ấm như thế nếu được làm hoàn toàn thủ công, về đến Việt Nam có giá ít nhất 50 triệu đồng/chiếc, làm bán thủ công thì giá ít nhất 15 triệu đồng/chiếc.
“Mỗi năm, tôi đặt làm khoảng mấy mẫu, mỗi chiếc là một tác phẩm độc bản. Rất vui là các sản phẩm độc đáo ấy đều được khách hàng nhanh chóng mua hết. Đất của Nghi Hưng, nghệ nhân Nghi Hưng chế tác nhưng chúng vẫn mang đậm bản sắc Việt Nam. Với tôi, hồn Việt là ở tâm hồn, cốt cách biểu hiện”, anh Lý Bác Quang tâm sự.
Hộp đựng trà làm bằng bột tre của Công ty TNHH Tuổi Trẻ. Ảnh: BẢO VI
Ở một góc độ khác, Giám đốc Công ty TNHH Tuổi Trẻ Nguyễn Thị Thu Hà lại đam mê tích hợp nhiều hàm lượng văn hóa vào một sản phẩm. Đưa tôi xem một hộp trà, bà Thu Hà hào hứng khoe: “Hộp làm từ trúc chỉ (bột tre) của Huế, thân cây luồng của Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình… Còn trà là các loại trà Shan Tuyết đặc sản của Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang… Chỉ một hộp trà nhỏ, chúng tôi đã giới thiệu được đến khách hàng ít nhất 2 nghề truyền thống, 2 vùng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Tích hợp được nhiều ngành nghề vào trong một sản phẩm, nét văn hóa càng đậm, giá trị sản phẩm càng tăng”.
Sản phẩm của làng nghề kim hoàn Định Công được áp dụng kỹ thuật làm sáp và đầu tư tạo mẫu nên được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: GIẢN LINH
Anh Giang Văn Bình tốt nghiệp ngành thiết kế trang sức (Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), yêu thích sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam, nhất là nghề đậu bạc (đậu bạc tức là kéo bạc đã nung chảy thành những sợi chỉ bạc, rồi từ những sợi chỉ này chuyển thành những hình hoa lá, chim muông gắn vào những đồ trang sức.) nên anh quyết tâm thiết kế mẫu mã cho nghề kim hoàn Định Công (Hà Nội).
Anh Bình chia sẻ: “Tôi muốn tạo ra một sự mới mẻ, một phong cách hiện đại cho sản phẩm đậu bạc truyền thống. Đó chính là áp dụng kỹ thuật làm sáp. Chúng tôi tạo phom bằng mẫu sáp và đúc. Sau đó, sẽ đậu lên. Kỹ thuật này cho phép tạo ra nhiều mẫu mã phong phú, đa dạng hơn, nhất là những mẫu có yêu cầu cao về khối...”. Cầm trên tay và mân mê những chi tiết trên đĩa cánh sen, hộp tú cầu hoa đậu bạc, ví cánh sen, hộp quạt Xuân Hương…, tôi cảm nhận được sức sáng tạo và tinh hoa của bàn tay người thợ đong đầy.
Một cái chén làm bằng gáo dừa, người thợ thủ công ở tỉnh Bến Tre chỉ tạo hình đơn giản rồi đánh bóng, chỉ bán được 30.000 đồng. Nhưng khi được tạo dáng bắt mắt rồi mang về làng Tương Bình Hiệp (Bình Dương) cẩn sơn mài, tạo hoa văn trong lòng, cái chén ấy lại được bán ở các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại TPHCM với giá 70.000 đồng/chiếc. Và khi một nhà buôn mang sang Campuchia, thuê thợ thủ công bản địa đan những chiếc giỏ, hộp bằng lá thốt nốt để đựng cái chén ấy, giá của nó đã tăng lên 7 USD/chiếc (gần 150.000 đồng). Chỉ một việc đơn giản ấy cũng đã đủ chứng tỏ vai trò quan trọng của óc sáng tạo, việc thiết kế mẫu mã và sự tích hợp văn hóa vào sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
|
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG