Thực hiện Nghị quyết số 16/2012 của HĐND TPHCM khóa VIII về công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố, trong đó có việc rà soát dự án chậm triển khai, các sở ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và thu hồi hàng trăm dự án thuộc diện này. Phản hồi từ thực tế cho thấy có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo…
Dân vui, nhà đầu tư khỏe
Nụ cười… là điều mà chúng tôi thấy ở rất nhiều người dân nằm trong khu vực các dự án chậm triển khai bị thu hồi. Từ những người dân ngụ tại phường Hiệp Phú, quận 9 nằm trong dự án phát triển nhà ở của Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận cho đến những người dân ngụ tại xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn, nơi có dự án xây dựng đô thị mới An Phú Hưng… Bác Trần Văn Chung, một người dân ở xã Tân Hiệp chia sẻ, từ năm 2004 đến trước khi dự án có quyết định thu hồi vào cuối năm 2012, gia đình bác gần như phải “án binh bất động” chẳng làm ăn gì được. Đời sống kinh tế vì thế giảm sút nhiều. Bây giờ thì mọi bức xúc đã được trút bỏ.
Bà Mai Thị Nga, một người dân ngụ tại quận 9 cho biết, khu nhà của bà nằm trong một dự án phát triển địa ốc chưa có quyết định thu hồi. Lãnh đạo địa phương luôn nói với bà rằng, mọi quyền lợi của người dân về xây, sửa, mua, bán nhà đất trong khu vực dự án vẫn được tôn trọng, cho đến khi dự án có quyết định thu hồi đất. “Tuy nhiên, đã mang tiếng là nhà đất nằm trong khu vực có dự án thì ai dám mua mà bán? Nếu có người mua thì cũng tìm cách ép giá. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, tôi muốn bán nhà, đất để về Bình Dương sống với con cháu mà không được” - bà Mai Thị Nga tâm sự. Hiện bà Mai Thị Nga đang rao bán nhà đất của mình. Trong bối cảnh thị trường địa ốc ảm đạm, bà Mai Thị Nga biết khó bán được giá cao nhưng theo bà, việc nhà đất không còn nằm trong khu vực dự án giúp bà dễ “ăn nói” với khách hàng hơn.
Những tưởng chỉ có người dân vui trước việc các dự án địa ốc chậm triển khai bị thu hồi… Không phải vậy, ngay cả nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn của TPHCM. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, lý giải, thị trường địa ốc, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đang ế hàng chục ngàn căn hộ, nền đất nhà phố và nền biệt thự. Sự dư thừa này, theo đánh giá của Bộ Xây dựng “đủ xài trong 50 năm nữa”. Việc thu hồi dự án địa ốc chậm triển khai, nhìn ở góc độ này, rõ ràng là một cách giúp doanh nghiệp kinh doanh địa ốc có lý do để dừng dự án của mình. Thu hồi các dự án địa ốc chậm triển khai, nhìn ở góc độ hiệu quả kinh tế chung của toàn xã hội, đó còn là cách không cho nguồn tiền tiếp tục rơi vào và đóng băng cùng với thị trường bất động sản. “Chúng tôi cảm thấy nhẹ lòng trước quyết định thu hồi dự án địa ốc chậm triển khai” - ông Nguyễn Văn Đực cho biết.
Phải sử dụng hiệu quả
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, thực hiện Nghị quyết 16/2012, Sở TN-MT đã chấm dứt, không gia hạn chấp thuận địa điểm đầu tư cho 75 dự án, tương ứng với diện tích hơn 960 ha; gia hạn thực hiện đến hết ngày 31-12-2013 đối với 50 dự án. Những dự án được gia hạn là những dự án đã đền bù trên 50% diện tích và những dự án bị thu hồi là những dự án đền bù chưa tới 50% diện tích. Đối với những dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất, từ năm 2012 đến nay Sở TN-MT đã thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất 25 dự án với diện tích hơn 670 ha; điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích đối với 8 dự án với tổng diện tích gần 96 ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết Sở TN-MT đã tổ chức rà soát và ra quyết định xử lý theo từng trường hợp cụ thể đối với tất cả dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Những dự án được gia hạn thực hiện đã được yêu cầu báo cáo tiến độ thực hiện cụ thể. Đối với phần đất đã giải phóng mặt bằng trong các dự án bị thu hồi, Sở TN-MT và chính quyền các địa phương sẽ phối hợp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, có hai hướng cho những dự án dạng này, đó là chuyển đổi chủ đầu tư có năng lực hơn hoặc điều chỉnh thu hẹp dự án theo phần đất đã được giải phóng mặt bằng.
Đánh giá cao quyết định và động thái quyết liệt trong thu hồi dự án chậm triển khai của TPHCM, nhưng từ góc độ của một nhà khoa học về quản lý đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, nhận định: vẫn còn nhiều việc phải cân nhắc, suy xét thêm trong việc thu hồi các dự án chậm triển khai. Cách làm hiện nay cơ bản mới đạt được mục tiêu: trả lại quyền lợi hợp pháp cho người dân (đối với dự án đã có quyết định thu hồi đất) và thúc đẩy tiến độ thực của các dự án được cho tiếp tục triển khai. Những mục tiêu lớn hơn như sử dụng quỹ đất tiết kiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững… cần được đưa vào nghiên cứu sau động thái này. Nguyên đại biểu HĐND TPHCM Đặng Văn Khoa cũng cho rằng, phải có những tính toán để sau khi thu hồi dự án chậm triển khai, quỹ đất của TPHCM phải được sử dụng hiệu quả hơn.
NGUYỄN KHOA