Hàng trăm ngôi nhà ở Ninh Thuận ngập trong biển nước

Mưa lớn kéo dài, kết hợp với việc các hồ chứa xả lũ đã khiến hàng trăm ngôi nhà ở tỉnh Ninh Thuận bị ngập sâu trong nước.

Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều khu vực của tỉnh Ninh Thuận như các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và TP Phan Rang – Tháp Chàm bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong đó, theo thống kê ban đầu, đến trưa 12-11, mưa lớn kéo dài kết hợp với việc hồ Bà Râu xả lũ khiến hơn 300 nhà dân và hàng trăm hécta lúa tại khu vực xã Tân Hải (huyện Ninh Hải) bị ngập sâu trong nước từ 0,5 – 1,2m.

Nhiều nhà dân ở xã Tân Hải, huyện Ninh Hải bị ngập sâu trong nước.
Đặc biệt, hàng chục nhà dân ở vùng trũng thuộc xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải hiện đang bị cô lập giữa biển nước.

Theo người dân địa phương, trong đêm 11-11, trời mưa to kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về lớn, nước ngập vào nhà rất nhanh, nhiều người không kịp di dời tài sản.

Xe của người dân bị chết máy do ngập nước

Còn tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, lượng mưa lớn cũng đã khiến hàng ngàn ngàn m² diện tích trồng táo, ổi,... của người dân đang vào vụ thu hoạch bị ngập, nhiều gia đình phải tranh thủ thu hoạch để hạn chế thiệt hại.  

Trong khi đó, tại tuyến đường ven biển đoạn qua xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải nối với xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam cũng bị sạt lở, gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trong những ngày qua.

 Nhiều diện tích táo của người dân TP Phan Rang - Tháp Chàm đang vào kỳ thu hoạch bị ngập trong nước

Theo công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, mưa lớn liên tục kéo dài trong những ngày qua đã khiến 9 hồ chứa nước trên địa bàn phải mở van xả lũ và xả tràn tự do để đảm bảo an toàn hồ chứa.

Theo ghi nhận, đến trưa 12-11, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về khiến mực nước tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận dâng cao, khả năng gây lũ, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, vùng cuối kênh có thể xảy ra trong thời gian tới.

Nhiều nơi ở tỉnh Ninh Thuận nước ngập tới thắt lưng

Hiện, các địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại, đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó với tình hình thời tiết diễn biến bất thường để bảo đảm an toàn cho người dân sống gần sông, suối, tránh thiệt hại tài sản.

Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền người dân tập trung khơi thông cống, rãnh, mương để việc thoát nước nhanh, tránh ngập úng cho các vùng sản xuất.

Tin cùng chuyên mục