Hàng Việt bám rễ thị trường Campuchia

Thêm nhiều gương mặt mới
Hàng Việt bám rễ thị trường Campuchia

Hàng Việt Nam đã thực sự bám rễ tại thị trường Campuchia. Độ phủ của hàng Việt tại đây không ngừng được mở rộng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng đến năm 2015 bình quân đạt từ 35%-40%/năm, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần có một giải pháp căn cơ hơn.

Người tiêu dùng Campuchia chọn mua sản phẩm inox tại Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam ở tỉnh Battambang.

Người tiêu dùng Campuchia chọn mua sản phẩm inox tại Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam ở tỉnh Battambang.

Thêm nhiều gương mặt mới

Hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ TPHCM – Campuchia đang diễn ra tại Phnôm Pênh từ ngày 28-3 đến 1-4, thu hút 150 DN tham gia, trưng bày hàng hóa tại 200 gian hàng với gần 10 nhóm mặt hàng khác nhau. Ngay trong đêm khai mạc, lượng khách hàng đến tham quan và mua sắm rất đông.

Chỉ sau lễ khai mạc 3 giờ, nhiều gian hàng đã hết hàng, phải chờ hàng hóa đưa từ Việt Nam sang hoặc từ các trung tâm phân phối tại Campuchia chi viện.

Tại gian hàng của các DN chuyên sản xuất và kinh doanh các loại thực phẩm chế biến, người dân chen nhau để nếm thử sản phẩm của các DN Việt Nam.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp, TPHCM tổ chức hội chợ, triển lãm với quy mô lớn nhằm hỗ trợ cho DN Việt Nam tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến với người tiêu dùng Campuchia. Nhờ vậy, người dân nơi đây đã bắt đầu “nằm lòng” với những sản phẩm của Việt Nam như sữa Vinamilk, bánh Kinh Đô, thực phẩm Vissan, mỹ phẩm Sài Gòn, mì Vifon, bút bi Thiên Long…

So với năm ngoái, hội chợ năm nay đã xuất hiện nhiều DN với những sản phẩm mới như sữa Ba Vì, bánh kẹo Hải Hà – Kotobuki, Công ty Lâm Gia – nước mắm Lâm Thị (Kiên Giang)…

Theo đại diện Công ty sữa Ba Vì, đây là lần đầu tiên tham gia hội chợ. Cách đây 3 tháng, công ty đã đưa hàng vào siêu thị Vinamart (một trong những siêu thị chuyên bán hàng Việt hiếm hoi tại Campuchia) để bán thử nhưng không ngờ hàng bán rất chạy. Do vậy, sữa Ba Vì đã quyết định tham gia hội chợ để tăng cường quảng bá hình ảnh cũng như tìm thêm các đối tác mới nhằm mở rộng thị phần.

Ông Kep Chuk Tima, Thị trưởng thủ đô Phnôm Pênh cho biết, hàng hóa Việt Nam tại Campuchia ngày càng đa dạng, hấp dẫn, chất lượng tốt, giá cả vừa phải. Nhiều người dân Campuchia đã biết đến hàng Việt nhờ cách tiếp cận thị trường và quảng bá hàng hóa rất đa dạng. Hiện Campuchia cũng đang tiến hành xây dựng cầu Nẹ Nương – nối biên giới Việt Nam và Campuchia. Khi cầu hoàn thành thì việc chuyên chở hàng hóa từ Việt Nam sang Phnôm Pênh bằng đường bộ sẽ chỉ mất 2 giờ. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để tăng lượng xuất khẩu vào Campuchia.

Làm ăn bài bản

Theo đại diện của Công ty TNHH Một thành viên Yến sào Khánh Hòa, dù mới thâm nhập thị trường Campuchia được 2 năm nhưng doanh thu của công ty tăng trưởng rất tốt. Việc tham gia các hội chợ cũng là cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu tại Campuchia.

Bút bi Thiên Long hiện là DN dẫn đầu trong lĩnh vực văn phòng phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia. Ông Đoàn Xuân Nghị, Trưởng văn phòng đại diện Công ty Thiên Long tại Campuchia, cho rằng để đạt được doanh thu 1 triệu USD tại thị trường Campuchia trong năm 2012, bút bi Thiên Long đã kiên trì tham gia giới thiệu hàng hóa trong suốt 9 năm qua, thông qua các hội chợ – triển lãm về hàng Việt. Ông Đoàn Xuân Nghị cho rằng, có không ít DN Việt Nam bị “phơi áo” tại Campuchia. Nếu muốn thành công, trước tiên cần thay đổi và loại bỏ ngay suy nghĩ đây là thị trường dễ tính, có thể bán hàng gì cũng được. Cách làm ăn chụp giựt, thiếu bài bản không còn phù hợp với thời điểm này. Cùng quan điểm này, đại diện Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn cũng cho rằng, cho dù công ty đã mở được nhiều đại lý ở một số tỉnh của Campuchia, doanh số tăng trưởng rất tốt nhưng đều đặn 1 năm 2 lần, công ty vẫn tham gia các kỳ hội chợ để hỗ trợ các nhà phân phối.

Nhìn nhận về vị thế hàng Việt tại Campuchia, ông Kep Chuk Tima cho rằng, Campuchia là một thị trường mở. Hàng hóa vào Campuchia khá dễ dàng nhưng lại có tính cạnh tranh cao. Hiện tại, nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã thực sự bám rễ tại thị trường này nhưng để đạt được tốc độ phát triển bền vững và cạnh tranh tốt với hàng của các nước, bên cạnh chất lượng tốt, giá cả, DN Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản để liên tục làm mới bao bì, mẫu mã, đồng thời tổ chức các chương trình quảng bá thương hiệu ngày càng tốt hơn.

Là người theo dõi và chỉ đạo xuyên suốt công tác xúc tiến thương mại của TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc tổ chức các kỳ hội chợ nhằm tạo cơ hội cho DN tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng Campuchia. Nhưng để trụ vững ở thị trường này và cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước khác, DN Việt Nam phải giữ chất lượng sản phẩm tốt, đa dạng mẫu mã, đồng thời nhanh chóng phát triển mạng lưới phân phối để hàng Việt Nam có mặt thường xuyên tại đây.

Ông Vũ Thịnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Campuchia, cho biết năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đã đạt 2,8 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2010, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 2 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2012, Việt Nam xuất khẩu gần 450 triệu USD hàng hóa sang Campuchia, tăng 43% so cùng kỳ. Với mức độ tăng trưởng xuất khẩu cao như hiện nay, nhiều khả năng kim ngạch sẽ đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2012.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục