Hàng “xách tay” bủa vây thị trường

LTS:
Hàng “xách tay” bủa vây thị trường

LTS: Hưởng ứng đợt phát động thi đua đặc biệt nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, từ hôm nay 10-6, Báo Sài Gòn Giải Phóng ra mắt trang Chống hàng gian, hàng giả, đăng vào mỗi thứ năm hàng tuần. Trang sẽ tập trung phản ánh cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả trong lĩnh vực điện tử, điện máy. Bạn đọc có phản ánh, thắc mắc, khiếu nại về hàng gian, hàng giả, hàng lậu, hàng xách tay, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không hóa đơn chứng từ, trốn thuế… hãy gửi thư cho chúng tôi theo địa chỉ: Ban Kinh tế, Báo Sài Gòn Giải Phóng, 203 Phùng Hưng, quận 5, TPHCM; email: hanni@sggp.org.vn; ĐT: (08)39294072 hoặc 0903.975323.

Một máy tính laptop hàng “xách tay” (đưa vào thị trường không phải chịu thuế nhập khẩu) cùng đời có giá chênh cả chục triệu đồng ở Việt Nam không phải hiếm. Do lợi nhuận cao, nhiều công ty tự nhập hàng và tự bảo hành cho khách! Có nơi chỉ cần có người “chẻ” hàng về là mở cửa hàng bán lẻ cho khách. Dù thương hiệu nào cũng có đại diện tại thị trường Việt Nam, có điểm bảo hành chính hãng nhưng hầu như khách hàng rất mù mờ về chất lượng sản phẩm, nguồn hàng, chế độ bảo hành...

Người tiêu dùng nhức đầu khi chọn mua note book, laptop. Ảnh: VIỆT DŨNG

Người tiêu dùng nhức đầu khi chọn mua note book, laptop. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giá: “dập” hàng chính hãng

Mới thử đi tìm mua chiếc laptop mà chúng tôi như rơi vào “mê hồn trận” bởi không thể hiểu chất lượng, nguồn gốc hàng hóa thế nào mà giá chênh nhau một trời một vực. Chiếc DELL INSPIRON-13R-Hi5430 ở Phong Vũ, Hoàn Long có giá trên 17 triệu đồng, trong khi ở Wonder Buy (đường Nguyễn Đình Chiểu) chỉ trên 15 triệu đồng. Tương tự, giá chiếc ACER ASPIRE 4740-331G32Mn ở Hoàn Long trên 12 triệu đồng nhưng ở Wonder Buy chỉ tầm 10 triệu đồng. Chiếc SONY VAIO VPC W21FX/B BLACK ở Gia Huy giá trên 18 triệu đồng, nhưng ở Wonder Buy hơn 20 triệu đồng.

Giá chiếc laptop ASUS G51J-i7-720QM ở Phong Vũ là 51 triệu đồng (đã có thuế VAT), ở Hoàn Long đến 52,4 triệu đồng nhưng ở Viễn Thông A là 42,7 triệu đồng và ở Wonder Buy còn rẻ hơn nữa - chỉ có 38,4 triệu đồng. Tìm hiểu kỹ mới phát hiện, cũng cùng đời máy nhưng RAM máy của Phong Vũ lên đến 8G, trong khi máy ở Wonder Buy chỉ có 2G. Một nhân viên bán hàng cho biết, sẵn sàng “nâng” RAM từ 2G lên thành 8G với giá tăng thêm vài triệu đồng - xem ra vẫn rẻ hơn nơi khác cả chục triệu đồng. Nhân viên bán hàng còn cho biết đây là hàng xách tay nhưng được mua qua… một công ty khác.

Nhiều nơi cũng thế, bán hàng xách tay một cách công khai, với giá thường rẻ hơn các nơi khác đến 2 triệu đồng. Chẳng hạn, laptop hiệu Macbook của Apple chỉ được bán tại Phong Vũ - thành viên bán lẻ sản phẩm “trái táo” được nhà phân phối Việt Nam chỉ định và một vài trung tâm lớn khác, nhưng đi đến đâu chúng tôi cũng thấy trưng bày với giá rẻ hơn nhiều. Thực tế, dân bán hàng xách tay thường nhập về hàng “độc”, chưa được phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam nên khách hàng không có cơ sở để so sánh giá. Cửa hàng Gia Huy bày bán rất nhiều hàng xách tay như ASUS GT1JX-X1, DELL ALIENWARE, HP ENVY-15, trong khi ở nơi khác kiếm “đỏ con mắt” vẫn không ra.

Một chuyên gia trong ngành máy tính cho biết, do hàng xách tay xuất phát từ nhiều nguồn với chất lượng khác nhau, không phải đóng thuế nhập khẩu, “thoát” luôn cả thuế giá trị gia tăng nên có giá thấp. Chẳng hạn, một nhân viên du lịch dẫn đoàn khách chục người, mua chục chiếc laptop và khai báo nhờ mỗi người một cái nên không phải đóng thuế, sau đó về Việt Nam bán lại, nếu không xuất hóa đơn giá trị gia tăng coi như họ lời to vì “né” được các loại thuế.

Chất lượng: hên - xui!

Nếu ham mua hàng xách tay với giá rẻ, người tiêu dùng phải chịu rủi - may, bởi hầu hết hàng xách tay đều không được bảo hành chính hãng tại Việt Nam. Do vậy, điểm khác cơ bản giữa hàng xách tay và hàng chính hãng là phiếu bảo hành. Nếu bán hàng xách tay, nhiều doanh nghiệp phải tự đứng ra bảo hành (gọi là bảo hành công ty), hay nhiều nơi dùng “chiêu” bảo hành tận nhà để đánh lừa khách hàng nếu quên đòi phiếu bảo hành chính hãng. Cách bảo hành của công ty khi có máy hư là hư bộ phận nào tháo bộ phận đó của máy khác gắn qua… Do hàng được tháo gắn lung tung nên người mua muốn giá nào cũng có.

Anh Nguyễn Văn Hương (nhà ở quận 10) cho biết, do cả tin nhân viên bán hàng là hàng xách tay chỉ khác hàng chính hãng ở “con tem” chứ chất lượng như nhau nên tôi mua một laptop với giá rẻ hơn mấy triệu đồng. Nào ngờ, chỉ xài khoảng nửa năm, máy hư card màn hình, cửa hàng cũng sửa, nhưng tháng sau lại hư tiếp, lần này cửa hàng bảo hết thời gian bảo hành, muốn thay màn hình mới phải… trả tiền! 

Điểm e ngại thứ hai là những nơi bán hàng xách tay thường không xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho khách hàng. Càng ít xuất hóa đơn, càng tốt cho họ, bởi “đầu vào” hàng hóa đã không có hóa đơn chứng từ nên “đầu ra” không xuất hóa đơn sẽ dễ dàng hơn. Thế nhưng, hiện nay tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, không có phiếu bảo hành chính hãng nhan nhản khắp nơi nhưng người dân chưa phân định được.

Ngay siêu thị điện máy Nguyễn Kim cũng vậy, nhân viên nói là hàng chính hãng, nhưng lại giao phiếu bảo hành của công ty và lý do được đưa ra là để… bảo hành tận nhà. Ở cửa hàng điện tử Thành Nhân cũng vậy, nhân viên bảo là hàng chính hãng nhưng lại chỉ bảo hành tại Thành Nhân. Đã vậy, nơi đây còn trưng bày nhiều mặt hàng có giá chưa thuế VAT, lúc bán hàng lại không xuất hóa đơn bán hàng - mặc cho cơ quan thuế đã nỗ lực tuyên truyền bán hàng phải xuất hóa đơn trong suốt thời gian dài vừa qua.

Nguyễn Hoàng

Tin cùng chuyên mục