Hàng xóm của tai

Với một ngôi nhà mặt phố bây giờ thì hàng xóm chỉ được hiểu theo nghĩa là hai nhà bên cạnh. Cũng không biết rõ có bao nhiêu người bên ấy. Tên họ là gì? Càng không biết họ làm việc gì và ở đâu đến. Nhà trong ngõ hẹp có thể biết thêm vài nhà đối diện. Cũng chỉ biết đại khái họ ở bên ấy. Trông mặt thấy quen quen. Thật thà xởi lởi cũng có. Gian manh vặt vãnh cũng nhiều. Tin tưởng thì tuyệt đối không. Giao thiệp hãn hữu. Lẳng lặng khóa cửa mà ra khỏi nhà. Hàng xóm không biết là hơn.
Hàng xóm của tai

Với một ngôi nhà mặt phố bây giờ thì hàng xóm chỉ được hiểu theo nghĩa là hai nhà bên cạnh. Cũng không biết rõ có bao nhiêu người bên ấy. Tên họ là gì? Càng không biết họ làm việc gì và ở đâu đến. Nhà trong ngõ hẹp có thể biết thêm vài nhà đối diện. Cũng chỉ biết đại khái họ ở bên ấy. Trông mặt thấy quen quen. Thật thà xởi lởi cũng có. Gian manh vặt vãnh cũng nhiều. Tin tưởng thì tuyệt đối không. Giao thiệp hãn hữu. Lẳng lặng khóa cửa mà ra khỏi nhà. Hàng xóm không biết là hơn.

Có một thứ hàng xóm trong thành phố rất lạ. Chỉ có tiếng. Không có hình. Đó là hàng xóm ở sau lưng. Muốn biết họ là ai phải đi vòng sang con phố sau lưng nhà mình. Cũng chỉ áng chừng bằng khoảng cách không chính xác ngoài mặt phố. Áo quần phơi trên sân thượng lỡ bay sang thà chịu mất còn hơn đi tìm. Họ cũng thế. Hàng xóm ấy hoàn toàn chỉ có tai mình nghe thấy. Hàng xóm của tai. Tưởng rằng dễ cư xử và ít phiền hà nhưng không phải thế. Nhiều khi bị làm phiền mà đành cắn răng chịu. Không có cách nào tự vệ.

Minh họa: D. KHANH

Minh họa: D. KHANH

Hàng xóm của tai dĩ nhiên chỉ làm phiền mình bằng tai. Nhưng hóa ra rất phiền. Cãi cọ chửi bới. Kèn trống đàn sáo hiếu hỉ. Tụ tập hát hò nhậu nhẹt. Sửa chữa nhà cửa, khoan cắt bê tông. Sợ nhất cô em thuê trọ sau nhà mở giàn máy California luyện giọng karaoke những bài não tình: Nếu mai em chết, Đôi mắt người xưa. Người Hà Nội vài năm nay phải làm quen với sự thay đổi thần tốc của hàng xóm. Nhà cửa bán đi mua lại là chuyện thường. Những ngôi nhà lớn gắn với tên tuổi chủ nhân ngày trước bây giờ chẳng còn bao nhiêu nữa. Những ngôi nhà nhỏ hơn cũng chia năm xẻ bảy xé lẻ bán mua. Hàng xóm chưa kịp quen đã có hàng xóm mới thay thế. Tốt nhất chẳng cần quen làm gì. Đằng nào thì cũng phải thay đổi. Họ không đi thì mình cũng chuyển. Đỡ được rất nhiều chào hỏi rườm rà. Và cũng đỡ bùi ngùi cảm động lúc chia ly. Nhưng như thế thì có nguy cơ toàn bộ sẽ trở thành hàng xóm của tai. Nhà hàng xóm vừa mới đập tường xây cất sửa chữa xong lập tức bán cho người khác. Người mới đến không bao giờ chịu giữ nguyên hiện trạng. Tiếp tục đập phá sửa chữa lại. Không bao giờ hai gia đình trong thành phố có nếp sinh hoạt như nhau. Nhu cầu sử dụng nội thất vì thế không thể giống nhau. Kiến trúc sư tây tàu ta đủ hạng thiết kế căn hộ cao cấp cũng chỉ là để cho đủ hồ sơ hoàn chỉnh. Chính ông ấy, nếu sử dụng căn hộ do mình thiết kế chắc chắn cũng sẽ đập ra làm lại nội thất. Màng nhĩ hàng xóm lại một phen điêu đứng. Hàng xóm mới trong phố ra mắt nhau bằng những màn tra tấn như vậy rất khó “bình thường hóa” quan hệ sau này.

Cái thời hàng xóm trong phố gửi nhà cửa con cái thậm chí cả vợ cho nhau đã rất xa. Và vĩnh viễn không bao giờ quay lại nữa. Cũng hay. Ít nhất thì hạnh phúc gia đình cũng bớt đi được một nguy cơ “ông chẳng bà chuộc”!

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục