Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu tăng trưởng nhanh, với nhiều mặt hàng chủ lực chiếm thứ hạng cao trên thị trường thế giới. Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu trên tổng GDP của VN đã tăng từ 30% vào đầu thập kỷ 1990 lên đến 70% trong 3 năm gần đây. Cơ cấu mặt hàng đã thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng hàm lượng giá trị công nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, về cơ bản xuất khẩu của VN chưa mang lại giá trị gia tăng cao.
Giá trị gia tăng thấp
Theo tính toán của ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), mặc dù gỗ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm liền, nhưng lợi nhuận mang lại từ ngành này chỉ đạt khoảng 8%-9%. Tương tự, ngành dệt may tốc độ tăng trưởng đạt hơn 30%/năm, trở thành một hiện tượng của xuất khẩu VN trong năm 2010, nhưng lợi nhuận mang lại còn rất khiêm tốn từ 6%-8%. Nguyên nhân chính là chúng ta chưa tự chủ được đầu vào cho sản xuất, phải nhập khẩu nguyên phụ liệu khoảng 70%-80%. Đó là chưa kể tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và thu nhập của công nhân ngành may luôn đặt trong tình trạng tỷ lệ nghịch. Ngay như ngành điện tử, mặc dù kim ngạch mang lại chủ yếu từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm từ 17%-20% trong tổng giá trị sản xuất.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp từng bức xúc, giá trị gia tăng chưa vượt quá 20% đối với ngành điện tử, sao có thể gọi là sản phẩm của công nghệ cao được! Ngoài các mặt hàng như dầu thô, than đá (do được khai thác từ tài nguyên sẵn có), hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của VN đang đứng ở đáy của chuỗi giá trị gia tăng.
Qua khảo sát của các chuyên gia Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, trong 3 sản phẩm mang lại doanh thu xuất khẩu lớn nhất cho ngành thủy sản, có 70% sản lượng xuất khẩu ở dạng sơ chế (đông lạnh). Cứ 2,8kg nguyên liệu cho ra 1kg sản phẩm, 1kg cá philê xuất khẩu thu được 2,8 USD thì chi phí nguyên liệu đã ngốn hết 2,52 USD, còn lại 28 cent chênh lệch bao gồm tất cả chi phí sản xuất và lợi nhuận của DN nên lợi nhuận từ xuất khẩu rất thấp!
Nhóm hàng “công nghiệp chế biến” hiện chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, những năm gần đây giá nguyên liệu đầu vào luôn tăng nhanh, tăng trước, nhưng giá thành sản phẩm xuất khẩu không tăng kịp hoặc gần như không tăng nên giá trị thực thu ít. Tuy sản xuất và xuất khẩu đứng đầu thế giới về hạt điều nhưng khả năng cạnh tranh và giá luôn thua Ấn Độ do năng suất chế biến thấp, chi phí sản xuất cao, những công đoạn chính như bóc tách, phơi sấy vẫn làm thủ công. Tương tự, với cà phê, chúng ta đang dẫn đầu thế giới loại cà phê robusta, nhưng hơn 70% lượng cà phê bị trả về trên thị trường xuất khẩu cũng là hàng của VN. Nguyên nhân chính do chất lượng cà phê không đồng đều, việc thu hái, phơi sấy bảo quản chưa đồng bộ. Với mặt hàng chè (trà), mỗi năm VN xuất khẩu hơn 100 ngàn tấn, giá chè trung bình của thế giới trong năm 2009 là 2,43 USD/kg, trong khi của ta chỉ 1,23 USD/kg. Từ 1998 đến nay, giá chè của thế giới tăng 18% còn giá chè của VN lại giảm tới 20%.
Cạnh tranh kém
Báo cáo xuất khẩu Việt Nam 2009-2010 do Cục Xúc tiến thương mại và Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (Depocen) phối hợp thực hiện đưa ra nhận xét: “Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam hầu hết có chất lượng trung bình, không có yếu tố nổi trội so với đối thủ cạnh tranh”. Báo cáo của các cơ quan thương vụ VN tại nước ngoài cũng chỉ ra rằng, chất lượng hàng xuất khẩu của VN chưa ổn định, mẫu mã chưa phong phú, đa dạng. Trên thực tế, VN chỉ có lợi thế cạnh tranh hàng xuất khẩu ở những nhóm hàng có công nghệ thấp, thâm dụng nhiều lao động và xuất khẩu tài nguyên, nông sản dạng thô.
Tại Malaysia, sản lượng hàng xuất khẩu trong năm 2009 chỉ tăng 2%, nhưng đủ để tạo ra 14% tăng trưởng trong giá trị xuất khẩu. Tại Thái Lan, chỉ cần tăng 8% về lượng thì việc tăng giá trị xuất khẩu đã đạt tới 18%. Giả định Malaysia đạt được mức tăng trưởng về lượng 9%, mức tăng trưởng về giá trị xuất khẩu có thể tăng tới 63%. Trong khi đó, tại VN cũng với sản lượng gia tăng xuất khẩu là 9% nhưng giá trị gia tăng trong xuất khẩu chỉ đạt 26%. Cũng vì lý do này, mặc dù nhiều ngành hàng của VN đứng thứ hạng cao như hồ tiêu, điều, gạo, cà phê, cao su, hàng dệt may..., nhưng do chưa tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng, nên phải lệ thuộc vào các trung gian thương mại nước ngoài làm tăng chi phí trung gian, đó là chưa kể có trường hợp bị ép giá!
TS Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khuyến cáo, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta vẫn còn nằm ở vị trí của nhóm 30% các nền kinh tế có sức cạnh tranh thấp. Theo đó, trong cơ cấu sản phẩm hàng xuất khẩu công nghệ cao của VN mới chỉ chiếm 8,2%; trong khi đó sản phẩm tương ứng tại các nước trong khu vực như Indonesia là 18%; Philippines 33%; Trung Quốc 39%; Thái Lan 49% và Malaysia 67%.
Theo TS Trần Du Lịch, nền kinh tế nước ta hướng vào xuất khẩu nhưng 20 năm qua vẫn lâm vào tình trạng nhập siêu ngày càng nặng. Nếu căn cứ vào cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa và bảng cân đối tài khoản vãng lai, có thể nhận ra rằng, nền kinh tế nước ta thực sự là nền kinh tế tiêu thụ bán thành phẩm và thành phẩm của nước ngoài. Sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và của các mặt hàng xuất khẩu nói riêng đang đuối trong cuộc chạy đua toàn cầu. Nguyên nhân chính là do chúng ta kéo dài quá lâu mô hình tăng trưởng theo chiều ngang, chỉ tập trung khai thác tài nguyên, khoáng sản để xuất khẩu. Thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu chính là mệnh lệnh đặt ra cho xuất khẩu VN trong những năm tới.
Thúy Hải