1. Thiên nhiên... thật khôn lường
Tôi đã từng bị cuốn xuống nước khi đang ở trên thuyền trong một chuyến công tác ra cửa biển Định An của tỉnh Trà Vinh. Khi đó, nếu không mặc áo phao, chắc chắn tôi không thể còn ngồi ở đây để viết những dòng chữ này.
Câu chuyện xảy ra đã hơn một năm nhưng tôi vẫn nhớ như in các sự kiện. Bầu trời lúc ấy rất trong xanh, sóng êm, không hề có một dấu hiệu nào cho thấy sẽ có một cơn lốc. Thuyền tôi đi là một chiếc ca nô chuyên dụng của bộ đội biên phòng… Tin vào thời tiết, tin vào phương tiện cũng như người điều khiển nó, tôi cùng bốn đồng nghiệp khác bước ra mũi ca nô để quay phim và chụp ảnh. Gió thổi mát rượi, mọi người chưa kịp hít vào hơi nước trong lành ấy thì làn gió hiền lành bỗng chốc biến thành lốc, hút lên một cột nước, tạt thẳng vào mũi thuyền, cuốn phăng 5 người chúng tôi xuống nước. Người rơi xa nhất cách ca nô hơn 10m. Toàn bộ máy ảnh, máy quay phim của chúng tôi rơi xuống nước…
Đã từng ngộp thở trong làn nước giá lạnh và sợ hãi trước sức mạnh của nước nên tôi có thể hiểu được những gì mà những người xấu số trong các vụ tai nạn giao thông đường thủy đã trải qua… Nghĩ lại vẫn thấy rùng mình. Nhưng cũng từ khi bị tai nạn, tôi bắt đầu đi… học bơi và học thêm các kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Biết là muộn nhưng may là chưa quá muộn. Và bây giờ mỗi khi bước xuống bất kỳ một chiếc thuyền nào, điều đầu tiên tôi làm là tìm xem phao hoặc áo phao để đâu, đi lối nào đến đó gần nhất, tiện nhất. Nếu đó không phải là một chiếc thuyền lớn mà đơn giản chỉ là xuồng ba lá, một chiếc ca nô nhỏ thì tôi… mặc luôn áo phao vào.
Ám ảnh bởi làn nước nên ngày 19-5-2011, tức một ngày trước tai nạn thảm khốc ở khu du lịch Dìn Ký Xanh xảy ra, tôi đã thực sự bức xúc trước thông tin mà báo Thanh Niên đăng: “trong khoảng 7.000 - 7.200 trẻ em Việt Nam chết do tai nạn/năm thì có khoảng 50% là chết đuối”. Cái chết nào cũng thương tâm nhưng những cái chết của trẻ em thì quá đau lòng. Trong số 16 nạn nhân đã được tìm thấy ở sông Sài Gòn, trẻ em chiếm đến 1/3… Chính vì vậy tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của báo Thanh Niên “với đường bờ biển dài hơn 3.200km và một hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, người Việt Nam phải biết bơi”.
Môn bơi lội phải được đưa vào trường học như là một trong những môn học kỹ năng sống chính của học sinh. Tất nhiên, cùng theo đó là một số kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp khác như cách phá cửa để thoát ra ngoài khi tàu bị chìm, việc hỗ trợ và cứu giúp người khác cùng bị nạn…
Trong tai nạn ở khu du lịch Dìn Ký Xanh, theo những người còn sống kể lại, thời tiết lúc ấy cũng khá tốt, gió lặng và trời chỉ hơi oi nồng… Ấy thế mà chẳng bao lâu sau trời đã đổ mưa và gió thổi rất mạnh. Thời tiết thật khó lường là vậy. Tất nhiên còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tai nạn thảm khốc ấy song rõ ràng thời tiết xấu đã làm cho các mối nguy về tàu không đăng kiểm, tài công không đủ điều kiện lái tàu… trở thành thảm họa thật sự. Đã vậy, các tiếp viên, nhân viên phục vụ trên tàu - những người am hiểu mọi ngõ ngách của con tàu nhất lại hầu như không quan tâm giúp đỡ đúng mức đối với khách hàng của mình. Đa phần họ đã chạy tháo thân trước... Mọi việc còn đang đợi ngành chức năng làm rõ và những ai phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn thương tâm này sẽ phải trả lời trước pháp luật và trước lương tâm của mình. Còn tôi, với kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng: hãy tự trang bị những kỹ năng sống cần thiết trước khi quá muộn. Và đối với trẻ em, các bậc cha mẹ hãy giúp chúng.
2. Hãy chấp hành Luật giao thông
Tết Nguyên đán 2010 gia đình tôi quyết định đón giao thừa trên sông Hậu. Chúng tôi đã lên một chiếc tàu du lịch cao 2 tầng tương tự tàu du lịch của khu du lịch Dìn Ký Xanh, ở bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đúng 21 giờ 30 tàu xuất bến mang theo hàng trăm người đang liên hoan, náo nức chờ đón khoảnh khắc tiễn biệt năm cũ, chờ đón năm mới thiêng liêng. Trong suốt những thời khắc đầu của chuyến hành trình trên sông, mọi thực khách tỏ ra rất dễ thương, tuân theo đầy đủ chỉ dẫn của tiếp viên.
Theo Ban An toàn Giao thông TPHCM, trong 4 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn thành phố xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông làm chết 58 người và bị thương 27 người. Trong đó, tai nạn đường bộ chiếm cao nhất: xảy ra 68 vụ, làm chết 56 người và bị thương 27 người. Tai nạn đường sắt xảy ra 1 vụ làm chết 1 người. Tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 2 vụ làm chết 1 người. |
Thế nhưng, khi đồng hồ báo chỉ còn vài phút nữa là đến giao thừa, thực khách ở các tầng dưới bắt đầu ùn ùn kéo lên… tầng trên cùng, chờ ngắm pháo hoa sẽ được bắn từ bờ sông Hậu ra giữa sông. Chiếc tàu lập tức tròng trành… Đã vậy, khi pháo hoa phụt sáng, xác định được hướng nhìn đẹp nhất, mọi người xô nhau tới góc đó. Tàu tròng trành mạnh hơn và dường như nghiêng hẳn về bên ấy.
Thế nhưng, gần như chẳng ai quan tâm, thậm chí có người còn leo lên cả bàn ăn để nhìn pháo hoa cho… rõ hơn. Tôi và một số ít người khác… kêu trời. Nhìn bốn bề sông nước mênh mông và đen như mực, chúng tôi chỉ biết… cầu nguyện. Các tiếp viên ra sức kêu thực khách trở về chỗ ngồi nhưng vô hiệu. Tới giờ ngồi nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao mình và gia đình cùng tất cả thực khách trên con tàu du lịch ấy lại có thể bình yên trở về nhà sau đêm giao thừa đáng nhớ.
Sau này trao đổi với một số cán bộ trong ngành đăng kiểm, họ chỉ có thể nói với tôi rằng “mọi người đã rất may mắn”. Vâng tôi biết là thế, nhưng liệu có nên phó thác hoàn toàn sinh mạng của mình và của những người thân của mình vào sự may rủi mỏng manh đó? Một cán bộ của Ban An toàn Giao thông TPHCM cho tôi biết, nhiều người dân đã thiệt mạng oan uổng khi cho rằng “vận may sẽ luôn mỉm cười với mình”.
Nhiều vụ tai nạn đường sắt thảm khốc đã xảy ra khi người lưu thông không chấp hành tín hiệu báo tàu đang tới vì họ cho rằng mình sẽ băng qua đường sắt trước khi tàu kịp xuất hiện. Những cái chết thương tâm của một gia đình đi ăn đám cưới về trên cùng một chiếc xe ô tô, bị xe lửa đâm bẹp dúm là một minh chứng. Tài xế lái ô tô đã chủ quan khi nghĩ rằng mình sẽ vượt qua đường sắt trước đoàn tàu. Không ít vụ tai nạn giao thông đường bộ cũng đã xảy ra khi người điều khiển phương tiện chủ quan với tình hình. Tại TPHCM, hơn 70% số vụ tai nạn giao thông ở xảy ra là do người điểu khiển phương tiện đi không đúng làn đường quy định, chạy quá tốc độ… là một dẫn chứng tiêu biểu.
Chỉ có một bài học trong trường hợp này đó là không được chủ quan. Hãy chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông bởi đây là kỹ năng sống tốt nhất để bảo vệ mình và mọi người khi tham gia giao thông.
NGUYỄN KHOA