Hành động nhỏ, hiệu quả lớn

Với khoảng 2 triệu hộ gia đình, trên 12.000 cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu chế xuất, công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thương tiểu công nghiệp và đan xen cả trong các khu dân cư ven đô thị, mỗi ngày TPHCM phát thải ra hàng triệu mét khối khí thải từ sản xuất, giao thông vận tải, hơn 2,2 triệu m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp, từ 6.500 - 7.000 tấn chất thải sinh hoạt đô thị mỗi ngày (cao điểm trong những ngày tết có thể lên đến 8.500 - 9.000 tấn/ngày), gần 100 tấn chất thải công nghiệp không nguy hại và 300 - 400 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, khoảng 15 -16 tấn chất thải y tế nguy hại.

* Để chủ động trong quá trình phân loại và xử lý, việc xác định các loại chất thải là điều quan trọng:

1. Chất thải rắn sinh hoạt: Là chất thải phát sinh từ sinh hoạt của mỗi gia đình, khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại, văn phòng công sở, khu vui chơi giải trí,… hiện đang được thu gom từ 6.500 - 7.000 tấn/ngày để xử lý và chủ yếu phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng chất thải còn lại được thu gom và phân loại mua bán như: carton, giấy, bao bì, nhựa, vỏ chai thủy tinh, mảnh kim loại màu để tái chế, tái sử dụng. Thành phần chất thải sinh hoạt thường có tỷ lệ chất thải hữu cơ, thực phẩm dư thừa rất cao từ 65% - 90%.

2. Chất thải rắn công nghiệp: Là chất thải sinh ra từ quá trình sản xuất. Chất thải công nghiệp được chia thành 2 loại: chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại. Khối lượng chất thải không nguy hại ước tính 1.000 tấn/ngày và hầu hết đều là các loại phế liệu có giá trị trên thị trường tái chế. Khối lượng chất thải không nguy hại ước tính trên 100 tấn/ngày. Nhiều loại trong số đó có giá trị tái chế cao.

3. Chất thải rắn y tế: Là chất thải rắn sinh ra trong quá trình khám chữa bệnh từ các cơ sở y tế và cũng được chia thành 2 loại: Chất thải nguy hại và chất thải không nguy hại. Hiện nay, vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức, ước tính vài chục tấn/ngày và hầu hết chất thải y tế không nguy hại có giá trị cao trên thị trường tái chế, tái sử dụng. Khối lượng chất thải y tế nguy hại ước tính khoảng 15 tấn/ngày.

4. Chất thải rắn xây dựng: Là chất thải rắn sinh ra từ quá trình xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa. Loại chất thải này không có số liệu chính thức, ước tính khoảng 1.200 - 1.500 tấn/ngày. Thành phần chủ yếu là gạch vỡ, bê tông vỡ,... có giá trị trong sản xuất gạch không nung, san lấp mặt bằng.

Các loại chất thải rắn đô thị, sinh hoạt, xây dựng, công nghiệp, y tế… trên địa bàn thành phố đang phát sinh với khối lượng ngày càng tăng (tỷ lệ tăng dao động từ 5% - 10%/năm), tỷ lệ chất thải có thể tái chế, tái sử dụng. Mặt khác, khu vực chôn lấp hợp vệ sinh tại Phước Hiệp và Đa Phước cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn vì ô nhiễm môi trường từ mùi và nước rỉ chất thải.

* Mục tiêu của chương trình phân loại chất thải tại nguồn được xác định:

1. Hướng dẫn và tạo dựng hành vi cho chủ nguồn thải và mọi người dân bỏ chất thải và phân loại chất thải đúng nơi thành 2 loại: chất thải rắn hữu cơ (chủ yếu có nguồn gốc thực phẩm, rau củ quả thải loại) và chất thải rắn còn lại (chai lọ, giấy, túi ni lông,…)

2. Từ lượng chất thải hữu cơ thu gom được 55% - 65% trọng lượng ước tại các nguồn thải, dễ phân hủy sinh học với quy trình và thiết bị công nghệ xử lý phù hợp có thể sản xuất phân compost và thu khí phát điện. Nguồn năng lượng tái tạo từ công nghệ này được sản xuất ổn định trên cơ sở nguồn nguyên liệu chính là nguồn chất thải hữu cơ thu được hàng ngày trên địa bàn thành phố.

3. Lượng chất thải rắn đô thị đem đi chôn lấp sẽ không còn là áp lực với thành phố về kinh phí từ ngân sách cũng như nhu cầu dành đất cho hoạt động xử lý chôn lấp. Nguy cơ gây ô nhiễm và sự cố môi trường được giảm thiểu.

Như vậy, việc phân loại chất thải tại nguồn tại TPHCM có khả năng tái sử dụng, tái chế tới 90% - 95% khối lượng chất thải rắn của thành phố. Trong đó khoảng 50% - 60% để tái sinh năng lượng phát điện và sản xuất phân compost, chế biến phân hữu cơ, phân vi sinh và sẽ giảm đáng kể ô nhiễm do mùi và nước rỉ chất thải từ các bãi chôn lấp.

NGUYỄN VĂN CHIẾN
Văn phòng Thích ứng với BĐKH

Tin cùng chuyên mục