Nếu là con chim chiếc lá
Con chim phải hót chiếc lá
phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho đâu chỉ nhận
riêng mình…
Một đoạn thơ tôi tình cờ nghe được trên sóng radio, chép lại, thuộc… và trở thành lý tưởng sống.
Năm lớp một, lần đầu tiên tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi mình cho đi thứ gì đó. Tôi đã cho bạn mới quen của mình một mẩu viết chì mà tôi nhặt được trên đường đi học. Cô bé đã khóc rất nhiều vì bỏ quên viết chì ở nhà, cũng chẳng còn tiền để mua. Với chúng tôi thời ấy, giá trị một cây viết chì thật lớn biết bao. Cô bé đã cười rất nhiều. Nụ cười nhòe trong nước mắt ấy, tôi không thể nào quên. Lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc vì được cho…
Thời học cấp ba, tôi có những chuyến đi cùng thầy cô, các anh chị lên vùng cao, vùng sâu để giúp đỡ người dân nghèo, cắt tóc cho các em nhỏ, vận động các em đi học… Chúng tôi cùng Hội Chữ thập đỏ đi thăm người già neo đơn, đi phát thuốc, đi tuyên truyền hiến máu nhân đạo; cùng Đoàn phường đi trực tại những chốt giao thông… Những chuyến đi như thế dần hình thành trong tôi ý thức về hai chữ “tình nguyện”. Thời cấp ba của tôi, ngoài màu áo trắng tinh khôi còn có màu áo xanh tình nguyện.
Rồi một ngày đầu mùa gió, tôi mang ba lô lên thành phố trọ học. Vai mẹ thêm nặng, mắt ba đăm chiêu hơn. Mẹ phải dậy sớm, phải bán nhiều bánh hơn; ba phải bỏ nghề biển, đi làm xa quê vì việc học của tôi. Tôi nợ mẹ tôi, gót chân chai sần, nứt nẻ, mỗi khi mùa lạnh đến lại rướm máu. Tôi nợ ba tôi, mái đầu bạc trắng, trán đầy nếp nhăn ghi dấu bao vất vả. Mười tám tuổi, tôi hiểu mình nợ cuộc đời.
Tôi chỉ là một cô sinh viên tỉnh lẻ bé nhỏ trong thành phố hàng triệu dân này. Tôi choáng ngợp với tiếng xe không ngớt ngày đêm, với những tòa nhà đồ sộ, cao ngất (vốn chỉ được nhìn thấy trên ti vi), với những ánh mắt lạnh lùng, khuôn mặt xa lạ. Tôi cô đơn trong những đêm mưa nhớ quê, nhớ ba mẹ, nhớ mấy đứa em da diết.
Thế rồi tôi cũng dần bắt nhịp với trường mới, bạn bè mới. Tôi kể với họ về quê tôi, về những chuyến đi tình nguyện của tôi mà quên rằng ở thành phố này tôi có thể làm được như thế và hơn thế. Điểm đến đầu tiên của tôi là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Thị Nghè. Sáng chủ nhật hôm ấy, lòng tôi rộn rã niềm vui, cùng với các món quà bánh, những con hạc giấy đầy yêu thương mà chúng tôi đã gấp, đã ủng hộ và vận động quyên góp. Lần đầu tiên tôi cho mà không cảm thấy hạnh phúc vì khóe mắt cứ chực trào những giọt nước mắt nóng hổi, lòng ngổn ngang. Hình ảnh những ánh mắt đờ đẫn, những bàn tay, đôi chân dị tật… lởn vởn trong đầu tôi suốt quãng đường về. Tôi chợt nhận ra rằng cuộc sống này có quá nhiều mảnh đời bất hạnh.
Tôi tiếp tục hòa mình vào các chiến dịch tình nguyện. Tiếp sức mùa thi, chúng tôi cùng nhau phơi mình dưới cái nắng hè đổ lửa, cùng nhau dầm những cơn mưa tầm tã để “đón bắt” thí sinh. Mùa hè xanh đã cho tôi khoảng trời long lanh trong mắt các em học trò nhỏ, những vòng tay ấm áp lúc chia tay.
Tôi đi và biết mẹ tự hào trong từng câu chuyện tôi kể. Nếu ngày xưa tôi háo hức được nghe mẹ kể chuyện cổ tích, giờ đây mẹ lại lắng nghe tôi kể những chuyện đời thường. Tình thương của ba mẹ là động lực thúc đẩy tôi trên con đường đời. Nếu không có những ước mơ, những niềm hạnh phúc nhỏ bé khi tôi được sẻ chia, có lẽ tôi đã gục ngã. Tôi không lẻ loi, đến đâu tôi cũng gặp những người bạn sẵn sàng cùng tôi sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, cùng góp sức dựng xây đất nước.
Phượng bắt đầu nở rộ, một mùa hè tình nguyện nữa đang đợi tôi. Có rất nhiều quan niệm về hạnh phúc, “Hạnh phúc là bình an trong tâm hồn”; “Hạnh phúc có một người để yêu, một công việc để làm và một điều để hy vọng” ... Với tôi hạnh phúc là cho đi…
Ngọc Giàu