Hạnh phúc vì còn có mẹ

Hạnh phúc vì còn có mẹ

Mỗi ngày, tầm 5 giờ sáng, bà con ấp Mỹ Khánh B, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi TPHCM lại thấy một cô bé, trên đầu đội một thúng xôi, rảo bước nhanh theo mẹ đi bán ở cổng trường. Gần mười năm sau, người ta lại thấy, cũng trên con đường này, vào tờ mờ sáng, hình ảnh cô sinh viên tất bật bắt chuyến xe buýt đầu tiên trong ngày đến giảng đường đại học. Để rồi vào mỗi chiều tàn, trên chuyến xe cuối cùng, cô lại vượt đoạn đường hơn 60km về nhà để lo cho mẹ, cho em, cho ngoại…

Trần Thị Hồng Linh (trái) và em gái tại lễ tuyên dương “Người con hiếu thảo”.

Trần Thị Hồng Linh (trái) và em gái tại lễ tuyên dương “Người con hiếu thảo”.

Thật khó mà hình dung những vất vả mà cô gái 20 tuổi này đang gánh trên vai. 6 tuổi, Trần Thị Hồng Linh mồ côi cha. 7 tuổi, bắt đầu đi học cũng là lúc em tập tành theo mẹ bán xôi để kiếm tiền nuôi ngoại, nuôi em. 12 năm đi học là ngần ấy năm, Linh tất bật với rất nhiều công việc: vớt bèo, hái rau, xắt chuối, trộn cám cho heo, gà…

Họa vô đơn chí, năm Linh học lớp 11, mẹ em phát bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối. Để duy trì sự sống, một tuần, bà phải đến bệnh viện chạy thận 3 lần. Sau khi trừ hết các chi phí do bảo hiểm y tế hỗ trợ, mỗi tuần mẹ Linh cũng phải đóng cho bệnh viện hơn 200.000 đồng. Mẹ gục ngã vì bệnh, Linh trở thành trụ cột của cả gia đình. Một mình em xoay vần đủ thứ nghề: nuôi heo nái, nhận làm hoa giả đi bỏ mối tại các chợ, nhận dạy kèm Anh văn.

Linh kể: “Nguồn sống của cả nhà trông cả vào bầy heo. Thấy nuôi heo thịt không lời, 2 chị em đánh liều nuôi heo nái. Để đỡ tốn tiền mời bác sĩ thú y, em làm luôn nhiệm vụ “đỡ đẻ” cho heo”. Không có vốn, Linh xin người ta bán thiếu cám, tấm cho mình, đến kỳ bán heo mới đem tiền đến trả. “Vậy mà vừa rồi, bị trận dịch heo tai xanh, giá heo rớt thê thảm. Bán cả bầy mà chỉ đủ trả tiền thức ăn mua chịu”, Loan - em gái Linh buồn bã nói.

* Ngày 19-10, tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM, Hội Liên hiệp Thanh niên TP phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ TP tổ chức liên hoan tuyên dương “Người con hiếu thảo lần VII năm 2010”. Có 341 gương hiếu thảo đến từ 24 quận huyện được tuyên dương, khen thưởng. Phát biểu tại buổi lễ, Phó ban Dân vận Thành ủy TPHCM Châu Thị Kim Bích Ngọc chia sẻ: “Mỗi tấm gương là một câu chuyện cảm động đầy hiếu nghĩa về tình yêu thương, thái độ sống đúng mực, trách nhiệm, tỏa sáng đạo làm con đối với ông bà, cha mẹ. Đây thật sự là những bông hoa đẹp được nảy mầm từ cội rễ đạo lý của con người Việt Nam, đồng thời là sự khẳng định những giá trị đạo đức bền vững trong nền tảng gia đình dân tộc ta”.

Hết mẹ bệnh rồi tới bà. Bà ngoại Linh năm nay đã 85 tuổi, thường xuyên đau bệnh. Mới cách đây ít ngày, bà mệt, phải nhập viện tại Bệnh viện Củ Chi. Cảnh nhà đơn chiếc, quãng đường từ xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi đến Làng Đại học Quốc gia TPHCM dài hơn 60km mà hàng ngày Linh vẫn phải bắt tổng cộng 8 chuyến xe buýt để đi đi, về về thuốc thang, chăm sóc mẹ và bà. 

Ít ai biết, hiện giờ, Linh cũng đang mang trong mình căn bệnh tiểu đường do di truyền từ cha. Thế nhưng, trên gương mặt cô sinh viên năm 3 chuyên ngành Ngữ văn Anh, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM, nụ cười vẫn hồn nhiên.

“Nhiều người nói em bất hạnh, kém may mắn. Nhưng em vẫn nghĩ mình là đứa con hạnh phúc nhất trên đời vì em còn có mẹ. Những lúc mẹ mệt, mẹ rên khóc, em buồn lắm, chỉ muốn làm bất cứ điều gì để mẹ vơi đi cơn đau. Nếu có một điều ước, em ước cho mẹ em hết bệnh hoặc ước gì em có thể chịu thay cơn đau của mẹ, để mẹ sống hoài với hai chị em” - Linh tâm sự.

“Đời tui khổ nhiều nhưng may là tui còn có mẹ” - đó cũng là lời bộc bạch chân tình của chị Phùng Thị Ngọc, nhân viên điều dưỡng Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM. Chồng bỏ đi biền biệt, hơn 10 năm nay, chị Ngọc là trụ cột, là chỗ dựa, niềm hy vọng cho 4 người bệnh trong gia đình: mẹ chồng bị liệt, chị chồng bị thiểu năng trí tuệ, mẹ ruột già yếu và con ruột mắc bệnh tự kỷ. “Nhiều lúc giận chồng, tôi tự hỏi: Sao mẹ của anh mà anh không thương, trong khi mình chỉ là dâu con trong nhà? Thế nhưng, thương mẹ chồng bệnh tật nằm liệt một chỗ mà không ai lo, tôi lại không nỡ lòng buông xuôi”. Vậy là từ đó, mọi chuyện chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh cá nhân của mẹ chồng, chị chồng, mẹ ruột và con ruột đều do một tay chị đảm nhận.

Những ngày phải trực trắng đêm ở bệnh viện, trở về nhà, chị Ngọc cũng không được phút nghỉ ngơi mà quay cuồng với trăm ngàn việc không tên. Lý do khiến người phụ nữ chịu thương, chịu khó này vượt qua khổ nhọc rất đơn giản: “Hồi nhỏ, lúc mình đau bệnh, mẹ đã cõng mình trên lưng, hớt hải chạy tới bệnh viện mà không nghĩ gì tới bản thân. Lúc mình sinh nở, chồng không ở bên cạnh, mẹ chồng đã lo từng miếng cơm, giặt từng cái áo cho mình. Bây giờ, mình lo lắng cho mẹ cũng là chuyện bình thường, hợp với đạo nghĩa ở đời”.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục