Hành trình... ăn rong

Con gà cục tác lá chanh
Hành trình... ăn rong

Mới đây, chúng tôi làm cuộc du ngoạn từ TPHCM đến Quảng Trị bằng xe ô tô 4 chỗ. Quá ngán ở những quán cơm tù hay nhà hàng, tiệm ăn bán cho khách lữ hành nên chúng tôi quyết định sẽ “ăn rong”, tức ăn ở nhà người dân và nếu có vào quán thì chọn những quán bán cho người địa phương. “Ăn rong” đã cho chúng tôi những khám phá đầy thú vị.

Con gà cục tác lá chanh

Từ TPHCM đến Phan Thiết, chúng tôi không ăn trưa tại Phan Thiết, ra đến gần núi Tà Dôn (cách Phan Thiết 17km) xe tấp vào một nhà có quán tạp hóa lụp xụp nằm dưới bóng cây bàng mát rượi trước sân. Dưới gốc cây bàng là góc bếp lộ thiên, thấy chị chủ nhà đang rửa mớ cá nục chuẩn bị kho để chuẩn bị cho bữa cơm gia đình, một thành viên trong đoàn đề nghị “bán” lại mớ cá này.

Lúc đầu, chủ nhà hơi ngại vì thấy dân đi xe hơi mà đòi ăn “cá nhà nghèo”, nhưng khi thấy khách “năn nỉ” nên nói tặng chứ không bán. Anh chồng, tên thường gọi là Mười Tâm, nói: “Mớ cá này tôi mới đem từ ghe biển về nên còn tươi rói. Cá nục phải hấp cuốn với bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt mới ngon”.

Thưởng thức cá nục hấp.

Thưởng thức cá nục hấp.

Trong lúc hấp cá, chị Mười Tâm ra sau vườn hái đủ loại rau thơm, nào diếp cá, nào quế, húng, xà lách đem rửa sạch. Chị Mười nói với khách: “Rau này sạch 100%, vì trồng để nhà ăn nên không có một giọt thuốc trừ sâu hay hột phân hóa học nào. Có điều rau không được “đẹp” lắm, mấy chú thông cảm”. Rồi chị Mười Tâm làm một tô nước mắm ớt chua ngọt, đặc biệt nước mắm cũng do nhà chị tự làm.

Mọi thứ đã dọn sẵn, cá nục hấp thịt trắng, mùi thơm bốc lên khiến cho bốn kẻ lữ thứ được bữa cơm trưa ngon chưa từng thấy. Bạn hãy tưởng tượng, gắp một miếng cá nục hấp còn nóng hổi bỏ lên miếng bánh tráng nhúng nước, kèm với rau thơm, chấm với nước mắm chua ngọt thì quả là tuyệt vời. Anh Mười Tâm còn đem rượu thuốc ngâm ra mời khách “đưa cay”. Một buổi ăn trưa đầy chất đạm ngon miệng mà tiền thì chỉ trả tượng trưng, vì chủ nhà không chịu nhận.

Về tới Cam Ranh đã xế chiều, thấy một nhà bên đường có sân đất rộng, vườn cây um tùm, tài xế bỗng dưng đánh xe vào tận sân. Một bà cụ từ trong nhà chạy ra mừng rỡ, vì tưởng là người thân, nhưng khi thấy toàn người lạ hoắc thì thoáng ngập ngừng, bà hỏi: “Ủa, mấy chú tìm nhà ai?”. Anh tài xế nhanh miệng nói: “Thưa bác, tụi cháu đi công tác từ Sài Gòn ra, chạy qua đây thấy nhà bác có nuôi nhiều gà vườn nên thèm, vì tụi cháu ở thành phố ăn gà công nghiệp hoài nên ngán. Bác có thể bắt mần thịt nấu nồi cháo, thịt xé phay bán cho tụi cháu ăn tối được không?”. Bà cụ cười vui và đồng ý. Bà kêu người con dâu đang ở nhà bên cạnh về cùng bà bắt gà nấu cháo “bán” cho khách.

Chừng một tiếng đồng hồ, nồi cháo gà nóng hổi, gà được chặt miếng chấm với muối tiêu chanh. Thịt gà săn, vừa thơm vừa ngọt và có độ dai đặc trưng của gà “chạy bộ” (gà thả vườn). Đặc biệt, bà cụ ra sau vườn hái những lá chanh non rồi thái sợi cho khách dùng kèm với thịt gà. Lúc này, câu nói dân gian “Con gà cục tác lá chanh” mới đầy ý nghĩa!

Cháo nhưng không phải... cháo!

Về Đại Lãnh nghỉ đêm, sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm chinh phục đèo Cả để qua Phú Yên ăn sáng. Chúng tôi không ghé thành phố Tuy Hòa, chạy thẳng về phía Bắc, thấy bên trái có một quán ăn có xe gắn máy dựng khá đông, toàn biển số 78 (biển số tỉnh Phú Yên) nên đoan chắc quán bán cho dân địa phương. Điều thú vị là quán bán món đặc sản nổi tiếng của Phú Yên: bánh hỏi lòng lợn. Bánh hỏi ở đây sợi nhỏ, dai, đĩa lòng lợn hơi bị nhiều nhưng toàn thứ ngon như tim, cật, lá mía, ít gan và phèo nóng hổi. Bánh hỏi ăn kèm với lòng lợn luộc chấm nước mắm nguyên chất, với ớt tươi nhưng rất ngon.

Nghe nước mắm hiệu “Ông già”, tôi giật mình nhớ lại câu chuyện kể trước đây: Một đại gia ở Sài Gòn “kết” nước mắm “Ông già” đến độ thỉnh thoảng cuối tuần ông phải bay (tuyến bay TPHCM – Tuy Hòa) ra Phú Yên du lịch, nghỉ ngơi và mục đích chỉ để ăn được miếng cá thu vùng biển Phú Yên chấm với nước mắm “Ông già” cho thỏa ghiền!

Ra tới Quy Nhơn cũng đã trưa, anh bạn “chiến hữu” ra đón, dẫn đi ăn món cá cơm sống gần đầm Thị Nại. Nghe anh bạn nói quán này bán đã hơn 40 năm. Cá cơm sống tươi roi rói cắt bỏ đầu, cắt vảy đuôi, sau đó đem ướp tẩm. Gia vị tẩm cá gồm có riềng, ớt bột, đường, ít muối trộn đều. Trước khi ăn rắc đậu phộng giã nhỏ lên và vắt thêm chanh cho tái cá. Rau ăn theo gồm húng, quế, đọt cốc, đinh lăng, trâm non, chuối hột, khế chua, sả cây, ớt hiểm. Nước chấm được pha chế sền sệt giống như tương Bắc gồm mắm, đường, ớt, đậu phộng hay mè rang xay nhuyễn trộn với nhau, sau đó khử dầu bỏ vào nấu chín, rồi cuốn bánh tráng ăn với các loại rau. Ăn vào vị ngọt của cá quyện với hương của rau, cái cay của sả, ớt, thêm chút nồng của rượu Bàu Đá tạo thành một vị ngon lạ lùng.

Cháo bột Hải Lăng.

Cháo bột Hải Lăng.

Ra đến Quảng Trị, ở nhà ngươi quen (cách thị trấn Hải Lăng 4km về phía Nam), buổi sáng chủ nhà mời đi ăn món đặc sản nổi tiếng ở vùng Hải Lăng: cháo bột. Ai chưa ăn cháo bột bao giờ thì khi ăn chắc chắn sẽ ngạc nhiên, vì gọi là “cháo” nhưng không phải là cháo!

Thật ra, “cháo” ở đây được làm bằng bột gạo, có pha ít bột năng, làm ra cọng dài. Món cháo bột gần giống như món bánh canh ở miền Nam chứ không phải như cháo và được nấu với cá “tràu” (cá lóc) sông. Tô cháo bột nóng hổi, nước lèo trong, vị ngọt thanh, “bánh cháo” dai, thịt cá lóc trắng, thơm và ngọt lịm chấm với nước mắm gừng hoặc nước mắm nguyên chất giằm ớt. Đặc biệt, ở đây quán còn bán ruột cá lóc chấm với nước mắm ớt thật cay.

Đúng là “ăn rong” thật ngon và cho nhiều kỷ niệm khó quên.


ANH KIỆT

Tin cùng chuyên mục