Trong lời giới thiệu cuốn sách Vấn đề vận dụng học thuyết Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa tư bản Nhà nước trong phát triển kinh tế và xã hội ở TPHCM hiện nay” của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Chơn Trung (bí danh Sáu Quang), Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu viết: “Tác giả của cuốn sách này, vốn là người đã tham gia phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định. Từ sau giải phóng, anh tham gia trên nhiều lĩnh vực hoạt động nên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, anh rất dũng cảm và kiên trì với học thuyết của Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa tư bản Nhà nước ngay cả trong thời kỳ còn cơ chế hành chính bao cấp”.
Gần đây có nhiều người bạn tò mò muốn hiểu sâu biết rõ ý chí nào khiến anh vững tin, táo bạo “xé rào” dám đưa ra một công trình khoa học độc đáo, đi ngược lại chủ trương cải tạo của Đảng ta lúc bấy giờ? Với bản tính trầm tĩnh, anh chậm rãi thổ lộ:
Ông Nguyễn Chơn Trung (thứ sáu từ trái qua) cùng với Hội đồng chấm luận án tại Viện Hàn lâm LB Nga, tại Mátxcơva, 7-10-2003.
1. Gia đình tôi có truyền thống cách mạng. Ba và anh tôi đi kháng chiến. Mới 5, 6 tuổi, tôi được ba tôi đưa đi chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười, thấy cảnh gian khổ của những người kháng chiến. Ở nhà, chú tôi hay mua báo xem hàng ngày, chú xem xong, tôi mượn đọc. Ấn tượng đầu tiên là đám tang trò Ơn. Tôi rất khâm phục tấm gương hy sinh của anh trước họng súng quân thù. Tôi cố gắng học giỏi và đã được vào học Trường Pétrus Ký như anh Trần Văn Ơn.
Năm 1963, tôi học lớp đệ nhất. Lớp tôi được học về các nền kinh tế của các nước: Anh, Pháp, Mỹ, Liên bang Xô Viết, do GS Lê Trọng Phỏng dạy. Giáo sư giảng sâu về kinh tế Liên bang Xô Viết, Thầy giảng say sưa, học trò nghe cũng say sưa. Thầy còn đánh giá: Đây là cường quốc kinh tế - quốc phòng. Tôi thích nhất là chính sách kinh tế mới Lênin (còn gọi là chủ nghĩa tư bản Nhà nước). GS phân tích rõ đặc điểm tình hình thế giới lúc đó: Vận mệnh nước Nga như ngàn cân treo sợi tóc. Sau thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười, 14 nước kéo đến xâu xé định lật đổ chính quyền Xô Viết. Lãnh tụ Lênin đề ra quyết sách 2 giai đoạn: giai đoạn 1 - thực hiện chính sách cộng sản thời chiến: trưng thu, trưng mua, trưng dụng toàn bộ nhân tài vật lực kịp thời phục vụ cho chiến tranh; giai đoạn 2 - sáng kiến NEP (chính sách kinh tế mới) cho các thành phần kinh tế hoạt động, sử dụng nhân tài vật lực của chế độ cũ; mời gọi các nước phương Tây vào đầu tư. Ba năm sau, kinh tế nước Nga bước đầu được hồi phục. Trong lòng tôi vẫn luôn háo hức muốn tiếp cận đầy đủ trọn vẹn chủ nghĩa Mác - Lênin.
Sau giải phóng, tôi được phân công làm Bí thư Thành đoàn TPHCM, có tham gia cải tạo công thương nghiệp X1, X2.
2. Năm 1980, cùng với lớp cán bộ chủ chốt của miền Nam được Đảng cử đi đào tạo lý luận cao cấp tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Hà Nội. Tôi suy nghĩ: Vừa qua, cuộc cải tạo công thương nghiệp của ta tại TPHCM có vấn đề. Tôi cũng nhớ lại bài giảng của thầy Lê Trọng Phỏng ở Trường Pétrus Ký năm nào. Và qua thực tiễn đã thu lượm được, tôi quyết định đăng ký đề tài “Vài suy nghĩ bước đầu với việc vận dụng hình thức chủ nghĩa tư bản Nhà nước tại TPHCM”. Mấy bữa sau, GS Vũ Hữu Ngoạn, Phó khoa Kinh tế - Chính trị cẩn thận hỏi riêng tôi:
- Cậu định chọn đề tài đó phải không?
- Vâng, tôi chọn đề tài đó. Thầy thấy tôi chọn đề tài đó có đúng không?
- Đúng, nhưng sợ cậu ngóc đầu không lên, vì nó đi ngược lại chủ trương cải tạo bây giờ.
GS-TS Nguyễn Văn Sơn, trưởng khoa đề nghị tôi suy nghĩ ba ngày ba đêm rồi quyết định. Tôi lại nhớ lúc ở tù Côn Đảo, trước các thủ đoạn đe dọa của địch ép phải đứng trước lá cờ ba que, chỉ cái lắc đầu là bị tống giam vào chuồng cọp với bao cực hình dã man mà chúng tôi còn dám làm vì bảo vệ chủ nghĩa cộng sản cao cả. Còn bây giờ đứng trước vấn đề bảo vệ chân lý, tại sao ta lại lùi bước?
Đúng hẹn, hai thầy đến hỏi lại tôi:
- Cậu đã suy nghĩ kỹ chưa?
Tôi nghiêm túc và dứt khoát trả lời:
- Thưa hai thầy, tôi vẫn giữ đề tài đã chọn.
Tôi vừa mừng vừa lo và xác định tinh thần chuẩn bị vào cuộc chiến đấu mới. Cụ thể là tôi vạch ra cơ chế học tập kiểu mới: Ngày lên lớp, tối vô thư viện. Tôi đọc kỹ bộ sách Lênin về thời kỳ quá độ, đọc cả sách tham khảo Chính sách kinh tế hậu chiến (chế độ Việt Nam Cộng hòa) của GS Vũ Quốc Thúc, cộng với kinh nghiệm thực tiễn cải tạo công thương nghiệp của ta vừa qua để bổ sung kiến thức.
Năm 1982, riêng bài luận văn của tôi phải đưa ra Hội đồng khoa học nhà trường xét duyệt. Trước khi ra bảo vệ, tôi được biết, hội đồng hình thành 3 lực lượng: 1/2 ủng hộ, còn lại là trung lập và có số phản đối. Chủ tịch hội đồng là thầy Nguyễn Đức Bình, hiệu trưởng.
Lễ bảo vệ bắt đầu. Tôi trình bày tóm tắt luận văn trong vòng 20 phút. Hội đồng nêu 15 câu hỏi. Học viên được phép suy nghĩ trong 15 phút rồi trả lời. 14 câu hỏi tôi trả lời suôn sẻ. Có 1 câu khá hóc búa: “Dựa lý luận thực tiễn thế nào mà đồng chí cho rằng chủ nghĩa tư bản Nhà nước trong ngân hàng - bởi vì Ngân hàng là của Nhà nước, chứ không phải thuộc thành phần kinh tế nào khác?”.
Tôi trả lời:
- Việc vận dụng chủ nghĩa tư bản Nhà nước thể hiện trong 4 vấn đề: trong sản xuất, thương nghiệp, xuất nhập khẩu và ngân hàng. Lênin nói: “Trong thời kỳ quá độ còn tồn tại chủ nghĩa tư bản với hình thức này, hình thức khác thì phải có chủ nghĩa tư bản Nhà nước cũng với hình thức này, hình thức khác để thay thế”.
Hội đồng không có ý kiến gì thêm. Ban giám hiệu nhà trường hội ý. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đức Bình phát biểu: “Trường ta chủ yếu chấm về phương pháp luận. Đồng chí Nguyễn Chơn Trung đã trả lời đầy đủ 15 câu hỏi chặt chẽ về lý luận và thực tiễn. Tôi quyết định đồng chí đã tốt nghiệp”.
Khi trở về TPHCM, tôi photocopy bản luận văn tốt nghiệp gửi một số vị lãnh đạo lúc bấy giờ. Mười ngày sau, đồng chí Nguyễn Văn Linh cho mời tôi đến và thân mật nói: “Chú đã đọc hai lần luận văn tốt nghiệp của Sáu Quang. Chú thấy Sáu Quang nói căn bản là đúng. Đó là những điều chú đã trăn trở từ lâu. Và chú thấy rằng không có con đường nào khác là phải trở lại chính sách kinh tế mới Lênin về chủ nghĩa tư bản Nhà nước”.
Năm 1984, chuẩn bị nội dung cho Đại hội VI của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh giao cho đồng chí Nguyễn Đức Bình và căn dặn: Cốt lõi là phải trả lời cho được câu hỏi “Xóa bỏ cơ chế hành chánh quan liêu bao cấp thì chuyển sang con đường nào?”. Đồng chí Nguyễn Đức Bình bay vào miền Nam, nghiên cứu mô hình đổi mới về phân phối lưu thông ở Long An, rồi đến TPHCM gặp tôi đang là Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh. Qua việc trao đổi, tôi nắm được mục đích, yêu cầu, nội dung của chuyến đi này, tôi rất mừng và ủng hộ. Một cuộc hội thảo với đề tài vận dụng chủ nghĩa tư bản Nhà nước tại TPHCM được tổ chức và kết quả đáng khích lệ, là cơ sở để đồng chí Nguyễn Đức Bình báo cáo “trả lời” câu hỏi của đồng chí Nguyễn Văn Linh.
Năm 1994, theo gợi ý của Tổng Bí thư Đỗ Mười, thầy Vũ Ngọc Ngoạn lúc đó là Viện phó Viện Mác - Lênin đã bay vào TPHCM gặp tôi và thông báo: “Đề nghị nâng đề tài của cậu lên luận án phó tiến sĩ”.
3. Tôi có quen thân với GS-TS Nguyễn Xuân Nghiêm, tốt nghiệp TS ở Liên Xô. Năm 2000, trong chuyến công tác tại Liên bang (LB) Nga, anh gặp lại thầy cũ của mình là GS-VS Đôkhốp, Viện trưởng Viện Hàn lâm Maxi (LB Nga) có kể với anh rằng: Sau khi Tổng thống Putin lên cầm quyền đã tổ chức 3 cuộc hội thảo khoa học với nhiều nhà khoa học xã hội tham dự bàn các vấn đề về con đường đi lên của LB Nga nhưng vẫn chưa thông. Một số viện sĩ có kết luận bước đầu: “Lý luận không bài bác, thực tiễn cần nghiên cứu thêm”. Biết được sự việc này, anh Nguyễn Xuân Nghiêm thưa: “Nếu cần nghiên cứu về chính sách kinh tế mới Lênin thì xin mời thầy sang Việt Nam. Tôi có người bạn đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ về đề tài này”.
Ít lâu sau, 3 vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký Viện Hàn lâm Maxi sang TPHCM gặp tôi. Được phép của lãnh đạo, tôi trình bày tóm tắt nội dung luận án trong 90 phút. Nghe xong các vị tỏ ra phấn khởi và mời tôi sang LB Nga để bảo vệ luận án TS khoa học. Lần này tôi xin ý kiến Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết. Cả hai đồng chí đều ủng hộ.
Năm 2003, tôi bảo vệ luận án TS cấp cơ sở tại Việt Nam, có các vị viện sĩ LB Nga tham dự, sau khi nghiên cứu sinh trình bày, các vị chất vấn, phản biện, với câu hỏi: “So sánh học thuyết Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công trình của đồng chí có sáng tạo gì mới?”.
- Thưa thầy, đối với học thuyết Lênin, khi giải thích về chủ nghĩa tư bản Nhà nước, Người cho là “bước lùi tạm thời và cần thiết”. Ở Việt Nam, giai đoạn đầu cũng giống tình hình nước Nga. Sau 15 năm đổi mới, tôi còn thấy được rằng đó là con đường chiến lược phát triển kinh tế thời kỳ quá độ. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Nghị quyết Đại hội IV có đoạn ghi rằng: “Từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn XHCN bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”. Rút kinh nghiệm qua thời gian đổi mới, tôi càng thắm thía thêm: Từ sản xuất nhỏ đi lên sản xuất lớn XHCN bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng phải đi qua con đường chủ nghĩa tư bản Nhà nước. Đó là con đường tất yếu.
- Như vậy theo đồng chí sáng tạo hay vận dụng?
- Thưa thầy, ở Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo.
Hội đồng tỏ vẻ đồng tình. Sau đó luận án được Hội đồng bác học thẩm định lần nữa tại LB Nga.
Cũng năm này, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga mời tôi sang nhận bằng TS. Hội đồng họp kết luận: Công trình nghiên cứu có 3 ý nghĩa quan trọng: Góp phần cho sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam; có ý nghĩa đối với các nước có hoàn cảnh tương tự như Việt Nam; có ý nghĩa đối với nước Nga hiện nay. Cho nên đồng chí xứng đáng được cấp bằng viện sĩ vượt cấp. Tất cả hội đồng đều đưa tay biểu quyết tán thành. Luận án này đã được dịch sang tiếng Nga, tiếng Anh để phổ biến rộng rãi.
THANH BỀN