Hành trình của Quyên

TPHCM, đối với cô Quyên, 25 năm về trước đã to lớn và đẹp đẽ. “Hồi mới vô đây, tôi lơ ngơ lắm. May mà gặp được những con người sống nghĩa tình. Họ không chỉ giúp đỡ chỗ ở mà còn tiếp thêm động lực để tôi được như ngày hôm nay. Nhớ hoài…”, cô Quyên chia sẻ. Rồi cô kể hàng loạt cái tên đã quan tâm, giúp đỡ, đồng hành cùng mình từ lúc ngồi ghế giảng đường đến hôm nay, bằng sự trân trọng. Hành trình của cô Quyên, không đơn độc!
Cô Trần Thị Mỹ Quyên bên chiếc xe do một người bạn tặng
Cô Trần Thị Mỹ Quyên bên chiếc xe do một người bạn tặng

Chuyến đi thay đổi cuộc đời

Cô Quyên nói mình có duyên với hoạt động thiện nguyện. Quả thật không ngoa khi cô đã tham gia các hoạt động xã hội từ khi học đại học. Từ năm đầu đại học, qua một bài báo, cô Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen, đã tìm gặp Quyên để giúp đỡ. Quyên cũng kết nối với nhóm sinh viên Trường Nghiệp vụ tin học và quản lý Hoa Sen (tiền thân của Trường Đại học Hoa Sen) nơi cô Phượng công tác. Sau đó, năm 2003, Quyên được về làm việc tại Trường Đại học Hoa Sen và tổ chức các hoạt động thiện nguyện cùng hội nhóm sinh viên. Có thể kể đến Nhóm tình thương với chương trình Đêm hội trăng rằm tổ chức vào mỗi dịp Trung thu, hay Cây mùa xuân khi xuân về… Cũng từ đây, Quyên bén duyên với tổ chức “Vietnam - Les Enfants de la dioxine” (VNED - Hội Bảo trợ trẻ em da cam Việt Nam tại Pháp). Đây là mối dây giúp Quyên dần có sự hiểu biết về chất độc da cam.

Năm 2004, Quyên đến Pháp với tư cách là thành viên đoàn đại biểu vận động người dân nước này ủng hộ vụ kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam. Quyên nói rằng, người dân Pháp rất quý mến và luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam. Trước sự thật khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học do Chính phủ Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961-1971, trong đó khoảng 61% là chất độc da cam, chứa khoảng 366kg dioxin đã phun rải xuống đất nước Việt Nam, người Pháp tỏ ra kinh hãi.

Chất độc da cam là chất hữu cơ cực độc, không tan trong nước, hầu như không phân hủy trong môi trường tự nhiên. Với sự tồn tại lâu dài, chúng đã gây nhiễm độc nặng đối với đất, nước, tích lũy dần trong các chuỗi thức ăn tự nhiên. Khi Quyên cùng những người Việt trình bày những căn cứ khoa học, nhiều người Pháp mới vỡ lẽ. Quyên bằng tình cảm chân thành và chính mình là bằng chứng đanh thép, đã thuyết phục được người dân Pháp ủng hộ cho đoàn vận động bằng những cuộc tuần hành, cũng như hàng ngàn chữ ký… Tiếng nói của tổ chức Hội Bảo trợ trẻ em da cam Việt Nam tại Pháp mà Quyên là đại diện ở miền Nam ngày càng lan tỏa. Từ đó, hiệu quả cuộc vận động lan ra không chỉ ở Pháp mà còn nhiều nước khác. Nhìn những dòng người tuần hành ở nước Pháp ủng hộ tổ chức, Quyên mừng đến trào nước mắt. Cô Quyên nói, đây là chuyến đi chỉ 40 ngày nhưng đã cho cô hiểu sâu sắc về những gì chất độc này gây ra ở Việt Nam, từ đó cô gắn bó mật thiết với những hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Khiếm khuyết nhưng không thiếu ước mơ

Một người bình thường, nếu làm tất cả những điều trên đã là nghị lực, nhưng cô Quyên không có hai bàn tay và hai bàn chân, chỗ cuối cẳng tay cẳng chân chỉ là phần thịt tròn. Quyên đã bước qua tuổi thơ ở vùng quê nghèo Quảng Nam. Quyên không có bàn chân mang giày dép để vượt qua những ngày tháng đi chăn bò, có khi phần thịt dưới chân trầy xước, chảy máu. Quyên đã vượt qua những hôm trời mưa gió mà đường về nhà xa tít… 

Học xong THPT, Quyên tạm gác ước mơ vào đại học. Cô kể: “Tôi mở sạp bán giày dép mũ nón ngoài chợ. Thèm lắm mỗi khi nhìn các bạn đi học ở thành phố về nhà chơi mỗi dịp lễ tết”. Năm 17 tuổi, Quyên mới được mang đôi dép “tiền chế” do tự mình nghĩ ra, rồi đặt thợ làm. Khiếm khuyết chân tay, song cô không thiếu ước mơ. Sau 4 năm, Quyên quyết định ôn thi lại và khăn gói vào TPHCM để thi đại học, thắp sáng ước mơ có chân giả với số tiền tích cóp 1,8 triệu đồng sau 4 năm. Vừa buôn bán vừa ôn thi, mỗi ngày Quyên phải di chuyển bằng xe đạp gần 12km. Cô đậu vào khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. 

Những tháng đầu của năm nhất đại học, Quyên được ở nhờ trên căn gác nhỏ ọp ẹp của một người phụ nữ bán vé số tốt bụng. Sau đó, cô chuyển qua chùa để trọ và mấy tháng sau được về ở trong ký túc xá của trường. Dù căn gác nhỏ ọp ẹp, đi lên xuống bằng thang tre, nhưng Quyên không ngại khó. Cô nói: “Người bán vé số nghèo nhưng vẫn cưu mang mình, cớ gì mình không cố gắng!”. Quyên vừa đi học vừa đi dạy kèm để đủ tiền trang trải cuộc sống, ngoài số tiền hỗ trợ mỗi tháng 300.000 đồng của một công ty dược phẩm Việt Nam. 

Rồi Quyên kết hôn. Từng làm công tác xã hội, nên chồng cô hiểu những phần việc vợ mình làm cho cộng đồng. Anh trở thành hậu phương vững chắc tiếp lửa cho cô mỗi khi cần. Nhắc lại những ngày mới về Trường Đại học Hoa Sen công tác, cô Quyên nói: “Dù công việc còn mới mẻ, vất vả, nhưng tôi dành nhiều thời gian để tiếp xúc, lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ với hoàn cảnh của nhiều sinh viên, bởi tôi thấy mình trong đó”. Sau đó, nhờ chuyến đi Pháp, cô Quyên được hỗ trợ lắp đôi chân giả mà cô mô tả là mềm mại, không cấn đau. 

Phụ nữ mỗi lần sinh con được ví như đi biển một mình, với cô Quyên còn hơn như vậy. Năm 2001, cô hạnh phúc khi biết mình sắp làm mẹ, nhưng cũng lo sợ đứa con mình sinh ra lại mang di chứng chất độc da cam. Có những đêm, cô không ngủ, chỉ mong trời mau sáng để nhận kết quả từ bác sĩ xem hình hài đứa con trong bụng mình có phát triển tốt không. Thấy hình ảnh đứa bé đầy đủ chân tay mặt mũi, cô Quyên bật khóc. 

“Đại sứ” của công lý

Hơn 16 năm nay, với vai trò là đại diện của tổ chức Vietnam - Les Enfants de la dioxine, cô Quyên còn lặn lội về vùng sâu vùng xa, từ miền Nam đến tận miền Trung để kết nối những trái tim. Cô mang sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm quốc tế đến các nạn nhân chất độc da cam, với nguồn hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Tranh thủ 2 ngày cuối tuần, rồi xin thêm một hay 2 ngày phép là cô Quyên lại vác ba lô đi. “Con gái tôi giờ tự lo cho bản thân và lo cho cả em trai 4 tuổi. Trời ban cho tôi sức khỏe tốt lắm, chỉ cần ngả lưng trên xe cũng ngủ được một giấc ngon lành”, cô Quyên kể. Thật vậy, Quỳnh Như (20 tuổi, con gái đầu của cô Quyên), nói rằng chuyện mẹ hay đi xa là bình thường. Cô bé đang là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, chia sẻ: “Những việc mẹ làm là tốt cho mẹ và mọi người. Lâu lâu em cũng đi cùng mẹ tới mấy sự kiện, em phụ chăm em trai để mẹ làm việc”.

Khi nhắc về những chuyến công tác xa, cô Quyên nói mình cảm thấy hạnh phúc. Với cô, đây là cách “trả ơn đời, trả ơn những người đã từng cưu mang, giúp đỡ mình trong suốt thời gian qua”. Cô Quyên tâm sự: “Giúp đỡ người khuyết tật nói chung, nạn nhân chất độc da cam nói riêng cũng là đang tự giúp mình sống có ý nghĩa và thú vị hơn. Còn sức thì còn làm. Làm tới khi nào công lý được thực thi thì thôi”. 

Cô Quyên cho biết, tổ chức VNED đều đặn mỗi năm đi thăm, chia sẻ, trao 2 lần học bổng và đỡ đầu cho các em nhỏ mắc di chứng do chất độc da cam tại nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, đơn vị này còn hỗ trợ vốn cho các gia đình có người thân nhiễm chất độc da cam để cải thiện đời sống. Mỗi lần như thế, cô Quyên lại vác ba lô đi. Như dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa rồi, từ ngày 23 đến 25-4, cô đã ra Đà Nẵng và Quảng Nam để cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trao học bổng cho các em học sinh nhiễm chất độc da cam vượt khó học tốt và trao suất đỡ đầu cho các gia đình.

Quyên đã vượt qua nghèo khó. 
Quyên chiến thắng sự bất hạnh của cuộc đời. 
Cô Quyên là “đại sứ” của công lý trong cuộc chiến da cam chưa hồi kết.

Tin cùng chuyên mục