Hành trình lập nghiệp

Mới nhìn, thấy anh già. Râu tóc lốm đốm bạc, bù xù tự nhiên như cỏ dại. Nhìn kỹ, nghe anh nói, lại thấy còn trẻ. Trong lúc trò chuyện, bất chợt nhận ra anh đã già. Khi anh cười, lại thấy trẻ trung hồn nhiên như chàng trai đến tuổi biết yêu. Anh sinh ra và lớn lên từ một con hẻm ở trung tâm thành phố. Lập nghiệp ở vùng núi rừng trùng điệp.

Mới nhìn, thấy anh già. Râu tóc lốm đốm bạc, bù xù tự nhiên như cỏ dại. Nhìn kỹ, nghe anh nói, lại thấy còn trẻ. Trong lúc trò chuyện, bất chợt nhận ra anh đã già. Khi anh cười, lại thấy trẻ trung hồn nhiên như chàng trai đến tuổi biết yêu. Anh sinh ra và lớn lên từ một con hẻm ở trung tâm thành phố. Lập nghiệp ở vùng núi rừng trùng điệp.

  • Ký ức 1

Sáng hôm đó, trời trong xanh. Cao hơn thường ngày. Nhìn đến mỏi mắt vẫn xanh thẳm. Gió nhẹ. Nắng vàng trải thảm hai bên đường. Băng rôn, khẩu hiệu ken dày “Nhiệt liệt hoan nghênh bà con đi xây dựng kinh tế mới”. Nền đỏ, chữ vàng, rực rỡ như hoa tươi. Ngày đó anh còn trẻ. Mới ngoài hai mươi tuổi. Anh bế trẻ em, cõng người già lên xe. Cười nói luôn miệng...

  • Ký ức 2

Đêm ấy, làng kinh tế mới Hoa Hồng ngủ say sau một ngày vất vả trên nương rẫy ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai. Mưa dội trên mái tôn rầm rầm như bom nổ, pháo bắn là thế nhưng mọi người vẫn không hay biết. Gần sáng nghe tiếng heo kêu gà gọi, mọi người mới hốt hoảng ra khỏi nhà. Nước ngập mênh mông. Hết thảy đều vàng lợt loang lổ, sóng nước dập dềnh lừ lừ đổ vào các ngôi nhà mới dựng. Nước sông dâng lên đến chân giường, đến lu chứa gạo và hạt bo bo.

Những người ở thành phố lên chưa hề biết lũ lụt là gì. Tất cả đều quýnh quáng rối loạn không biết phải làm sao. Rồi cũng theo bản năng, mọi người thu gom gạo, muối, chăn mền, những vật dụng cần thiết chạy lên chỗ cao. Heo, gà cũng vùng vẫy trong nước chạy theo. Lúc đó, người ta chưa thấy hết được hậu quả khủng khiếp của lũ lụt.

Cuộc chạy lụt tuy có nhốn nháo nhưng xem ra vẫn chưa có dấu hiệu hoảng loạn. Thậm chí đám trẻ con còn hào hứng, phấn khích chơi trò đuổi bắt. Làng định cư nằm ở bãi bồi cách mép nước sông chừng một trăm mét, cách chân đồi trọc chừng một trăm mét. Do nước lên từ từ nên người ta có đủ thời gian kết bè, kết mảng đưa trẻ con, người già, những vật dụng trong nhà lên đồi.

Nước lên tới đâu, cả làng lên cao hơn. Đến gần trưa, nước đứng lại ở lưng chừng quả đồi. Trên đồi đầy sỏi cát. Sỏi màu nâu sậm. Cát màu vàng đục. Không có cây cao. Hầu hết là những khóm lồng nước thấp lè tè, những cụm tre gai còi cọc xơ xác, những ụ mối rắn chắc như đá. Nắng trưa như đổ lửa. Sỏi đá nóng rực gần như bốc khói.

Tránh mưa đã khổ. Tránh nắng còn khổ hơn. Các hộ dân phải dựng lều ở sát mé nước. Cũng may, cây lồng mức còn có lá. Chỉ trong vòng một giờ, hầu hết lồng mức trên đồi bị chặt trụi làm mái lều. Mọi nhà đều nấu bo bo thay cơm. Những hạt bo bo được nấu nhừ, giống như bắp luộc. Mỗi người một tô, rắc vài hạt muối hột to như hạt đậu, cạnh sắc như dao lên trên. Muỗng không có nhiều. Chỉ có người già mới được dùng.

Người khỏe bẻ cành lồng mức làm đũa. Trẻ con dùng tay bốc ăn. Nước ở kế bên. Múc một thau lên, để lắng bùn đất rồi uống. Đám trẻ con không cần dùng chén, dùng tay, chúng úp mặt xuống nước để uống. Về chiều, trời đổ mưa. Đầu tiên, mưa trong nắng gắt. Đồi trọc bốc hơi. Mưa rỉ rả chảy xuống. Nóng nực bủa vây. Bỗng dưng trời tối sầm. Mây đen ùn ùn kéo đến. Gió thổi mạnh lên. Mưa như roi mây quất vào người. Không ai dám dầm mưa làm việc nữa. Rồi mưa như trút nước. Ào ạt, cuồn cuộn. Nước mưa lạnh dần. Tối đến, mưa lạnh ngắt. Nhà nào cũng phải đốt lửa để sưởi…

Mươi ngày sau nước mới rút hết. Dòng sông Đồng Nai trở lại vẻ hiền hòa thơ mộng. Nhưng người dân làng Hoa Hồng không còn tâm trí nào ngắm nhìn dòng sông. Họ phải đối mặt với một thực trạng gần như tuyệt vọng. Công sức hơn sáu tháng trời bỏ ra mất trắng hoàn toàn. Lúa không còn một cây. Mì không còn một gốc.

Nước lũ cũng cuốn sạch những bờ vùng, bờ thửa, cống nhận và thoát nước. Một vùng đất trồng trọt đã bị san phẳng. Tất cả trở về với lúc nguyên thủy như khi mọi người đặt chân đến. Đất cát và sỏi trộn lẫn với nhau. Hoang hóa đến mức trơ trọi. Nhà mất không đáng sợ. Cái đáng sợ nhất vẫn là đất canh tác.

Niềm tin về những mảnh đất ven sông không còn nữa. Ai dám chắc sẽ không còn lũ lụt nữa. Huyện hứa sẽ tiếp tục trợ cấp mỗi đầu người mỗi tháng 10 ký bo bo, 5 ký gạo. Mọi người đều lắc đầu ngao ngán. Không ai hy vọng ở việc trồng trọt cây lương thực ở đất này. Đã vậy, người bệnh ngày càng nhiều. Trẻ em đến tuổi đi học cũng tăng lên. Không biết đến bệnh viện nào, trường học nào?

“Thôi, về!”. Ai đó nói to. Mọi người thở dài nói theo “về thôi!”. Anh khóc, năn nỉ mọi người ở lại.

  • Ký ức 3

Bên ấy, sự bí hiểm không đến lặng lẽ, êm đềm. Nó bất ngờ như một cơn gió lạ khiến người ta rùng mình. Ở bên Đông dòng sông, nắng nóng hừng hực, cỏ cây thấp tè héo hắt. Chỉ cần lội qua sông, không quá 15 phút, lên tới bờ bên kia đã thấy thời tiết đổi khác. Một luồng không khí lạnh, giống như gió lạc từ trong rừng già thổi ra.

Cái lạnh không bao trùm tất cả. Nó chỉ lướt qua ở vùng thắt lưng. Người ta ớn lạnh sống lưng là vậy. Khác hẳn với màu sắc ở bên kia sông. Từ mép nước tràn lên tới nóc rừng và nền trời, tất cả đều có gam màu xanh đen. Đất xanh đen, cỏ cây, đá lớn đá nhỏ cũng xanh đen. Nơi cửa rừng, lác đác có vài ba vệt màu trắng của những cây bằng lăng.

Những mảng màu trắng toát như vôi bột ấy càng làm cho không gian rừng già thêm âm u, kỳ bí… Có một chuyện giống như một truyền thuyết lưu truyền trong dân gian vùng này. Thời xa xưa, có một con rắn tu luyện theo cách làm cho to ra, lớn lên. Con rắn ăn tạp đến mức tất cả những sinh vật sống trên và trong lòng đất đều là thức ăn của nó.

Nó không có phép biến hóa như những yêu tinh khác. Nhưng sức mạnh của nó thật khủng khiếp. Nó to đến nỗi cây rừng mọc luôn ở trên đầu, rễ rủ lòng thòng bám quanh mắt. Nó dài đến nỗi người ta chỉ có thể nhìn thấy khúc đầu không thấy khúc đuôi. Cái miệng nó há ra không khác gì một hang động, có thể nuốt chửng hai con trâu rừng cùng một lúc.

Khi nó di chuyển, cả một vùng như có động đất. Núi lở, đồi sạt, cây cối đổ ngổn ngang. Nó thổi ra những cơn gió độc làm chim đang bay trên trời, cá đang bơi dưới nước cũng bị chết. Sức hủy diệt của con rắn càng ngày càng lớn. Ngọc Hoàng thượng đế sai thiên binh thiên tướng xuống tiêu diệt. Sét đánh, đao chém, giáo đâm nó không chết. Lửa đốt nó cũng không chết.

Trong binh tướng nhà trời có người khôn ngoan bảo: - Bịt mồm nó lại. Không ăn được, chắc chắn nó phải chết. Cách đánh đơn giản này được thực hiện. Nhà trời di chuyển một tảng đá khổng lồ ở cửa Nam Thiên Môn trên trời xuống ném vào miệng con rắn khi miệng nó há ra. Đá nhà trời khác hẳn với đá dưới đất. Đá cứng hơn cả sắt thép.

Con rắn có mạnh đến mấy cũng không bóp nát được. Bảy ngày sau, con rắn không cựa quậy được nữa. Một tháng sau thì chết hẳn. Xác rắn chết là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho đất. Cũng tạo ra một không gian khí độc. Do vậy, cây cối trong vùng phát triển rất nhanh. Tất cả đều gốc to, cành khỏe, tán lá dày đặc. Tảng đá bịt mồm con rắn được gọi là Đá trời.

Mọi chuyện nói ra đều có lý do, ý đồ. Có người bảo truyền thuyết trên để giải thích cho sự âm u bí hiểm của rừng. Cũng có người nói, chuyện kể ra để giải thích nguồn gốc của tảng đá. Không dưng, giữa vùng rừng rậm hoang vu mọc lên một tảng đá khổng lồ màu xanh đen nhẫn bóng trông rất đáng sợ. Người không mê tín gọi là Đá đen. Người mê tín gọi là Đá trời. Ở vùng này người mê tín nhiều hơn nên tên gọi Đá trời phổ biến hơn.

Anh đến với vùng rừng bí hiểm ấy.

  • Ký ức 4

Đoạn sông ấy giống như người đàn bà gần tới tuổi 40 dữ dội và kín đáo. Dòng nước trong vắt, lăn tăn. Sóng nhỏ dập dềnh trôi xuôi, trườn lên các tản đá phát ra thứ âm thanh như tiếng nấc cụt. Dường như sự lờ lững mơn man ve vuốt của dòng nước càng làm cho phần nổi của những tảng đá màu vàng lợt nóng bỏng hơn, sự xếp đặt trong lòng sông và bên bờ ngổn ngang hơn.

Khi người đàn bà cảm thấy sự tẻ nhạt, nhàm chán thì những xếp đặt từ trước nhất thiết phải thay đổi. Niềm khao khát được trào dâng tất cả, được lao đi, được cuốn đi mạnh mẽ và dữ dội thường thể hiện một cách câm nín. Trước khi có bão lớn, bao giờ trời cũng rất tĩnh lặng, êm đềm. Bởi vậy, để hạn chế sự hủy diệt của bão tố, người ta phải có sự gia cố sắp xếp lại. Cái gì cần đóng phải đóng kín. Cái gì cần mở phải mở ra.

Bên bờ sông có một ngôi nhà. Mái tranh nhợt nhạt. Khói xám lững lờ ngả nghiêng theo gió. Ngôi nhà giống như một gò đất trồng hoa. Bông giấy tím hờ hững từ trên mái nhà xuống tới hàng rào. Cúc vạn thọ vàng rực. Hoa hồng đỏ thắm bao quanh ngôi nhà. Không có cổng ngõ theo lối mòn ven rừng, khách đi thẳng vào nhà. Dân trong vùng nói ngôi nhà ấy là ranh giới âm dương. Nơi ấy ma và người có thể sống chung hòa thuận với nhau.

Ngôi nhà ấy được dựng lên vào năm 1973 sau Hiệp định Paris. Thấy nhà rồi mới thấy người. Hai người già, một người trẻ. Một gia đình. Cha, mẹ và con gái. Nghe nói, người cha là một quan chức cấp tỉnh của chế độ Sài Gòn cũ bị bệnh tâm thần, hai lần tự sát không chết. Tỉnh lại đòi “có sống cũng phải sống như chết”.

Bà vợ và con gái bàn luận một hồi rồi đưa ông ta lên đây để “sống cũng như chết”. Năm ấy, cô gái ngoài 20 tuổi, tốt nghiệp đại học. Những tưởng gia đình ấy chỉ tạm trú ở ẩn một thời gian ngắn rồi về xuôi. Ai ngờ khi cha, mẹ qua đời cô gái ấy vẫn trụ lại trồng rẫy, bắt cá, tự cung tự cấp nuôi sống mình. Có người ái ngại hỏi: “Cớ sao lại đày đọa thân xác như vầy?”. Cô gái thở dài nói: - Cha mẹ tôi ở đây, tôi bỏ đi được sao!!! Người trong vùng gọi cô là cô Hiếu Thảo. Không ai biết tên thật của cô.

Sống nơi thâm sơn cùng cốc gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, nhưng Hiếu Thảo biết cách tổ chức đời sống ngăn nắp và sinh động. Một mái nhà. Một gia đình hoàn chỉnh giống như mọi gia đình khác ở vùng quê Nam bộ. Gian giữa nhà có bàn thờ. Có bàn ghế tiếp khách. Có tủ đựng quần áo. Có nhà bếp và chuồng trại nuôi heo, nuôi gà. Điều khiến anh không thể ngờ được, trong nhà Hiếu Thảo còn có cả một tủ sách. Có đến gần 200 cuốn. Đủ các thể loại.

– Chào chị, chị là chủ nhà ạ!
– Phải.
– Cho tôi nghỉ chân một lát được không.
– Cứ tự nhiên.
– Cho tôi xin miếng nước.
– Có trà tươi ở trên bàn.
– Cảm ơn chị.
– Không có chi.

Đấy là đoạn đối thoại lần đầu tiên gặp mặt.
Hiếu Thảo cao bằng anh nhưng vóc dáng đậm hơn. Mặt tròn. Da nâu sạm. Tóc ngắn. Giống như người Xêđăng, Bana.
– Anh ăn cơm không.
– Nếu tiện, xin chị cho một chén.
– Không có chi.
Đấy là đoạn đối thoại thứ hai khi trời tắt nắng. Gió lạnh săn se.
– Giỏi thiệt, chưa từng thấy.
– Ai giỏi.
– Không sợ cướp sao?
– Cướp không tới đây.
– Không sợ người ta làm bậy sao.
– Làm bậy là thế nào?
– Cưỡng hiếp chẳng hạn.
– Không ai có thể cưỡng hiếp được tôi…
– Vậy cho tôi ngủ qua đêm ở đây nha.
– Không có chi…

Sau đoạn đối thoại thứ ba ấy, anh và Hiếu Thảo nên vợ chồng. Họ đến với nhau theo lẽ tự nhiên. Trai đơn, gái chiếc ngủ chung một giường. Mới đầu quay lưng lại. Sau cùng nằm ngửa. Cùng kêu lên: “Khó ngủ quá”. Rồi họ ôm lấy nhau. Giống như gió thổi, lá phải rung.

  • Hành trình làm giàu

Công việc làm ăn của vợ chồng anh có ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, vợ chồng anh hợp tác với một đơn vị quân đội làm kinh tế vùng Nam Cát Tiên khai hoang trồng cây ca cao, sản xuất than, củi. Giai đoạn hai, khi đơn vị quân đội rút đi, vợ chồng anh lại đầu quân cho lâm trường khai thác gỗ vùng đá đen.

Trong vòng ba năm, rừng đá đen huyền bí chắc chắn là thế đã khai thác xong. Lâm trường giải thể anh về Sài Gòn tìm lại số dân làng Hoa Hồng. Chỉ có ba hộ theo anh. Đất quá rộng, anh đi khắp vùng thu gom các hộ dân kinh tế mới còn trụ lại về lập lại xóm Hoa Hồng. Giai đoạn ba, vợ chồng anh về xuôi thuê máy ủi, máy cày lên vỡ đất trồng trọt. Có hai loại cây sống tốt ở đất này là ca cao và mì. Củ mì dài, to. Mỗi gốc khi thu hoạch được gần chục ký. Ca cao ra nhiều trái, chất lượng khá cao.

Đến năm 2000, vợ chồng anh đã trở thành một chủ trang trại lớn nhất trong vùng với hàng chục hécta ca cao và củ mì. Khu đá đen không còn hoang vắng lạnh lẽo như trước. Hơn 10 hộ dân đã xây nhà hai tầng. Anh đưa vợ con ra thị trấn sinh sống. Các con anh được học hành chu đáo. Anh sống ở rừng, ở trang trại là chính. Thỉnh thoảng, nhớ đất Sài thành, anh phóng xe gắn máy về. Đi lòng vòng. Để nhớ lại, thế thôi!

TRẦN VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục