Hành trình Mùa xuân biên giới lần thứ 10 đi qua các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và tỉnh Attapeu (nước CHDCND Lào) đã kết thúc tốt đẹp. 2.500 gói quà tết của tấm lòng người dân thành phố mang tên Bác tặng bà con vùng biên giới với mong muốn gửi chút nắng ấm mùa xuân phương Nam đến với bà con dân tộc vùng Tây Nguyên, đang mùa giá rét.
Chuyện ở Tây Trường Sơn
Xã Đak Kôi, huyện Kon Rẫy, cách quốc lộ 24 gần 60km đường sườn núi, đất đá gồ ghề với hàng chục khe, suối cắt ngang, vừa quanh co vừa hiểm trở khó đi. Đây là xã nghèo nhất của huyện nghèo nhất tỉnh Kon Tum với 467/586 hộ của xã thuộc diện đói nghèo và 99% dân số ở đây là dân tộc Xê-đăng, sống bằng việc làm rẫy và trồng trọt.
Càng vào sâu địa bàn xã, đường đi càng khó khăn. Đã có xe của đoàn bị sập ngầm khi cố gắng vượt qua chướng ngại cuối cùng để vào trụ sở UBND xã. Ôm tấm chăn ấm của chúng tôi tặng trên tay, bà H’Diu (xã Đak Kôi, huyện Kon Rẫy tỉnh Kon Tum) cười thành tiếng: “Ồi, mình và thằng cháu không còn sợ cái đêm gió núi làm buốt lưng nữa rồi, mình cảm ơn người thành phố nhé!”.
Thằng cháu của bà H’Diu là đứa trẻ mồ côi trong trận lũ quét năm 2009, được bà cưu mang từ đó đến nay. Khi chúng tôi phát 2 phần quà tết cho 2 đứa trẻ mồ côi đen choắt, mặc áo vá chằng vá đụp đi chung với nhau, đứa anh cầm gói quà to và cái chăn từ tay em gái đến chỗ tôi nói: “Nó là em mình mà, xã nói mỗi nhà một phần quà thôi, cán bộ phát chăn này cho bà Bnoong đi, bà ốm lắm rồi”. Sau cơn lũ quét kinh hoàng cuối năm 2009, bà Bnoong (khoảng 70 tuổi) “nhặt” được hai anh em H’Rang (tên đứa trẻ gái) đang mắc trên cành cây, đói lả gần chết. Bà Bnoong mang chúng về nhà, nuôi từ đó đến nay.
Đã 10 năm qua, chúng tôi tiếp xúc không biết bao hoàn cảnh thương tâm nhưng lần nào cũng có những chuyện khiến chúng tôi rơi nước mắt. Đang soạn những áo ấm tặng bà con, phóng viên Tất Đạt (Báo SGTT) đến mắt đỏ hoe xin nhanh mấy cái áo rồi chạy vụt đi. Chưa ai kịp hiểu chuyện gì, phóng viên Minh Bảo (HTV) cũng mắt đỏ hoe đi vào kể - gia đình kia gồm hai người già và một đứa trẻ chỉ có 2 cái áo. Ông vào khám bệnh thì bà cởi trần ngồi co ro dưới gốc cây ngoài sân xa, chờ áo. Ông bước ra cởi áo đưa bà mặc để vào khám bệnh…
A Vai, Chủ tịch UBND xã Đak Kôi cứ loanh quanh khu vực khám bệnh, phát thuốc để làm phiên dịch. Thấy A Vai cứ loay hoay như muốn nói điều gì đó, tôi hỏi: “Có chuyện gì hả A Vai?”, “Mình phát 200 phiếu khám bệnh rồi nhưng năm 2009 lũ nặng nên nhà cửa mất hết, bà con mình phải sống giữa trời lâu ngày nên có nhiều người yếu lắm, đoàn có thể khám thêm giúp dân mình được không?”. BS Chí Thành, trưởng đoàn Viện Tim, nghe tôi trao đổi đã gật đầu nhanh với A Vai. BS Đáng, BS Trang (BV Tâm Đức) mấy lần đứng lên dọn đồ nghề lại ngồi xuống khám thêm cho nhiều cụ già đứng ngoài hè rất lâu vì không có giấy hẹn. Các bác sĩ của đoàn Mùa xuân biên giới chẳng nỡ từ chối người nào đến với họ, dù người ấy không có tên trong danh sách.
Bà con đến khám nhiều hơn dự kiến gần 100 người, trong đó 2 trẻ có dấu hiệu bị hở van tim đã khiến các bác sĩ, dược sĩ của Viện Tim cảm thấy lo lắng. Những bọc thuốc đặc trị có giá hàng chục triệu đồng được họ gửi gắm lại y tế xã chăm sóc tiếp cho các cháu cùng lời hẹn “gặp lại cháu ở Viện Tim nhé”.
Trưa, nhưng trời ở đây vẫn rét. Mặt trời vắt ngang lưng dãy Trường Sơn làm đỏ ối một khoảng trời. Chiều biên giới xuống thấp, gió thổi từ núi ù ù khiến đoàn người thành phố phải co ro khi chào tạm biệt bà con. Trong sự vội vàng ấy, chị H’Lung, cán bộ xã chạy ra bên cạnh xe, nắm tay tôi lắc mãi: “Cảm ơn Bok (Bác) Hồ đã chỉ đường cho người “thành phố” đến với dân mình nhé. Cảm ơn Đảng lo cho người dân tộc nghèo có tết vui ấm quá... chúc người của Đảng sức khỏe nhé”.
Những mùa xuân gửi lại
Từ quốc lộ 19, để đến được xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, chúng tôi phải vượt gần 100km đường rừng với những cung đường quanh co, mịt mù bụi. Xã Ia Mơr là xã rộng nhất nhưng ít dân nhất huyện. Cả xã có 444 hộ, trong đó người Jrai chiếm trên 80%.
Chư Prông xưa là nơi diễn ra những trận đánh kinh hoàng trên ngọn đồi Pleime, giữa khu thác nước Ia Drăng và hàng trăm trận đánh khác của bộ đội ta trên đường tiến vào giải phóng Tây Nguyên trong chiến dịch tổng tiến công mùa xuân 1975. Ia Mơr, xã 2 lần được phong Anh hùng, nơi đoàn Mùa xuân biên giới có nhiều kỷ niệm bởi chúng tôi đến giao lưu và tặng quà tết nhiều năm liền.
Cái cầu treo vắt ngang con suối lớn cạnh UBND xã đưa chúng tôi về lại bờ bên kia để gặp bà H’Linh, ngày trước là cán bộ phụ nữ xã. Gặp lại, bà kéo tôi vào khu nhà chung chỉ cho xem cái ti vi, chiếc cassette to mà đoàn Mùa xuân biên giới đã tặng để làm công tác tuyên truyền. “Bây giờ nó vẫn hát được, nói được đấy”, bà H’Linh nói thế và nắm tay dẫn tôi vào nghĩa trang liệt sĩ huyện với tấm bia ghi danh bằng đá đen bóng lạnh, rồi kể tôi nghe đời sống bà con mình ở Ia Mơr đang ngày một đổi mới, nhất là khi tỉnh xây dựng một làng mới có những nhà tường xây để bà con không sống du canh du cư, đốt rừng làm rẫy nữa. Chia tay, bà H’Linh nói nhiều lần: “Cảm ơn Đảng, cảm ơn đoàn Sài Gòn mùa xuân đã nhớ cho quà tết bà con dân tộc mình. Mùa xuân năm sau lại về đây nhé”.
Đứng ngoài sân Trạm xá Ia Dom do Báo SGGP xây từ tiền tài trợ của Công ty Pepsico VN, chị H’Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đức Cơ gọi cô bé đang chất gói quà tết lên xe đạp để chở về làng giúp mẹ: “Rơ Chăm Kim, chào cô nhà báo tặng xe đạp “mùa xuân” đi”. Rơ Chăm Kim là một trong hơn ngàn trẻ dân tộc ở Gia Lai và Kon Tum được nhận học bổng và xe đạp từ chương trình Mùa xuân biên giới mấy năm trước. Nhìn theo Kim đạp xe chạy về cuối xã trong ánh nắng ban mai của vùng biên giới xa, tôi thấy vui khi cây “nhân ái” chúng tôi gieo đang nở hoa ở vùng biên giới…
Đoàn xe chúng tôi lầm lũi vượt qua những cung đường khó đi như thế suốt 9 ngày liền và năm nào cũng có xe lạc đường, người ngã bệnh. Dẫu biết những món quà tết chẳng đủ để giảm đi cái nghèo của bà con, những lời ca tiếng hát “cây nhà lá vườn” chẳng đủ để xóa đi những thiếu thốn tinh thần của người lính, nhưng chúng tôi tin rằng đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới xa này sẽ hiểu rõ hơn chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước đến vùng sâu, vùng xa mà một nhóm trí thức trẻ - đại diện cho thanh niên TPHCM đã dốc sức thực hiện trong suốt hành trình 10 năm qua. |
PHẠM THỤC