Hành trình tìm sự thật

Hành trình tìm sự thật

Cuối tháng trước, chính quyền thị trấn Satsumasendai (Nhật Bản) thông báo đây sẽ là nơi đầu tiên cho phép tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Kyushu, đánh dấu việc Nhật Bản nối lại hoạt động của ngành công nghiệp hạt nhân sau khi 48 lò phản ứng hạt nhân trên toàn Nhật Bản phải ngừng sản xuất vì thảm họa Fukushima năm 2011.

Dư luận Nhật Bản đến nay vẫn chia thành hai hướng rõ rệt: ủng hộ và phản đối ngành công nghiệp điện hạt nhân của đất nước này. Đa số người dân nói không với việc nối lại hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân vì lo sợ mối nguy đến sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh. Hơn 3 năm qua, truyền thông hầu như chỉ dựa vào phát ngôn của chính phủ, đại diện Công ty điện lực Tokyo Electric Power (đơn vị điều hành nhà máy Fukushima). Những nguồn tin này không chỉ trích điện hạt nhân và cũng không nhắc đến phong trào phản đối của người dân.

Thế nhưng, vẫn có một nữ phóng viên Nhật Bản âm thầm, kiên trì tiếp cận từng địa điểm, hỏi chuyện từng người dân để ghi chép cẩn thận những gì đang thực sự xảy ra sau thảm họa Fukushima. Đó là cô Hajime Shiraishi (ảnh) với sự đeo bám không mệt mỏi để có những tư liệu trung thực được đưa trên trang tin OurPlanet-TV (do tổ chức phi lợi nhuận cùng tên lập nên), giúp mọi người không quên hiểm họa hạt nhân vẫn còn đó.

Từ khi rò rỉ phóng xạ xảy ra ở Fukushima vào tháng 3-2011 đến nay, 130.000 người đã rời bỏ nhà cửa vì sợ bị ảnh hưởng. Shiraishi là một trong số rất ít những phóng viên còn quay lại nơi này, kiên trì chuyển tải thông điệp đến đông đảo công chúng Nhật Bản và trên thế giới. Ngay thời điểm chính quyền Nhật Bản kêu gọi người dân trở về vì mức độ an toàn của môi trường cho phép, không còn những rủi ro về nhiễm xạ thì các phóng sự của Shiraishi lại chứng minh rằng đang có những trường hợp mắc ung thư máu, ung thư tuyến giáp mới được phát hiện ở trẻ em nơi này. Shiraishi không ngại dùng khoản tiền dành dụm của mình để mua vé bay đến Ukraine. Ở đó, cô mất 2 tuần tìm đến những chuyên gia, nhân chứng để tìm hiểu về cách mà chính quyền đã hỗ trợ người dân sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Chia sẻ trên OurPlanet-TV, cô Shiraishi không ngại đề cập thẳng rằng Chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực rất ít để bảo vệ sức khoẻ trẻ em. Mức độ quan tâm hoàn toàn không bằng Chính phủ Ukraine sau sự cố Chernobyl.

Shiraishi cho biết, cô không ngại đeo đuổi sự thật về rò rỉ hạt nhân bằng cách không ngừng trao đổi với các chuyên gia, nhà hoạt động, người dân và các phóng viên khác. Ra đời từ năm 2001 nhưng nhờ những phản ánh của Shiraishi mà OurPlanet-TV mới được mọi người biết đến nhiều. Nếu không có Shiraishi, mọi người sẽ không biết đến câu chuyện của cựu Thị trưởng Katsutaka Idogawa của thị trấn Futaba, gần nhà máy Fukushima. Gần như người dân cả làng đã bỏ đi, riêng số ít người trong đó có ông Katsutaka còn ở lại vì không muốn xa quê hương nên quyết định bám lấy mảnh đất này dù biết nó đã nhiễm độc nặng. Sức khỏe ông Katsutaka cũng vì thế ngày càng đi xuống bởi ông đã bị phơi nhiễm phóng xạ.

Hành trình của Hajime Shiraishi vẫn chưa dừng lại. Cô nói: “Tôi đã học được rất nhiều điều quý giá từ khi quyết tâm tìm kiếm sự thật. Tôi muốn mọi người hiểu được những rủi ro đang ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi chúng ta và mỗi người đều có quyền yêu cầu những điều tốt hơn cho mình”.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục