Khai mạc Đường hoa - Đường sách
Tối 16-2 (28 tháng Chạp), tại tuyến đường Hàm Nghi (quận 1, TPHCM), Đường hoa Tết Ất Mùi 2015 với chủ đề “Hào khí Việt - Bản sắc Việt Nam” đã chính thức khai mạc.
Đến tham dự lễ khai mạc, có các đồng chí: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Võ Thị Dung… cùng đông đảo người dân TPHCM và du khách.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu tham quan đường hoa tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đường hoa - cổ truyền và hiện đại
Dù đã trở thành một nét văn hóa quen thuộc nhưng năm nay Đường hoa lại khiến người dân lo lắng hơn mọi năm do phải chuyển qua vị trí mới trên đường Hàm Nghi thay cho đường Nguyễn Huệ. Ngay cả những người thực hiện Đường hoa cũng không giấu vẻ lo âu do những khác biệt hướng gió, điều kiện ánh sáng, cảnh quan… Thế nhưng, đến nay Đường hoa đã thành hình và đúng như lời hứa ban đầu rằng quy mô, tổ chức “không thua gì Đường hoa Nguyễn Huệ”. Đường hoa trải dài trên trục đường hơn 500m, chia làm 2 làn, mỗi làn có 2 mặt trang trí hoa và tiểu cảnh nên tổng chiều dài Đường hoa lên đến hơn 2km với khoảng 120.000 chậu hoa tươi các loại. Đường hoa được chia thành 3 khu vực với các tên gọi khác nhau gồm: Hào khí Việt Nam, Bản sắc Việt và Vinh quang Việt Nam. Ước tính sẽ có trên 1 triệu du khách đến với Đường hoa năm nay.
Lãnh đạo TPHCM tham quan Đường sách. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Mở đầu Đường hoa theo đúng thông lệ là hình ảnh đại điện cho con giáp của năm. Năm nay biểu tượng con dê được lấy hình ảnh từ gia đình dê núi Ninh Bình với dê bố mẹ đĩnh đạc, hiền hòa, đàn dê con tươi vui dễ thương. Cả đàn dê đều mang đầy sinh khí, nhìn thẳng về một hướng như ước muốn hứa hẹn một năm phát triển dồi dào và mạnh mẽ. Vào lúc Đường hoa chưa chính thức mở cửa đã có rất nhiều người dân đến chụp ảnh đàn dê biểu tượng của năm và tất cả đều đánh giá biểu tượng chính năm nay được làm đẹp và mang đầy hy vọng tương lai.
Một điểm đáng chú ý ở khu vực Đường hoa năm nay xuất hiện những cánh đồng lúa trĩu hạt, cầu tre, áo sen, mái nhà tranh cùng phản tre và đôi liễn đỏ… Đằng sau hình ảnh thôn quê đó nổi bật tòa nhà Bitexco hiện đại, tạo hình ảnh tương phản rất ấn tượng với du khách. Vinh quang Việt Nam là phân đoạn cuối của Đường hoa và cũng là phân đoạn bất ngờ nhất khi tái hiện những thay đổi của TPHCM hôm nay mà tiêu biểu là hình ảnh đoàn tàu điện ngầm (metro) bằng hoa đầy lạ lẫm.
Vui xuân trên đường hoa Hàm Nghi. Ảnh: MAI HẢI
Đường sách - dấu ấn bản sắc Việt
So với Đường hoa, Đường sách năm nay gặp một khó khăn lớn khi mất đi sự hỗ trợ của Nhà sách Nguyễn Huệ, tuy nhiên những người làm đường sách đã tìm được những nét đặc sắc khác để tạo nên một đường sách đầy mới lạ với chủ đề “Bản sắc Việt - hào khí Việt Nam”. Phải nói sau một thời gian bỡ ngỡ, mày mò tổ chức, đến nay Đường sách đã dần thành hình với những điểm nhấn riêng đó là các triển lãm về sách đầy độc đáo. Mở đầu là khu chuyên đề Dấu ấn lịch sử: Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM chủ trì giới thiệu các tựa sách, ảnh… tiêu biểu trong và ngoài nước có nội dung về Chiến thắng 30-4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; TPHCM 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập với những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội; Bác Hồ kính yêu; về những tấm gương anh hùng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước và TP…
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng các đại biểu tham quan sản phẩm thủ công truyền thống tại Đường hoa. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tiếp đó là cụm trưng bày chuyên đề giới thiệu Thành phố hội nhập do Công ty Fahasa đảm nhận với 5.000 nhan đề tương đương 50.000 bản sách tập trung vào mảng kinh tế phát triển, hội nhập với các nước trên thế giới, quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN... Ở chính giữa Đường sách dành riêng cụm chủ đề Biển đảo do Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM thực hiện, giới thiệu hình ảnh, tư liệu về chủ quyền biển đảo, luật biển, bao gồm tập tư liệu bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử; các hình ảnh, sách viết về chiến sĩ, ngư dân bám biển bảo vệ chủ quyền. Cũng ở khu vực này có 2 chi tiết quan trọng là sa bàn mô hình bản đồ Việt Nam rộng 2,4m, dài 3,6m với đầy đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Khách du xuân có thể từ sa bàn này nhìn được toàn cảnh và đọc được tên các đảo, bãi san hô và mỏm đá trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sa bàn này do Công ty Phan Thị thực hiện. Đơn vị này cũng thực hiện mô hình đoàn tàu lửa thống nhất Bắc - Nam, thể hiện lại chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối liền hai miền Nam - Bắc vào ngày 31-12-1976, với đầu tàu lửa dài 6m, rộng 2,4m, cao 2,8m mang ý nghĩa kỷ niệm 40 năm thống nhất Bắc - Nam.
Chợ Bến Thành trang hoàng đón xuân Ất Mùi. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Phần cuối của Đường sách là nơi ôn lại quá khứ xưa với phần trưng bày Dấu ấn xuất bản đầu thế kỷ 20, thời điểm mà TP được coi là nơi xuất bản phát triển mạnh nhất ở Việt Nam khi đó.
Đường hoa và Đường sách sẽ phục vụ người dân và du khách đến ngày 22-2 (tức mùng 4 Tết).
Tường Vy
Các tin, bài viết khác
- Dâng cúng bánh Tét Quốc tổ Hùng Vương
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hưởng tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Rà soát đến nơi đến chốn các khiếu nại tồn đọng
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tăng cường đoàn kết, chung sức xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- Thương tiếc người cán bộ tận tụy, dám nghĩ, dám làm
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng quà tết người nghèo và gia đình chính sách
- Xuân ấm tình chiến sĩ
- Báo Người cao tuổi bị xử phạt gần 700 triệu đồng
- Chủ tịch Quốc hội thăm và chúc Tết Đài Truyền hình Việt Nam