Hấp hối… bệnh viện tư

Thay tên, đổi chủ
Hấp hối… bệnh viện tư

Bên cạnh một số ít bệnh viện tư được đánh giá thành công, TPHCM vẫn còn những bệnh viện tư đang canh cánh nỗi lo “phá sản”. Không thu hút được bệnh nhân, không thu hút được y bác sĩ có tay nghề giỏi và “lóng ngóng” trong quản lý. Thực trạng này khiến sự góp phần giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tư đang vơi dần.

Cần có cơ chế hỗ trợ để bệnh viện tư phát triển. (Ảnh: Phẫu thuật tại Bệnh viện tư nhân STO Phương Đông). Ảnh: Tg.Lâm

Cần có cơ chế hỗ trợ để bệnh viện tư phát triển. (Ảnh: Phẫu thuật tại Bệnh viện tư nhân STO Phương Đông). Ảnh: Tg.Lâm

Thay tên, đổi chủ

Đi vào hoạt động từ năm 2008, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phổ Quang (2B, Phổ Quang, P2, Q.Tân Bình) được xem là một trong những cơ sở y tế “sinh sau đẻ muộn”. Với diện tích sàn xây dựng 500m² gồm 1 tầng hầm và 7 lầu, bệnh viện đã được mong chờ là cơ sở tiếp nhận khám và điều trị tốt cho người dân TPHCM nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung.

Và điều đó phần nào trở thành hiện thực khi năm 2009, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phổ Quang được đánh giá khá tốt trong việc tiếp nhận khám, điều trị, nhất là đối tượng bệnh nhân diện Bảo hiểm Y tế. Tuy nhiên, qua thanh tra năm 2010, thanh tra Sở Y tế thành phố phát hiện bệnh viện có nhiều sai phạm trong thực hiện hợp đồng với BHXH thành phố.

Điều đáng nói là những sai sót đó không được giám định viên BHYT ở bệnh viện phát hiện nên BHXH thành phố đã thanh toán chi phí cho những chỉ định sai phạm về chuyên môn gây tốn kém cho quỹ BHYT. Kết luận thanh tra đã đi đến truy thu Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phổ Quang một khoản tiền không nhỏ. Đó cũng là một phần nguyên nhân mà mới đây, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phổ Quang đã phải đổi chủ.

Một lãnh đạo cũ của bệnh viện thừa nhận không cáng đáng nổi nợ nần, trong khi lượng bệnh nhân ngày càng ít ỏi. Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phổ Quang đã “về tay” chủ mới. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng Đạo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phổ Quang (hiện nay) cho biết: “Bệnh viện chuẩn bị đổi tên thành Bệnh viện Tân Sơn Nhất và đang có những cố gắng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm phục vụ bệnh nhân tốt hơn”.

Dù không thẳng thắn công khai tình trạng bệnh viện “đứng bên bờ vực” do không cân đối được thu - chi, lượng bệnh nhân ngày càng vắng, nhưng dư luận ngành y tế cũng đang đặt vấn đề về việc sống dở, chết dở của một số bệnh viện tư nhân. Với quy mô, cơ sở vật chất khá hiện đại, thu hút được đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao nhưng Bệnh viện Đa khoa P. ở quận Tân Phú cũng phải đối mặt với khó khăn và thách thức vì chi phí cao, bệnh nhân ít.

Thực tế này cũng đang đè nặng lên không ít bệnh viện tư nhân khác như Bệnh viện Đa khoa M.Đ ở quận Tân Bình, Bệnh viện V. ở quận Gò Vấp. Tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Văn Thiệp, Giám đốc điều hành một bệnh viện đa khoa tư nhân, thổ lộ: “Cái khó là uy tín, chất lượng điều trị của bệnh viện. Bệnh nhân là cột sống của bệnh viện nhưng nếu bệnh viện không uy tín, không chất lượng thì khó mà sống nổi”.

Thậm chí, một số bệnh viện được đầu tư rất hiện đại, dịch vụ chăm sóc chẳng khác nào “khách sạn 3 - 4 sao” nhưng không phải người dân nào cũng đủ điều kiện để vào. “Tôi cũng nhận được thông tin một số bệnh viện tư đang rao bán, kể cả bệnh viện tương đối lớn”, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng thư ký Hội hành nghề y tư nhân TPHCM, cho biết.

Bài toán khó

Hiện nay TPHCM có khoảng 32 bệnh viện tư nhân. Lớn nhất là Bệnh viện Triều An với quy mô 500 giường, thứ đến là Bệnh viện Hoàn Mỹ 200 giường, Bệnh viện Tâm Đức 200 giường và Bệnh viện Việt Pháp (của nước ngoài). Phần lớn bệnh viện tư khác có khoảng 150 giường trở xuống. Hai năm gần đây sự phát triển của bệnh viện tư khá nhanh, thể hiện nhu cầu tất yếu của xã hội, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, đa phần người quản lý bệnh viện là bác sĩ. “Anh em bác sĩ cùng nhau lập ra bệnh viện. Cho nên bác sĩ trở thành nhà đầu tư. Khi đó vấn đề đặt ra là quản lý, mà bác sĩ khó có đầu óc tài chính”, bác sĩ Tùng nói.

Thực tế cho thấy, một khi đi vào hoạt động, bệnh viện tư nhân phải đối mặt với những vấn đề tài chính, tái đầu tư, khấu hao tài sản. “Tài sản hư hao mà không bù đắp được thì dẫn đến phá sản. Mà vấn đề này rất lớn, hiếm bác sĩ có khả năng phân tích được”, một lãnh đạo bệnh viện tư nhân trần tình. Do đó, nói như bác sĩ Tùng thì đấy là “sự đầu tư lãng mạn của bác sĩ”.

Theo lãnh đạo một số bệnh viện tư, đầu tư bệnh viện không đơn giản. Bệnh viện tư phải có sự khác biệt với bệnh viện công, tức phải hấp dẫn, phải tránh rủi ro cho người bệnh, nghĩa là phải đủ trang thiết bị, xây dựng đúng quy trình, cẩn trọng trong việc tuyển và đào tạo nhân sự. Trong khi đó, việc thương mại và chuyên môn trong bệnh viện tư phải song hành và quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa giảm thiểu rủi ro cho người bệnh, viện phí phù hợp với cộng đồng xã hội, vừa có khả năng tái đầu tư.

Lý giải về tình trạng một số bệnh viện tư bị rao bán, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cho rằng có 2 vấn đề. Một là khi Luật Khám chữa bệnh được thi hành, sắp tới một số bệnh viện tư nhỏ được thẩm định lại sẽ không đủ tiêu chuẩn. Nên muốn tồn tại thì chỉ là phòng khám đa khoa, và có thể cơ cấu lại tài chính. Thứ hai, bệnh viện lớn hoạt động không hiệu quả cần cơ cấu lại do chưa phù hợp về chuyên môn, tổ chức. “Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, bệnh viện tư là một lĩnh vực kinh doanh và không quản lý tốt thì khó tồn tại”, bác sĩ Tùng đánh giá.

Trước thực trạng này, xem ra cần có những hỗ trợ và chính sách kịp thời để hồi sinh cho các bệnh viện đang sống dở, chết dở, giúp giảm tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục