Hát Bả trạo, hình thức diễn xướng dân gian của ngư dân miền biển huyện Núi Thành, Quảng Nam vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hồi tháng 9-2015. Tuy nhiên, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này vẫn còn ngổn ngang, khi những người già đi qua, còn lớp trẻ không mặn mà.
Đội hát Bả trạo xã Tam Hòa diễn xướng
Hiếm nghệ nhân
Hát Bả trạo là hình thức diễn xướng dân gian của ngư dân mang tính cộng đồng trên vùng cát ven biển, đặc biệt từ vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng kéo dài đến Bình Thuận. Hát Bả trạo là vừa hát vừa kèm động tác múa, tay nắm chắc mái chèo (trạo còn gọi là người chèo thuyền). Trên sàn diễn, người hát xướng có một mô hình chiếc thuyền rồng được trang trí với nhiều màu sắc. Theo tục lệ, hàng năm vào tháng Giêng có lễ cầu ngư, cúng cá Ông, người dân thường hát diễn xướng, nghi thức này mang tính tâm linh và lời hát Bả trạo diễn cảnh biển cả sóng lớn, đời sống ngư dân miền biển. Hát Bả trạo ra đời từ xa xưa cùng với hát bội, ngư dân truyền nhau từng lời hát.
Hiện nay, 5 xã miền biển của huyện Núi Thành đang có 5 đội hát Bả trạo. Tuy nhiên, những nghệ nhân gạo cội ngày càng ít, như ở xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, chỉ còn ông Lê Văn Minh (81 tuổi, thôn Đông Tân), là nghệ nhân duy nhất hiện nay vừa hát vừa sưu tầm, ghi chép, sáng tác các chương hát Bả trạo.
Từ năm 15 tuổi, ông Minh đã rời quê theo cha đi biển xa và sinh sống nhiều năm tại Ninh Thuận, ông Minh kể: “Hồi đó nghe người ta hát Bả trạo, tôi thích lắm, kiểu hát như hát bội ở ngoài quê. Nhưng lúc đó tôi là người lạ nên chỉ ngồi nghe chứ không dám xin hát”. Sau những năm 1970, ông Minh về lại xã Tam Hòa tiếp tục đi biển và viết một mạch những câu hát Bả trạo. Những câu chữ trong lời hát đều sử dụng từ Hán - Việt, từ cổ mà đến nay ông còn nhớ được như: Sao mai vừa lố mọc/Troàn bả trạo gay chèo… Nhứt nhứt đồng hành ngư dân dã/Phong lưu biển Bắc cổ nghiệp lai. Ông Minh phân tích, từ “Troàn” cổ xưa là “toàn”, “nhứt nhứt” có nghĩa “nhất nhất” và tâm đắc với những câu “Phong lưu biển Bắc cổ nghiệp lai” thể hiện nghề ngư dân ở miền biển phía Bắc Tổ quốc là nghề cha ông để lại. Con cháu noi theo mà phát triển kinh tế, vững tay chèo, bảo vệ Tổ quốc.
Tham gia hát Bả trạo gồm những ngư dân được chọn ra làm Tổng mũi, Tổng khoang và người chỉ huy con thuyền gọi là Tổng lái, cùng với các thành viên của đội từ 10-14 người (gọi con chèo hay con trạo). Người diễn xướng theo những động tác trên sông nước, người xướng Tổng lái hát mở màn, đến Tổng mũi, Tổng khoang. Ông Minh nói rằng, hồi xưa, dân làng biển chỉ cần nghe chiêng trống đánh là từ già đến trẻ ngồi tụ lại nghe say sưa. Khi hát Bả trạo người ta mặc trang phục áo bà ba màu đen, rồi cắt giấy màu dán lên áo chứ không như bây giờ. Thời kháng chiến, khi nghe hát, cũng giúp người dân tạm quên những nỗi đau để tiếp tục sống và chiến đấu.
Tại xã Tam Hòa hiện chỉ còn 3 người hát chính, trong đó ông Minh vừa hát vừa sáng tác các bài Tế sống, hát khánh thành lăng, hát công nhận xã văn hóa, hát biển đảo Việt Nam, đặc biệt là 4 bài hát lễ cầu ngư.
Dễ mai một
Ông Phạm Văn Nên, Trưởng phòng VH-TT huyện Núi Thành, kể: “Ngày xưa người dân hát theo từng vạn chài, không nhất thiết theo điểm hành chính, mỗi vạn chài đều có một lăng do dân tự góp tiền xây dựng để thờ cá Ông và có đội hát riêng. Còn bây giờ, huyện cố gắng mới thành lập được 5 đội hát ở 5 xã miền biển nhằm bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hát Bả trạo. Hiện người già hát tốt chỉ còn khoảng 5 người, còn giới trẻ lại không có điều kiện học hát Bả trạo”. Nếu ngày xưa, ngư dân đi biển chỉ 1-2 ngày rồi về và thường dành thời gian để hát, còn bây giờ đi biển xa bờ cả tháng, riêng thanh niên không đi biển thì học hành, làm ăn xa… nên việc tiếp nối phong trào hát Bả trạo rất khó khăn, đòi hỏi sự say mê chứ không thể làm giàu cho người hát, thậm chí còn phải gánh thêm chi phí nặng.
Ông Nên cho biết: “Sắp tới sẽ mời nghệ nhân Lê Văn Minh chúng tôi lên hát để ghi đĩa, rồi cấp cho các xã để làm tư liệu huấn luyện cho lớp nghệ nhân kế cận. Nếu được quan tâm đúng mức việc học hát Bả trạo một cách bài bản chỉ cần 3 tháng là thành thạo”.
Tại huyện Núi Thành, khách tham quan chủ yếu đi lẻ, ít theo tour, hoạt động du lịch manh mún. Ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, đặt vấn đề: “Phải có du khách đi theo tuyến nhiều, rồi ra đảo Tam Hải hay tham quan Bàn Than, lúc đó mới tổ chức cho ngư dân chuẩn bị ghe thuyền để phục vụ khách nghe hát Bả trạo thì mới có cơ hội làm sống lại loại hình nghệ thuật này”.
PHÚ NHIÊU