Hát bội hết còn “hành tội”

Đã qua rồi cái thời Hát bội hành tội người ta (tên một tác phẩm của tác giả Nguyễn Thị Kiều Diễm), khi khán giả mộ điệu đến với hát bội đến quên cả công ăn chuyện làm; sân đình không còn chỗ ngồi cho bà con tới trễ. 
Các nghệ sĩ vẽ mặt, hóa trang trước khi buổi diễn bắt đầu. Tùy theo vai diễn, khuôn mặt có khi phải mất hơn 1 giờ để vẽ Ảnh: Dương Rkudo
Các nghệ sĩ vẽ mặt, hóa trang trước khi buổi diễn bắt đầu. Tùy theo vai diễn, khuôn mặt có khi phải mất hơn 1 giờ để vẽ Ảnh: Dương Rkudo
Hát bội bây giờ chỉ là những buổi diễn nhỏ ở đình, đám cúng miễu mỗi dịp lễ Kỳ Yên hay cúng tế, người nghệ sĩ đến, rồi ra về trong lặng lẽ. Sau bức rèm nhung là câu chuyện cuộc đời với nhiều nỗi xót xa và luôn canh cánh bên lòng một tâm tư nặng trĩu “hát bội bây giờ, còn mấy người đâu”.
Tằm chết mới hết vương tơ
“Coi còn thiếu ai nữa không để tui gọi điện luôn nha!”. Ông Năm Hoàng (55 tuổi, nghệ danh Thanh Hoàng, ngụ quận 8) vừa đi tới đi lui tìm chỗ đẹp nhất để đặt bàn thờ Tổ, rồi tranh thủ gọi điện thoại cho từng anh chị em trong đoàn hát chưa tới. Thời hoàng kim của hát bội đã lui về quá vãng, đoàn hát bây giờ cũng không còn như xưa. Người nghệ sĩ phải kiêm luôn những việc hậu đài, mỗi người phụ một tay một chân dựng sân khấu, treo cờ, treo lộng. Cánh nữ thì lo phần trang phục, áo mão, phấn son…
Ông Năm lớn lên từ những gánh hát bội, nối nghiệp ba mẹ cũng theo nghề hát, kép phụ rồi kép chính, đi theo đoàn hát bội khắp các sân khấu, đình, miễu trong thành phố rồi lang bạt cùng những ghe hát, xuôi về miền Tây để phục vụ bà con. Vậy mà bây giờ, ông cũng không dám nhận mình là bầu hát, hỏi đến hát bội, ông Năm Hoàng lại thở dài: “Hát bội bây giờ, còn mấy người đâu!”.
Bởi lớn lên từ những gánh hát ngày xưa, nên tình yêu hát bội dường như thấm vào trong máu của những người nghệ sĩ còn theo nghiệp làm đào, làm kép hôm nay. Nhiều đoàn hát bội tan rã từ lâu, mỗi người tứ tán một nơi để mưu sinh, nhưng đã ăn cơm Tổ thì nguyện theo nghề. Ông Năm Hoàng cùng vài người bạn vẫn bám trụ nghề hát bội, dù mỗi năm chỉ được đôi lần hát nơi sân đình, sân miễu. “Có đoàn, có gánh gì đâu mà có bầu hát. Anh em còn mê hát bội nên giữ liên lạc với nhau, hễ có đám hát ở đình hay miễu người ta mời thì mình gọi nhau tới. Chủ yếu là được hát thôi, chứ khán giả bây giờ cũng không có mặn mà như xưa, chủ yếu là mấy cô bác lớn tuổi”, ông Năm Hoàng chia sẻ.
Còn với dì Hai Hường (ngụ Bình Chánh), ngày nào còn được đứng trên sân khấu thì mừng ngày đó. “Cũng gần 50 rồi, nhưng vẫn làm đào chính. Cứ như gánh hát thời xưa thì không được, vì đào chính phải trẻ, đẹp, hát hay. Bây giờ, có ai theo nghề nữa đâu mà thay thế. Còn hát được tới đâu hay tới đó. Kiếp tằm thì phải nhả tơ, khi nào không còn hát được nữa thì thôi”, dì Hai Hường ngậm ngùi chia sẻ.
“Ông hoàng, bà chúa” cũng lao đao
Không còn những tràng pháo tay nồng nhiệt từ khán giả, cũng không dám mơ những vinh hoa, hào quang của sân khấu. Nghệ sĩ hát bội bây giờ cũng không dám mong ước cao xa, chỉ mong còn chỗ để được sống với nghề, được làm đào, làm kép… vậy thôi. Như lời hát: Khép cánh màn nhung danh vọng hết, người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn, trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường (vở Hoàng Ngọc Liên). Bức rèm nhung khép lại thì ông hoàng, bà chúa cũng phải tảo tần với đủ mọi công việc để mưu sinh. Vai chính diện hay phản diện, quân hầu, hay tướng sĩ… nhưng vai diễn trong cuộc sống ngày thường, với miếng cơm manh áo luôn khắc nghiệt với tất cả. Lấy cái nghề để nuôi nghiệp diễn. “Trên sân khấu lúc vai thiện, vai ác, làm ông hoàng thì một bước có quân hầu, quân sĩ dạ, thưa. Chứ ngày ngày cũng phải ráng chạy xe ôm để kiếm cơm. Đi hát mình mê mình theo thôi, hát bội bây giờ đâu phải như xưa, nhiều bữa hát xong, tiền chỉ đủ son phấn, với xăng xe đi lại là mừng lắm rồi”, kép Thái Hòa (Đoàn hát bội Ngọc Khanh) tâm sự.
Cô Ngọc Khanh, bà bầu Đoàn hát Ngọc Khanh chia sẻ, anh em theo nghề ai cũng vất vả, chạy xe ôm, bán kẹo kéo, bán tạp hóa… để có thể mưu sinh. Người ở Tiền Giang, người Đồng Nai, Biên Hòa… có đám hát đình, hát lễ Kỳ Yên thì thông báo cho nhau tới. Nhiều bữa hát xong, đào chính, kép chính còn được 500.000 - 600.000 đồng, còn vai hầu hay quân sĩ cũng chỉ chừng 200.000 đồng. Trừ tiền xe cộ đi lại, son phấn…, đâu còn được bao nhiêu, có khi còn không đủ. Cô Ngọc Khanh nói: “Nghề hát bội bây giờ ngậm ngùi lắm, theo nghề vì tình yêu chứ tiền bạc nhiều khi chia ra mà rớt nước mắt. Thương anh em trong đoàn vất vả, nhưng cũng không biết làm sao hơn”.
Bươn chải đủ cách để mưu sinh mà theo nghiệp diễn, ông Năm Hoàng còn nhận luôn cả việc hát pháo hoàng trong các đám ma ở vùng ven thành phố. Cũng là một kép chính trong những vai ông hoàng, tướng lĩnh lẫy lừng, nhưng giờ đây khi hơn nửa đời người, cũng không câu nệ chuyện hát ở sâu khấu hay hát đình, hát đám nữa. “Không có sân khấu thì hát pháo hoàng trong mấy đám ma cũng không sao, có chỗ để mình kiếm cơm mà hơn hết là đỡ nhớ nghề, chứ hát đình hay miễu thì một năm cũng đâu được mấy lần. Ở nhà làm chuyện này, chuyện kia cũng không quên được nghề hát”, ông Năm ngậm ngùi chia sẻ
Có bữa đám cúng đình, cúng miễu, người ta mời cho bữa cơm, còn không thì ăn tạm đĩa cơm bụi, ổ bánh mì cũng xong. Có chỗ thì mắc võng ngả lưng, còn không thì cứ chiếu mà trải ra rồi ngủ tạm sân đình, sân miễu… Chật vật, vất vả là thế, nhưng cũng không ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề. “Tới cuối đời, cũng chỉ mong được hát thôi. Lỡ có chết thì chết trên sân khấu là mãn nguyện rồi”, ông Năm Hoàng tâm sự.
Còn duy trì được đoàn hát bội hơn 30 người thì cũng đã là một cố gắng lớn của Đoàn hát bội Ngọc Khanh. Nhưng khi hỏi đến chuyện tìm người nối nghiệp, hay đào tạo nghệ sĩ trẻ, cô Ngọc Khanh chỉ thở dài: “Bây giờ, sao dám nhận thêm ai, tiền đi hát nhiều khi bù qua son phấn còn không đủ, làm sao mà theo nghề nổi”. Tiếng thở dài của cô cũng như tiếng thở dài của nghề hát bội. Liệu mai này khi thế hệ của các cô, các chú đi qua thì hát bội có còn không. Và mai này giữa muôn ngàn loại hình giải trí khác, khán giả có còn mộ điệu với hát bội. Sân đình, sân  miễu, lễ Kỳ Yên liệu còn ai nhớ những gánh hát bội, những “ông hoàng, bà chúa”…?

Tin cùng chuyên mục