Hậu bắt cóc con tin ở Algeria: Phương Tây lo lắng

Hãng Reuters ngày 18-1 đưa tin một số tay súng bắt cóc con tin vẫn đang ẩn náu tại khu khai thác khí đốt ở Amenas, Algeria và có khoảng 60 con tin người nước ngoài bị giam giữ ở đây. Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn của phương Tây là những gì mà các phần tử cực đoan sẽ làm tiếp theo sau vụ trả đũa đầu tiên nhằm vào chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali.
Hậu bắt cóc con tin ở Algeria: Phương Tây lo lắng

Hãng Reuters ngày 18-1 đưa tin một số tay súng bắt cóc con tin vẫn đang ẩn náu tại khu khai thác khí đốt ở Amenas, Algeria và có khoảng 60 con tin người nước ngoài bị giam giữ ở đây. Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn của phương Tây là những gì mà các phần tử cực đoan sẽ làm tiếp theo sau vụ trả đũa đầu tiên nhằm vào chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali.

  • Các phong trào thánh chiến lan rộng

Mathieu Guidere, chuyên gia về phong trào Hồi giáo của trường Đại học Toulouse 2 (Pháp), khẳng định: cuộc tấn công của Pháp tại Mali đã dẫn đến vụ bắt cóc tại Algeria. “Tiểu đoàn máu”, tổ chức thực hiện vụ bắt cóc, là nhóm các tay súng đến từ Algeria, Tunisia, Mauritania, Libya, Mali… Nhóm cực đoan trên không tống tiền mà chỉ yêu cầu Pháp chấm dứt hành động quân sự tại Mali. Theo giáo sư Guidere, vụ bắt giữ đã phản ánh phong trào thánh chiến đang lan rộng tại khu vực cận Sahara mà cụ thể là ở Sahel. Ông Guidere cũng cho rằng chiến dịch quân sự của Pháp tại Mali sẽ khó đẩy lùi các phong trào thánh chiến mà chỉ dẫn đến các kết quả bất lợi cho Pháp cũng như các lợi ích của các quốc gia phương Tây tại khu vực châu Phi.

Binh sĩ Pháp được đưa đến Mali.

Binh sĩ Pháp được đưa đến Mali.

Thực chất, theo Giáo sư Andre Bourgeot, Giám đốc nghiên cứu thuộc Trường nghiên cứu khoa học xã hội cao cấp (EHESS) của Pháp, cuộc can thiệp vào Mali lần này có thể là cách làm cổ điển trong chính sách châu Phi của nước Pháp. Trước đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã từng cho biết muốn chấm dứt chính sách này.

Rất nhiều ý kiến khác thì cho rằng hành động can thiệp của Pháp tại Mali lần này giống với chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Libya M.Gaddafi. Nếu Pháp can thiệp vào Libya vì dầu lửa thì lần này can thiệp vào Mali để bảo đảm an ninh cho các tập đoàn Pháp đang giành quyền khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản của Mali và khu vực, nhất là uranium phục cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp và xuất khẩu. Uranium đang được các công ty Pháp khai thác tại các mỏ ở phía Bắc Niger, khu vực sa mạc gần với Mali. Trong 40 năm qua, Công ty AREVA của Pháp đã giành độc quyền khai thác urani tại các mỏ nằm cách thủ đô Niamey của Niger 500 km.

  • Cuộc chiến dài hơi?

Sau khi quân đội Pháp bắt đầu chiến dịch quân sự trên không và trên bộ, các tay súng Hồi giáo Mali đe dọa sẽ biến xung đột thành cuộc nội chiến trên cả nước. Thủ lĩnh Phong trào thống nhất và thánh chiến Tây Phi Abou Dardar, một trong những nhóm Hồi giáo hoạt động tại Mali, tuyên bố các chiến binh Hồi giáo sẽ tấn công Pháp ở khắp nơi, từ thủ đô Bamako của Mali, châu Phi rồi đến châu Âu.

Khi chiến dịch tại Mali diễn ra được vài ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết các nỗ lực quân sự của lực lượng Pháp tại Mali có thể kéo dài vài tuần và quân đội Pháp sẽ không hiện diện lâu dài tại Mali. Tuy nhiên, nhà chính trị học và xã hội học người Pháp Michel Galy cho rằng nguy cơ đối với quân đội Pháp là chiến sự leo thang, quân đội Pháp có thể phải đối mặt với một cuộc chiến kéo dài. Nhà phân tích Mark Doyle của hãng tin BBC cũng có chung nhận định với ông Michel Galy khi cho rằng cuộc chiến không thể chấm dứt trong vài tuần. Ông Doyle còn cho biết hiện nay, lực lượng Hồi giáo tại Mali có khoảng vài ngàn chiến binh được bố trí rải rác ở khắp khu vực phía bắc Mali được trang bị các loại vũ khí hiện đại và luôn mang sẵn trong mình tư tưởng chiến đấu đến cùng.

Chính vì tình hình căng thẳng tại Mali mà các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) đã phải nhóm họp khẩn cấp ngày 17-1 tìm cách hỗ trợ Pháp. Cuộc chiến tại Mali chưa biết bao giờ kết thúc nhưng giờ đây phương Tây đang phải đối mặt với những lo âu về các kịch bản tiếp theo sau vụ bắt giữ con tin ở Algeria. 

Đỗ Cao (tổng hợp)

- Thông tin liên quan:

>> Vụ bắt cóc con tin tại Algeria - Phiến quân “phản pháo” chiến dịch quân sự ở Mali

>> Diễn tiến chiến dịch giải cứu con tin tại Algeria

Tin cùng chuyên mục