Hậu Giang cần xây dựng chính quyền đối thoại, cầu thị để vươn lên

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận mạnh: “Hậu Giang cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đối thoại, cầu thị để vươn lên".
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các nhà đầu tư. Ảnh: CAO PHONG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các nhà đầu tư. Ảnh: CAO PHONG

Sáng ngày 28-9, tại tỉnh Hậu Giang đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư “Hậu Giang - Tiềm năng đầu tư và phát triển”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và chủ trì Hội nghị. 

"Doanh nghiệp gặp khó, chính quyền kịp thời tháo gỡ"

“Hậu Giang chưa nằm trong tốp có chỉ số năng lực cạnh tranh công bố hàng năm nhưng một số chỉ tiêu tích cực cho thấy Hậu Giang đang có những nỗ lực đáng kể. Hậu Giang từng đứng đầu cả nước về chỉ số gia nhập thị trường năm 2015. Trong năm 2016, Hậu Giang tiếp tục khẳng định là tỉnh tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai trong đầu tư, kinh doanh khi được đánh giá xếp hạng 6/63 tỉnh, thành cả nước. Các chỉ số khác như số ngày làm thủ tục ĐKKD chỉ mất bình quân 5 ngày; đứng thứ 2 cả nước trong việc giải quyết những hồ sơ đơn giản cấp trong 1 ngày… là những điểm nổi bật của tỉnh Hậu Giang được doanh nghiệp đánh giá cao trong năm qua. Đây là những điểm cộng quan trọng đối với doanh nghiệp khi quan tâm đầu tư vào Hậu Giang”, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ.

     Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị 
 Rất nhiều nhà đầu tư đã đăng đàn phát biểu tại hội nghị. Trong đó, hầu hết các nhà đầu tư nhấn mạnh đến sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp. Trong đó, các nhà đầu tư đánh giá cao chính sách thu hút đầu tư của Hậu Giang như: Có cơ chế thu hút đầu tư rõ ràng, minh bạch; Các dự án được thừa hưởng cơ chế ưu đãi cao nhất; Lãnh đạo địa phương cởi mở, tận tâm hỗ trợ từ thủ tục nhỏ nhất; Doanh nghiệp gặp khó, chính quyền kịp thời tháo gỡ khó khăn; Doanh nghiệp đầu tư vào Hậu Giang không còn tâm lý tự ti...
“Hậu Giang đã có cách làm thiết thực khi liên kết hợp tác với các tỉnh liền kề hỗ trợ lẫn nhau. Đây là cách làm tốt. Các địa phương muốn đi xa phải cùng nhau đi, cùng chia sẻ. Các nhà đầu tư đã đặt niềm tin vào chính quyền địa phương ngày càng rõ nét. Đây là yếu tố quan trọng để tạo cơ sở cho Hậu Giang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh
Tỉnh Hậu Giang có diện tích tự nhiên khoảng 160.000ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 87% với tổng dân số trên 772.000 người (trên 70% dân số trong độ tuổi lao động).

Tỉnh này đang trong thời kỳ dân số vàng, được xem là nguồn lực quan trọng và là điều kiện thuận lợi để phát triển các lĩnh vực kinh tế xã hội. Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 4.319 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 45.447 tỷ đồng; 46.211 hộ kinh doanh với tổng vốn đăng ký 3.005 tỷ đồng; thu hút 489 dự án trong nước với tổng vốn 123.413 tỷ đồng và 5 dự án xác nhận ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn 1.030 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 809 triệu USD. Trong đó, các khu, cụm công nghiệp tập trung của tỉnh có 40 nhà đầu tư thực hiện 47 dự án với tổng vốn đầu tư trong nước 68.108 tỷ đồng; ngoài nước là 764 triệu USD.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, nhấn mạnh: Ngoài các chính sách ưu đãi chung, Hậu Giang còn có những chính sách ưu đãi riêng cho các nhà đầu tư, như: Miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 10% miễn từ 11 đến 15 năm tiền thuê đất, thuê mặt nước. Đồng thời, tỉnh sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào tỉnh theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định…

Hậu Giang cần quan tâm thích đáng đến vấn đề môi trường

Hậu Giang là tỉnh giáp Cần Thơ, trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ của vùng Tây Nam bộ. Nếu các cụm doanh nghiệp phát triển đều xoay quanh các đô thị trung tâm như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hài Phòng… thì Hậu Giang là một điểm đến khá thuận tiện. Khi trung tâm logistic và hệ thống cảng biển hoàn thiện tại Cần Thơ cùng với hệ thống dịch vụ thương mại và tài chính thì các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại Hậu Giang có một thuận lợi lớn trong tiếp cận các dịch vụ hữu ích này.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận mạnh: “Hậu Giang cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền đối thoại, cầu thị để vươn lên. Cần phát triển nền sản xuất nông nghiệp phong phú, đa dạng gắn với công nghệ cao. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Cần chú trọng quảng bá, phát triển mạnh mẽ du lịch gắn với vùng sông nước miệt vườn. Hậu Giang cần quan tâm thích đáng đến vấn đề môi trường để phát triển bền vững. Đối với ĐBSCL, phải hạn chế tối đa sử dụng các công nghệ lạc hậu, nhất là điện than”.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL phải tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp để hội nhập sâu rộng với các thị trường lớn. Trong đó phải phấn đầu tạo ra nhiều sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà phải đặt chân vào thị trường xuất khẩu EU, Mỹ và nhiều nước khác.

Tin cùng chuyên mục