Nông sản Hậu Giang nổi tiếng với những thương hiệu độc đáo như bưởi hồ lô, khóm Cầu Đúc, cá thát lát, cá rô đầu vuông… Nông dân Hậu Giang luôn cần cù, sáng tạo. Và ở đó có cả những cán bộ luôn bám sát và quan tâm đến đời sống của người dân để đề xuất những giải pháp mang tính đột phá trong nông nghiệp.
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Hậu Giang. Ảnh: CAO PHONG
Thế mạnh đặc thù
Những ngày này, tỉnh Hậu Giang đã sẵn sàng cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, Hậu Giang tiếp tục xác định nhiệm vụ đột phá trong thời gian tới là: “Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cơ sở tổ chức có hiệu quả các hình thức kinh tế tập thể, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới…”. Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết tỉnh mới thành lập chưa lâu, với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng thương mại nói riêng của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ. Tuy nhiên, giai đoạn 5 năm (2010-2015), lĩnh vực thương mại dịch vụ đã gặt hái được nhiều thành công ngoài mong đợi. Điều này thể hiện rõ qua kết quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2010-2015 đạt 13,1%. Đời sống nhân dân đã có bước cải thiện rõ nét, giá trị gia tăng bình quân đầu người năm 2015 đạt 35,82 triệu đồng/người (tương đương 1.690 USD).
Tỉnh có diện tích trồng lúa khá lớn, với 82.000ha, diện tích gieo trồng lúa hàng năm gần 210.000ha/3 vụ. Lúa là cây chủ lực của địa phương nên được quan tâm đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng. Theo Sở NN-PTNT Hậu Giang, trong năm 2014, năng suất lúa bình quân của tỉnh đạt 6,08 tấn/ha, sản lượng 1,2 triệu tấn; có 29.000ha vườn cây ăn trái với sản lượng khoảng 262.095 tấn/năm. Hậu Giang còn có diện tích đất trồng mía và khóm (dứa) lớn trong cả nước. Thủy sản cũng là lĩnh vực có thế mạnh thứ hai sau cây lúa và có nhiều tiềm năng phát triển. Một số loài thủy sản ở Hậu Giang đã đăng ký nhãn hiệu và được thị trường cả nước biết đến như: cá thát lát, cá rô …
Trong những năm qua, góp thêm giải pháp tiêu thụ nông sản cho địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh đã cho in nhiều hình ảnh của: lúa, mía, cá… lên danh thiếp của ông. “Tấm danh thiệp nông sản” cũng là một phần thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương trong sản xuất, phát triển nông nghiệp.
“Đề án 1.000” phát huy hiệu quả
Năm 2014, Hậu Giang triển khai “Đề án 1.000” nhằm xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Vì sao đặt tên “Đề án 1.000”? Ông Nguyễn Văn Đồng (Chín Đồng), Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cũng là người “thiết kế” đề án, giải thích: Đề án này gắn với một số lĩnh vực, trong đó lấy đơn vị 1.000ha đất hoặc 1.000 hộ dân để triển khai mô hình nên chúng tôi gọi đơn giản là “Đề án 1.000”. Đề án này có 4 hợp phần, giai đoạn 2014-2016 chuyển đổi 1.000ha lúa vụ 3 sang 2 lúa - 1 màu và 2 lúa - 1 thủy sản; 1.000ha đất trồng mía kém hiệu quả sang cây trồng khác; 1.000ha vườn tạp sang cây trồng khác có giá trị kinh tế và 1.000 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học kết hợp gà thả vườn, chuồng trại khép kín an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường… Mục tiêu để giúp nông dân khi chuyển đổi sẽ tăng thêm giá trị sản xuất 1,5 - 2 lần trên cùng diện tích canh tác.
Lão nông Võ Văn Quới ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, được vay hơn 100 triệu đồng để nuôi heo theo mô hình đệm lót sinh học đã giúp gia đình ông vươn lên khá giả. Trong khi đó, ông Lê Trường Sơn ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, vay vốn từ đề án để chuyển đổi lúa vụ 3 (thu đông) sang nuôi cá trên ruộng. Gia đình ông vừa bán khoảng 1 tấn cá, lãi hơn 20 triệu đồng. Đây là hai điển hình trong số hàng ngàn nông dân Hậu Giang đã cải thiện được thu nhập. Hậu Giang cũng là tỉnh tiên phong đưa kỹ sư nông nghiệp về xã để hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Đến nay, 74/74 xã, phường của tỉnh có kỹ sư. Đây cũng là cơ sở để Hậu Giang đột phá giảm giá thành sản xuất lúa. Cách đây hơn 10 năm, khi mới chia tách, Hậu Giang luôn là tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao nhất trong vùng khoảng 4.000 - 4.200 đồng/kg nhưng hai năm qua, nhờ có đội ngũ cán bộ kỹ thuật bám sát, hỗ trợ nông dân thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác đã giúp hạ giá thành sản xuất lúa xuống còn 2.700 - 2.800 đồng/kg (một trong những tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp nhất khu vực ĐBSCL). Đây được xem là giải pháp hiệu quả giúp nông dân nâng cao thu nhập.
VĨNH TƯỜNG