Hậu quả của sự tắc trách

Bãi giữ xe 2 bánh trái phép chiếm dụng vỉa hè đang hoạt động nhộn nhịp ngày cũng như đêm tại TPHCM. Đặc biệt, từ 14 giờ trở đi các bãi xe mọc lên như nấm sau mưa. Hầu như nơi nào có nhà hàng, quán nhậu, dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí... là nơi đó có sự tồn tại của bãi xe trái phép. Tại khu vực trung tâm TP, người dân vào đây phải chịu mức giá “chặt chém” nhiều nơi thu đến 10.000 đồng/lượt. Có những bãi xe chiếm dụng được vỉa hè của những tuyến đường đắc địa còn tỏ thái độ bất cần, thậm chí cư xử hồ đồ khi ai đó thắc mắc về giá. Dư luận thắc mắc vì sao có sự làm mưa làm gió này?

Hạ tầng giao thông TPHCM đang quá tải, trong đó có sự quá tải về chỗ đậu xe - hệ quả của việc quản lý, quy hoạch đô thị không theo kịp sự phát triển, điều này ai cũng rõ. Tính đến hết tháng 8-2011, phương tiện giao thông của TPHCM đã lên đến 5,3 triệu phương tiện, trong đó có 0,47 triệu ô tô (chiếm gần 1/3 tổng số ô tô của cả nước) và 4,83 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Chưa kể mỗi ngày trên 1 triệu xe mô tô, xe gắn máy hai bánh và khoảng 60.000 ô tô mang biển số của các tỉnh thành khác vào TPHCM.

Trong khi diện tích bến bãi đổ xe tại TP chỉ chiếm 0,1% diện tích đô thị! Vậy mà việc triển khai quy hoạch các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm TP lại quá ì ạch. Trong 7 vị trí ban đầu TP quy hoạch làm bãi đậu xe ngầm, sau khi điều chỉnh thì nay chỉ còn có 4 bãi tại công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng, nhưng vẫn chưa có dự án nào khởi động. Đã vậy, hàng loạt cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, nhất là ở khu vực trung tâm TP, dù mới xây dựng trong những năm gần đây, nhưng vì tư lợi, các chủ đầu tư - bằng cách này cách nọ - thực hiện không đảm bảo diện tích để xe phục vụ sinh hoạt tại tòa nhà của mình nên lượng xe này đã trào ra vỉa hè, cơ hội cho bãi xe trái phép tiếp tục phát sinh…

Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo từng phát biểu khi bà đương chức: “Dù bến bãi có quá tải nhưng nếu có sự sắp xếp, quản lý tốt của chính quyền địa phương thì phố phường cũng gọn gàng, sạch đẹp, ngăn ngừa các bất ổn phát sinh…”.

Để giải quyết tạm thời vấn đề này, từ cuối năm 2008, UBND TPHCM đã ký ban hành Quyết định số 74 cho phép quy hoạch sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường để tổ chức bãi giữ xe công cộng có thu phí, kinh doanh buôn bán... không ảnh hưởng đến hoạt động giao thông. Căn cứ vào quyết định này, sau hơn 1 năm phối hợp nghiên cứu, khảo sát thực tế, các sở ngành chức năng, chính quyền địa phương đã thống nhất trình UBND TP ban hành Quyết định số 5010, quy định cụ thể danh mục vị trí của từng tuyến đường được quy hoạch tạm thời làm bãi xe công cộng có thu phí, hoạt động kinh doanh buôn bán…

Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua quyết định trên vẫn không được các quận, huyện triển khai. Sự tắc trách, chậm chạp của các quận, huyện làm thiệt hại cho người dân đã rõ, còn ngân sách nhà nước mất đi nguồn thu đáng kể từ phí sử dụng vỉa hè, lòng lề đường và nguồn thu không nhỏ này đã chạy vào túi các đối tượng trục lợi trên vỉa hè. Đã đến lúc, nghịch lý này cần phải được chấm dứt. Còn khi những bãi xe không phép này tiếp tục ngang nhiên tồn tại, dư luận có quyền nghi vấn phải chăng có sự bảo kê, hoặc ngó lơ của chính quyền, đơn vị chức năng ở cơ sở?

Mai Anh

Tin cùng chuyên mục