Hậu thuẫn các doanh nghiệp “đầu tàu”

Trong một hội nghị gần đây về sơ kết 1 năm tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm giàu được bằng nông nghiệp. Đây là nhận định không hề võ đoán mà được xem xét trên những căn cứ thực tế. Bởi Việt Nam là nước có nền nông nghiệp nhiều tiềm năng lợi thế, nhân lực đông, tài nguyên sẵn có và đa dạng… nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức.

Trong một hội nghị gần đây về sơ kết 1 năm tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm giàu được bằng nông nghiệp. Đây là nhận định không hề võ đoán mà được xem xét trên những căn cứ thực tế. Bởi Việt Nam là nước có nền nông nghiệp nhiều tiềm năng lợi thế, nhân lực đông, tài nguyên sẵn có và đa dạng… nhưng chưa được đầu tư khai thác đúng mức.

Nhiều người từ trước đến nay vẫn thường bi quan cho rằng khó mà làm giàu được bằng nông nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào các mô hình của Hà Lan, Israel, Brazil… khi họ xây dựng thành công những mô hình nông nghiệp phát triển mạnh, có năng suất và giá trị kinh tế cao, có nhiều sản phẩm thương hiệu thì chúng ta cũng cần phải xem xét lại chính mình - mặc dù trong nhiều năm qua chúng ta vẫn luôn tự hào là nước xuất khẩu gạo đứng nhì thế giới, kim ngạch xuất khẩu thủy sản và các sản phẩm nông lâm sản nói chung mỗi năm đem lại giá trị đáng kể - như năm 2013 là 27 tỷ USD và luôn xuất siêu. Nền nông nghiệp đã chứng tỏ là hậu phương vững chắc khi nền kinh tế suy thoái.

Thực tế, chúng ta không tin có thể làm giàu bằng nông nghiệp vì nền nông nghiệp của chúng ta vẫn quá nhỏ lẻ manh mún, nhiều nơi vẫn còn đang cảnh “con trâu đi trước cái cày đi sau” do hàm lượng chất xám và suất đầu tư cho nông nghiệp nhỏ giọt; nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao vẫn còn khoảng cách rất lớn. Vì thế, chúng ta xuất khẩu nhiều nhưng sản phẩm không có thương hiệu, kém cạnh tranh trên thị trường thế giới…

Tại nhiều kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu cũng đều than rằng mức đầu tư cho nông nghiệp như vừa qua còn quá thấp và đề nghị phải đầu tư xứng đáng hơn. Từ khi có Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì sự quan tâm đầu tư cho nông nghiệp nông thôn đã cải thiện hơn. Nhưng trong khi mức đầu tư còn ít ỏi thì một thực trạng đang xảy ra là vốn đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất dàn trải, dẫn tới không có sản phẩm, lĩnh vực, địa phương nào thực sự bứt phá. Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, để đầu tư cho nông nghiệp nông thôn thì không chỉ trông chờ ngân sách nhà nước và nhà nước cũng không thể “ôm” hết được. Chính phủ có thể đạt được mục tiêu thông qua nhiều nguồn đầu tư - như ngoài ngân sách là dòng vốn từ chính các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vào nông nghiệp, đặc biệt là qua kênh đầu tư tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Muốn vậy thì Nhà nước phải có chính sách ưu đãi đặc biệt và những quy định cụ thể hơn để các ngân hàng thực sự tin tưởng và mạnh dạn đầu tư và đầu tư có trọng điểm cho những doanh nghiệp có tiềm năng (chứ không nên tràn lan như hiện nay) - đặc biệt là hướng tới các doanh nghiệp “đầu tàu”, đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao và sáng tạo, đầu tư quy mô lớn, có chiến lược làm ăn lớn… Thông qua việc đầu tư có trọng điểm cho các doanh nghiệp “đầu tàu” làm ăn hiệu quả hơn và xây dựng được những sản phẩm có thương hiệu không chỉ trên thị trường nội địa mà còn xuất khẩu, chắc chắn sẽ “góp gió” và tạo cú hích cho nền nông nghiệp, tạo nhiều công ăn việc làm cho người nông dân, tạo ra những sản phẩm đa dạng và có tính cạnh tranh cao, giá trị cao. Đó mới là cách đầu tư hiệu quả, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước nhờ huy động sức mạnh tổng thể của các kênh đầu tư và nền kinh tế. Nếu cứ đầu tư dàn trải theo kiểu cào bằng như hiện nay, sẽ lãng phí vốn mà không đem lại hiệu quả cao như mục tiêu.

Tất nhiên, cùng với thu hút nhiều nguồn đầu tư thì về phía các doanh nghiệp nông nhiệp (cả trong nước và FDI), Nhà nước cũng phải đưa ra cơ chế chính sách để cởi trói cho họ, tạo động lực cho doanh nghiệp làm ăn bằng tài năng, trí tuệ mà họ có thể. Tăng khả năng dự báo và phát triển thị trường nông sản Việt, đầu tư hơn cho cơ sở hạ tầng và nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Đó cũng là cách để các ngân hàng có thể đặt niềm tin vào doanh nghiệp và nền nông nghiệp, để mạnh dạn đầu tư hơn. Bởi từ trước đến nay, các ngân hàng cũng như doanh nghiệp nước ngoài khi nói đến đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam đều cho rằng đó là đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao. Ngân hàng còn chưa tin doanh nghiệp và nền nông nghiệp. Hiện nay, dòng vốn rót cho nông nghiệp nông thôn mới chỉ trông chờ chủ yếu qua hệ thống các ngân hàng nông nghiệp. Các ngân hàng thương mại khác cũng chưa thực sự mặn mà cho nông dân và doanh nghiệp vay. Ngay cả lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp cũng phải “chỉ định” chứ các ngân hàng không muốn tham gia vì ngại rủi ro.

Còn rất nhiều giải pháp nữa cần phải triển khai đồng bộ. Đầu tư xây dựng nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững và hiện đại là mục tiêu lâu dài nhưng ngay từ bây giờ phải có chính sách đúng đắn mới thực sự đạt mục đích. Chúng ta cần triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp nhưng đầu tư thì phải có trọng tâm trọng điểm để tiết kiệm từng đồng vốn và ngân sách.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục