Hậu tràn dầu và nỗi lo ngư dân gốc Việt

Hậu tràn dầu và nỗi lo ngư dân gốc Việt

Vụ giàn khoan dầu Deepwater Horizon ở ngoài khơi Louisiana trên vịnh Mexico bị nổ và chìm khiến hàng triệu lít dầu tràn ra biển suốt mấy tuần qua vẫn được nhắc đến như là một trong những thảm họa tốn kém nhất lịch sử. Tính đến ngày 11-5, Tập đoàn Dầu lửa BP (Anh) cho biết mức thiệt hại của họ đã lên đến con số khổng lồ 350 tỷ USD và con số này chắc chắn vẫn chưa dừng lại. Hệ quả của sự cố trên đang đe dọa cuộc sống của những ngư dân sống chung quanh khu vực bị tràn dầu, trong đó có những ngư dân gốc Việt với nỗi lo trĩu nặng. Hãng tin AFP vừa có bài viết về cuộc sống của ngư dân người Mỹ gốc Việt ở vùng bờ biển quanh vịnh Mexico trước và sau sự cố tràn dầu. SGGP giới thiệu cùng bạn đọc.

Kế sinh nhai bị đe dọa

Cuộc sống của những ngư dân này đang có những xáo động kể từ khi vụ tràn dầu ở vịnh Mexico xảy ra vào ngày 22-4-2010. Chính phủ Mỹ ngày 2-5 đã ra lệnh cấm tất cả các hoạt động đánh bắt thương mại và giải trí trong ít nhất 10 ngày tại các vùng biển bị dầu loang. Tuy nhiên, cho đến nay, việc khắc phục sự cố vẫn chưa được thực hiện rốt ráo nên ngư dân tại vùng biển ở vịnh Mexico vẫn đang sống trong tâm trạng phập phồng.

Hậu tràn dầu và nỗi lo ngư dân gốc Việt ảnh 1
Một mảng dầu lớn trên bờ biển vịnh Mexico. Ảnh: CSMinitor

Hầu như mọi ngư dân, cả công nhân trong các ngành dịch vụ liên quan đến hải sản đều nói họ không biết phải làm gì, trong khi hóa đơn bảo hiểm thì vẫn phải được thanh toán đúng hẹn. Ông Triệu Tâm, ngư dân tại thành phố D’Iberville, Mississippi, có tàu đánh tôm dài hơn 30m làm nghề biển từ năm 1980, cho biết tuần trước có cho tàu ra khơi thử thời vận, nhưng không đánh bắt được gì, vì môi trường ô nhiễm nặng.

Trong khi đó, dư luận nói rằng hãng dầu BP chịu trả một khoảng sơ khởi 5.000 USD, sau đó sẽ đền bù tiếp cho mỗi một giấy đăng ký đánh tôm số tiền được tính toán dựa trên hồ sơ thuế 3 năm gần nhất. Thị trưởng thành phố D’Iberville xác nhận với ngư dân tin này. Thị trưởng Rusty Quave nói: “BP hứa bồi thường dựa vào hồ sơ thuế thu nhập trong 3 năm 2007, 2008, 2009. Thế nhưng, sau khi cơn bão Katrina tàn phá vùng Vịnh, tiếp theo là cuộc khủng hoảng kinh tế, thu nhập của người làm nghề biển và mọi dịch vụ liên quan đều rất thấp. Nếu dựa trên thu nhập trong các năm ấy, ngư dân sẽ bị thiệt”.

Thị trưởng Quave cũng cho biết, giới chức thẩm quyền đang yêu cầu hãng BP gánh vác sơ khởi cho ngư dân, bằng cách trả tiền hàng tháng để thể hiện thiện chí, chuộc lại sai sót nghiêm trọng mà mình đã gây ra. Phía BP chưa trả lời, nhưng hứa sẽ xem xét. Hiện tại nhiều vựa tôm lớn đang gặp khó khăn. Thông thường, thời điểm giữa tháng 5 đến tháng 6 bắt đầu mùa tôm. Các vựa đã quyết định bán hết số tôm còn trong kho, để chuẩn bị nhận hàng mới. Nay thì không có tôm để chế biến và bán ra thị trường.

Trong khi đó, ngay sau khi sự việc xảy ra, một nhóm luật sư thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã được cử đến Louisiana để tìm hiểu những thực trạng đời sống của ngư dân bị ảnh hưởng, đồng thời giám sát việc tổ chức đền bù của BP đối với những đối tượng này. Tuy nhiên, rào cản ngôn ngữ một lần nữa gây khó khăn cho những ngư dân gốc Việt và Campuchia tại đây tiếp cận BP. Những ngư dân đang bị đẩy vào nguy cơ thiếu thông tin liên quan đến chính kế sinh nhai của mình. Điều họ phải làm lúc này chính là… chờ đợi.

Ông Rusty Quave nói rằng, cộng đồng Việt Nam tại các thành phố D’Iberville, Biloxi, tiểu bang Mississippi được xem là có công đầu góp phần duy trì ngành hải sản tại địa phương. Sau cơn bão Katrina năm 2005, rất nhiều người bản xứ bỏ nghề. Chính người lao động Việt Nam cần cù, cật lực, tiếp tục bám trụ địa phương và tiếp tục nghề biển nên ngành hải sản được vực dậy.

Trong khi đó, anh Murphy Lam, 40 tuổi, bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh tôm 5 năm trước sau nhiều năm làm thợ cơ khí ở New Orleans và hiện làm chủ 2 tàu đánh cá. Anh cho biết: “Tôi lo sợ lệnh cấm đánh bắt tôm sẽ kéo dài hơn 1 tháng. Thời gian này đang bắt đầu mùa đánh bắt tôm sau 3 tháng tạm nghỉ ngơi. Số tiền dành dụm cũng đang dần vơi đi.”

Thiệt thòi vì bị phân biệt đối xử

Vùng biển ngoài khơi bang Louisiana là một trong những khu vực đánh bắt nhộn nhịp nhất, cung cấp khoảng 25% lượng hải sản của nước Mỹ. Giai đoạn từ năm 1960-1970, số người Việt tìm đến Louisiana bắt đầu đông đúc. Cộng đồng ngư dân gốc Việt hiện có hơn 25.000 người chọn New Orleans và bờ Tây của Louisiana làm nơi an cư lạc nghiệp, đã trải qua nhiều thăng trầm trong quá trình hòa nhập với cộng đồng bản xứ.

Những căng thẳng xung quanh luật đánh bắt bản địa đã khiến nhiều ngư dân gốc Việt bị đe dọa, thậm chí trong một số lần đụng độ gay gắt, một số người đã mất tính mạng. Một trong những bất lợi của những ngư dân này chính là việc họ không thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ địa phương. Chính vì không biết ngoại ngữ nên họ không đọc và hiểu được những biển báo quy định việc đánh bắt cá ở đây. Từ đó, bao nhiêu mâu thuẫn và vụ đụng độ đã nảy sinh.

Tại vùng biển của vịnh Mexico, người Mỹ gốc Việt đã chiếm từ 45% - 85% doanh nghiệp đánh bắt và chế biến tôm trong khu vực. Ở vịnh Mexico, các ngư dân da trắng thường phàn nàn rằng ngư dân gốc Việt không cạnh tranh lành mạnh và từ đó dẫn đến sự thù địch này. Trong thập niên 80, tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan đã hăm dọa bắt tôm của người Mỹ gốc Việt, khiến nhiều người Việt phải tìm đến nơi khác để sinh sống. Để bảo vệ lợi ích của mình, ngư dân người Mỹ gốc Việt đã tụ hợp để hình thành Hiệp hội ngư dân Việt Nam đầu tiên tại Mỹ.

Dân đánh cá người Việt định cư ở Florida, Louisiana, Texas thuộc trong số những người mau chóng thành công về việc biết tìm cách sinh nhai trong xã hội Mỹ. Tuy nhiên, nạn kỳ thị chủng tộc tồn tại ở những nơi này kéo dài hàng chục năm qua vẫn là nỗi ám ảnh của người dân gốc Việt. Như trường hợp cuối thập niên 70 đã từng xảy ra xung đột gay gắt và cả đổ máu giữa ngư dân da trắng và ngư dân gốc Việt.

Ngư dân Việt phàn nàn là họ bị ngăn cản hành nghề và đe dọa đến tính mạng. Còn ngư dân da trắng thì cho rằng những tàu đánh tôm của ngư dân Việt Nam không tuân hành quy luật trên biển. Thực tế dân đánh cá Việt Nam chăm chỉ và chịu cực hơn, có thể ra biển từ sáng sớm trong khi ngư dân da trắng còn ăn điểm tâm. Bên cạnh đó, cách đánh bắt tôm của người Mỹ gốc Việt bị cho là làm tài nguyên mau cạn, hoặc còn đưa tới sự hạ giá sản phẩm, làm thiệt hại đồng nghiệp da trắng.

Và rào cản ngôn ngữ

Minh Ly là một ngư dân gốc Việt, ba là người Mỹ và mẹ là người Việt, sống tại cảng Venice, Louisiana. Năm 1985, khi Minh Ly 15 tuổi, anh và mẹ mình chuyển theo ba đến Mỹ. Ban đầu, họ sống ở bang Arizona, sau đó chuyển đến vùng duyên hải Louisiana. Mẹ anh mất khi anh 24 tuổi và kể từ đó, cuộc sống của anh gắn chặt với chiếc thuyền đánh cá. Đó không chỉ là công cụ kiếm sống mà còn là người bạn luôn ở bên cạnh Minh Ly.

Minh Ly bên chiếc tàu đánh cá của mình. Dù vẻ bề ngoài rất đậm chất Mỹ, nhưng anh khó hòa nhập với người bản xứ do rào cản ngôn ngữ. Ảnh: AFP
Minh Ly bên chiếc tàu đánh cá của mình. Dù vẻ bề ngoài rất đậm chất Mỹ, nhưng anh khó hòa nhập với người bản xứ do rào cản ngôn ngữ. Ảnh: AFP

Mỗi chuyến đánh cá của anh thường kéo dài trong vòng 2 tuần. “Tôi nhớ những lần lênh đênh trên chiếc thuyền đánh cá của mình. Thật tự do khi tôi được làm những điều mình muốn mà không cần quan tâm người ta đánh giá khả năng giao tiếp hạn chế do thiếu vốn từ của tôi. Hay thậm chí, tôi chỉ tự tin với sự pha lẫn nhiều nét văn hóa trong mình khi tôi một mình đối diện với biển cả rộng lớn cùng với chiếc thuyền bé nhỏ của mình”. Lời tâm sự chân tình của anh Minh Ly cũng chính là suy nghĩ của phần lớn ngư dân gốc Việt ở đây. Thảm họa dầu tràn ở vịnh Mexico mấy tuần nay buộc ngư dân phải neo thuyền trong thời gian dài, khiến họ trở nên hoang mang và lo lắng cho tương lai của mình.

Những ngư dân có chút vốn liếng tiếng Anh thì đăng ký dọn dầu thuê với mức lương 1.200 USD/ngày. Nhiệm vụ của họ là đặt các rào chắn, ném phao xuống nước để ngăn không cho dầu lan đến những vùng đầm lầy cần được bảo vệ. Ngoài ra, họ còn sử dụng bơm để hút dầu. Viện An toàn công cộng được BP thuê để thực hiện các khóa hướng dẫn cơ bản cho các tình nguyện viên giúp làm sạch môi trường. Các tình nguyện viên được hướng dẫn cách cứu các loài chim, động vật của biển đang bị đe dọa vì dầu. Tuy nhiên, để được tuyển dụng tham gia những lớp tập huấn kỹ năng dọn dầu mà BP đưa ra, họ phải đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có khả năng sử dụng tiếng Anh.

Nhiều ngư dân gốc Việt Nam, Campuchia được mời đến nghe thông báo về tình trạng tràn dầu và những biện pháp mà chính quyền áp dụng, họ cũng không thể hiểu được hết mình đang được thông báo những gì. Lúc nào cuộc trao đổi giữa họ và đại diện chính quyền cũng đều cần có người thông dịch. Vì thế, họ không thể biết chính xác được liệu họ có thiệt thòi so với những ngư dân da trắng sống tại đây hay không?

Trách nhiệm của BP đang được đặt lên hàng đầu để bảo đảm thiệt hại từ phía người dân quanh khu vực vịnh Mexico được giảm đến tối thiểu. Trong khi ngư dân gốc Việt và Campuchia vẫn phải chờ đợi thông tin từ chính quyền đối với hoạt động đánh bắt cá của mình thì thiệt hại đối với họ vẫn đang được tính từ ngày.

THIÊN NHƯ
(Theo AFP)

Tin cùng chuyên mục