Hãy bỏ định kiến từ ánh nhìn

“Ê, sao ba má em đẻ em chi xấu dữ vậy? Anh nói nghe này, có nhiêu tiền em vào thẩm mỹ viện đi, đập hết, sửa lại toàn bộ. May ra coi được chút…”. Lời đùa cợt từ người anh đồng nghiệp chẳng khác nào ly nước hất thẳng vào mặt Oanh, ngay trước nhiều đồng nghiệp cùng phòng.
Bạn trẻ cần kết nối, giao lưu trong môi trường thân thiện hơn là phân biệt, kỳ thị về ngoại hình
Bạn trẻ cần kết nối, giao lưu trong môi trường thân thiện hơn là phân biệt, kỳ thị về ngoại hình

Ai xấu ráng chịu?!

Phạm Thị Thùy Oanh (29 tuổi, nhân viên kinh doanh tại quận 3, TPHCM) vẫn chưa thôi buồn khi kể lại câu chuyện bị đồng nghiệp nhận xét nặng nề, kém tế nhị về ngoại hình. “Đây không phải là lần đầu mình bị “body shaming” (miệt thị ngoại hình) nhưng lần này thật sự rất quá đáng”, Oanh nói.

“Ê, Diễm mập! Đã mập còn lùn nữa chứ!”, “Sao nay mặt mày mụn quá trời vậy? Thấy ghê!”... Mấy câu nói này bạn Nguyễn Thị Ngọc Diễm (22 tuổi, sinh viên đang học tại Làng Đại học Thủ Đức, TPHCM) nghe riết từ bạn bè, hàng xóm. Diễm kể: “Mình hay bị trêu về ngoại hình lắm. Rất nhiều lần, mình đi trong sân trường có mấy bạn cứ nhìn mình, chỉ trỏ xong quay sang cười đùa, nói to nói nhỏ”. Không chỉ nữ mà cả nam cũng bị chê bai tương tự. Anh Trần Minh Khoa (33 tuổi, nhân viên văn phòng tại quận 3) cho biết, thường xuyên bị đồng nghiệp chê cân nặng, màu da, thậm chí đẩy đưa chuyện nghi ngờ giới tính. “Tính cách của mình khá rụt rè, ai nói đùa gì mình cũng cho qua. Mình biết rằng không thể cấm người khác bình luận về ngoại hình mình, có người nói ai biểu mình xấu, xấu thì ráng chịu thôi”, anh Khoa chia sẻ.

Thực tế, còn vô vàn những câu chuyện như vậy xảy ra. Nhiều người dùng lời nói soi mói, chế giễu ngoại hình của người khác khiến họ cảm thấy khó chịu, bị xúc phạm: cười nhạo một cô gái vì cô ấy quá mập hay quá gầy; chê bai một bạn nam vì anh ấy lùn hoặc có khiếm khuyết trên cơ thể; cố vạch trần cho người có khiếm khuyết hình thể thấy rằng họ xấu xí, lệch với vẻ đẹp tiêu chuẩn ra sao… Nhất là khi mạng xã hội bùng nổ, các tính năng bình luận, thể hiện cảm xúc được mở thì sự khen - chê càng gay gắt.

Cần nhiều hơn sự thấu cảm

Body shaming không còn là khái niệm xa lạ với giới trẻ nhưng có lẽ rất ít người ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc làm tổn thương tâm lý người khác bằng những câu nói bông đùa, những câu miệt thị ngoại hình. Đối với các bạn trẻ đang là học sinh, sinh viên, đặc biệt các em ở lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý lẫn ngoại hình đang có sự thay đổi mà gặp phải những lời miệt thị sẽ tạo ám ảnh. 

Không chỉ các bạn trẻ bình thường, nhiều nghệ sĩ trẻ từ diễn viên, ca sĩ, người mẫu, hoa hậu cũng không tránh được những lời bình phẩm ngoại hình. Ca sĩ Đ.P. từng bị cho rằng quá xấu để theo đuổi nghệ thuật, đến mức phải nhờ cậy phẫu thuật thẩm mỹ để có gương mặt hoàn toàn khác. Gần đây, một thí sinh tham gia cuộc thi R.V. cũng bị một MC có hành động bắt chước, chế nhạo ngoại hình thay vì nhận xét về chuyên môn. Cũng có lần, trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng, có vị giám khảo vô tư nhận xét thí sinh: “Em hát hay, biết cách nhấn nhá. Tuy nhiên, ngoại hình của em thì không ổn. Béo quá lên sân khấu khán giả không có thích đâu em. Hát hay là một chuyện…”. Đứng giữa ánh đèn hãy còn nhấp nháy sau tiết mục, giữa bao người trong hội trường, bạn thí sinh chỉ còn biết cười gượng gạo, nói “cảm ơn lời nhận xét”. Có lẽ, đó cũng là lần cuối cùng bạn trẻ ấy dám đăng ký một cuộc thi ca hát khi không đủ… đẹp.

Thực ra, tiêu chuẩn đẹp mang tính tương đối. Giữa đám đông, để nhận xét về một người cần rất nhiều sự thấu cảm, để bớt tàn nhẫn hơn. Ai cũng hiểu ngoại hình hoàn hảo sẽ giúp bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, nhưng đâu phải ai sinh ra cũng may mắn. Cảm xúc tiêu cực dễ hình thành tâm lý mặc cảm, ngại giao tiếp, trầm cảm, thậm chí dễ dại dột tìm đến cái chết để giải thoát.

Bạn Nguyễn Hà My (30 tuổi, quận 9, TPHCM) chia sẻ: “Phải nghe những câu nói chê bai ngoại hình là điều không mấy dễ chịu. Đã có không ít trường hợp nhịn ăn đổ bệnh, đi hút mỡ bụng, phẫu thuật cằm nhọn theo chuẩn cái đẹp để rồi mất mạng trên bàn mổ”. Còn Lê Bùi Thảo Nguyên (29 tuổi, tác giả cuốn sách Tôi cần một cái khuôn khác) nói: “Mình vẫn luôn nghĩ, con người đẹp nhất là khi họ tự tin về bản thân và biết cách yêu thương cơ thể mình với tất cả những nét đẹp lẫn khiếm khuyết, không sợ gầy béo lùn cao, không lo ai chê nước da ngăm đen hay đôi bàn tay thô kệch”.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy chia sẻ: “Mỗi người sinh ra đã khác biệt. Thế nên, đừng tự ti nếu bản thân chúng ta có khác biệt với số đông. Điều quan trọng nhất để đối mặt với những điều không như ý, những nhận xét đôi khi cay nghiệt đó chính là hãy yêu thương bản thân mình, làm giàu vốn sống, tri thức mình nhiều hơn. Có lẽ sẽ rất khó để không quan tâm đến những lời nhận xét mang tính miệt thị từ người khác, nhưng hãy luôn trân trọng chính mình. Không ai là xấu xí cả”.

Tin cùng chuyên mục