Thiên nhiên nghe có vẻ “xa xỉ” nhưng thật ra chỉ cần là một góc công viên xanh, một khoảnh đất ven hồ, một bãi cỏ rộng ven đô, trang trại, cánh đồng lúa… thậm chí là con đường làng có hai hàng tre xanh.
Ngoài thiên nhiên, trẻ tập trung hơn và dễ bộc lộ mình hơn. Trẻ có thể học được rất nhiều từ thiên nhiên: màu sắc, hình khối, âm thanh, những hoạt động của côn trùng, cảm nhận về nắng, gió, mây… Hơn nữa, thiên nhiên còn giúp gắn kết cảm xúc giữa bố mẹ và con cái với nhau. Một cuộc đi chơi ngoài thiên nhiên, chăm sóc nhau trong các trò chơi cũng sẽ giúp tình cảm gia đình thêm gắn bó.
Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh tại buổi gặp gỡ theo chủ đề “Cùng bé yêu tận hưởng tuổi thơ” do nhãn hàng Friso tổ chức cùng các cha mẹ đầu tháng 10-2014 đã khuyến khích phụ huynh cho con em mình hòa mình với thiên nhiên để con học được nhiều kỹ năng có ích, cải thiện tình trạng sức khỏe và tăng sự gắn kết tình thân với nhau.
TS Thụy Anh chia sẻ: Không cần phải đợi đến kỳ nghỉ, cả gia đình có thể sắp xếp đến với một “thiên nhiên gần” trong những ngày nghỉ cuối tuần. Hãy lên kế hoạch cụ thể về địa điểm sẽ đến, ngày, giờ, trò chơi, đồ ăn mang theo. Đừng bao giờ nói “để lúc nào đó...” mà hãy nói “ngày mai...” hoặc “chủ nhật tới...”. Quá trình cân nhắc, tìm hiểu thông tin, lập kế hoạch này cũng là một hoạt động chung của gia đình, gắn kết các thành viên, quan trọng là bé sẽ háo hức mong chờ đến ngày được đi chơi với cha mẹ.
Một số trò chơi cùng thiên nhiên Bài học về màu. Tìm các màu sắc từ lá cây, hoa, cỏ khô, giao nhiệm vụ cho trẻ theo mẫu trò chơi “Kính chào Hoàng đế!”. Ví dụ khi mẹ nói “Hoàng đế cần... 3 xanh 2 đỏ” thì trẻ cần đi lấy 3 chiếc lá cỏ màu xanh, 2 cánh hoa đỏ. Cùng làm một bức tranh thú vị từ những gì thu hoạch được: lá, cỏ khô, hoa dại, sỏi nhỏ... Trò chơi quan sát: nhắm mắt nêu sự vật xung quanh hay quan sát và miêu tả sự vật xung quanh. Trò chơi kéo co và các trò dân gian khác như nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, cướp cờ... Trò chơi tưởng tượng: chẳng hạn: cha mẹ kể một câu chuyện về con nhím, đề nghị các bạn nhỏ tưởng tượng về hình dáng, “trang phục”, hành động của con nhím... và đặt câu hỏi tương tác cho trẻ. |
HƯƠNG GIANG ghi