Nhiều thanh thiếu niên ngày nay xem tết chỉ là thời gian được nghỉ để xả stress, để sắm những bộ quần áo đẹp, hay để được vui chơi cùng bạn bè…, mà không mấy mặn mà với ý nghĩa tết là dịp sum họp gia đình với những bài học lễ nghĩa từ ông bà, cha mẹ, họ hàng tổ tiên.
Hướng về tết qua những bài học thiết thực
Người Việt Nam ta có câu “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Đây là một truyền thống quý báu của dân tộc, một nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người với người, với bậc sinh thành của mình và với tổ tiên, nguồn cội. Truyền thống đó đã ăn sâu vào tâm thức người Việt từ bao đời, cho dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào. Vì vậy, người Việt học tập, công tác, làm ăn khắp nơi cũng hướng về “quê cha đất tổ” trong những ngày tết, như một sự tri ân tổ tiên. Ngày nay không phải ai cũng có điều kiện đoàn tụ gia đình trong ngày tết. Có người vì điều kiện kinh tế không cho phép; có người vì hoàn cảnh công việc bận rộn, đường sá xa xôi… Do vậy có những đứa cháu lớn lên chưa một lần ăn tết với ông bà nội ngoại, họ hàng, quê hương, nên kênh giáo dục về tình yêu quê hương và về truyền thống, gia phong trong dịp đón tết mất dần tính hiệu quả.
Dường như cái khó, cái nghèo, cái vô tâm… của cha mẹ lại vô tình gieo cho con trẻ sự vô cảm, thờ ơ với tết cổ truyền, tạo cho con sự ích kỷ, không biết hướng về tổ tiên, nguồn cội, thậm chí tạo ra những những người con “mất gốc”.
Quê hương là cội nguồn của văn hóa trong nhân cách của mỗi người. Tết ở mỗi vùng quê khác nhau lại mang những đặc trưng thú vị khác nhau. Ngày nay, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động lên hầu hết các khía cạnh của đời sống xã hội, tuy vậy tết vùng quê vẫn mang đầy đủ các đặc điểm truyền thống. Từ gói bánh chưng, đến cành đào, cành quất trong tết; từ thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ... và nghi lễ thờ cúng tổ tiên ngày tết, lễ tết ông bà, cha mẹ ngày tết vẫn được giữ gìn. Cho trẻ về quê ăn tết là điều kiện để trẻ sum họp với gia đình và người thân, họ hàng, làng xã. Qua đó trẻ sẽ hiểu thêm về nguồn cội, hiểu thêm về văn hóa “quê cha đất tổ”, từ đó tình cảm gắn bó của trẻ với quê hương, gia đình, họ hàng tăng lên. Qua những ngày tết ở quê, trẻ sẽ được trang bị vốn hiểu biết về một tết truyền thống đầy đủ.
Sự trải nghiệm các hoạt động trong ngày tết sẽ cho trẻ hiểu thêm về truyền thống của dân tộc, của vùng miền, làng xã. Trẻ sẽ trưởng thành hơn khi nhận thức được vai trò của mình đối với các thành viên trong gia đình. Tết vùng quê đồng thời là dịp để trẻ nghỉ ngơi, xả stress sau một năm học tập căng thẳng, là dịp trẻ được tham gia các hoạt động ngoại khóa vô cùng quan trọng giúp trẻ tự khám phá thế giới xung quanh và bước đầu có định hướng về cách thức ứng xử trong tương lai...
Chuẩn bị chu đáo cho tết
Các hoạt động chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất đa dạng, phong phú. Cho trẻ tham gia càng nhiều hoạt động chuẩn bị tết với người lớn sẽ giúp trẻ bổ sung những tri thức còn thiếu về tết cổ truyền, qua đó trẻ sẽ học được từ thái độ chu đáo của người lớn, hình thành cho trẻ một biểu tượng đầy đủ về tết truyền thống, từ đó gắn kết trẻ với gia đình, với trách nhiệm. Khuyến khích các cháu gái tham gia các công việc nữ công gia chánh chuẩn bị cho tết, từ đi chợ tết cùng người lớn, chuẩn bị các nguyên liệu, các đồ ăn thức uống trong tết... Các cháu trai thì dọn bàn thờ, đánh bóng chân đèn và lư hương, rửa sàn nhà, lau chùi bàn ghế giường tủ, hay giúp người lớn sơn nhà, phát quang và thắp hương mồ mả…
Nên dạy trẻ làm mới về mặt tình cảm và tinh thần của con người, như cảm ơn và xin lỗi bạn bè, thầy cô, người thân về những vui buồn, được mất trong một năm qua, để mọi người được cảm thông hơn hoặc để tinh thần được thoải mái, vui tươi. Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là chúc nhau “thêm một tuổi”. Cha mẹ nên quan tâm dạy cho trẻ những lời chúc tết và chia sẻ với trẻ về ý nghĩa của lời chúc.
Dù bất kỳ ai, xã hội nào thì luân thường đạo lý - nhất là lòng hiếu thảo - mãi là những giá trị bền vững nếu như chúng ta biết giữ gìn và phát huy. Ngày tết, hãy tạo điều kiện để con trẻ hướng về cội nguồn tổ tiên, đó là nội dung giáo dục đạo đức có ý nghĩa rất thiết thực qua đó hình thành những bài học đạo đức làm người, những kỹ năng ứng xử đẹp cho trẻ. Trẻ sẽ được tận hưởng những niềm vui từ gia đình, bạn bè, được giải tỏa những khó khăn vướng mắc trong học tập và hiểu thêm về trách nhiệm với tổ tiên, gia đình và toàn xã hội. Hãy cho trẻ một cái tết đúng nghĩa.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công