Hãy cùng con lớn lên an toàn

Cùng với dự án "Xây dựng mô hình tích hợp giáo dục phòng chống xâm hại tình dục cho học sinh", ngày 5-4, tại TPHCM diễn ra buổi hội thảo với chủ đề: "Phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ" do Câu lạc bộ Ứng dụng tâm lý thuộc Trường Đại học Sư Phạm TPHCM cùng với Nhà Của Thời Thơ Ấu phối hợp thực hiện.
Buổi hội thảo thu hút đông đảo phụ huynh, đại diện các tổ chức công tác xã hội, lớp kỹ năng sống và các bạn trẻ tham dự
Buổi hội thảo thu hút đông đảo phụ huynh, đại diện các tổ chức công tác xã hội, lớp kỹ năng sống và các bạn trẻ tham dự

Buổi hội thảo với sự dẫn dắt của Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư Phạm TPHCM, trải qua các phần như: giúp trẻ nhận biết những bộ phận riêng; phân biệt các đụng chạm an toàn và không an toàn; hướng dẫn trẻ các cách phản ứng trước những tình huống xấu và nguy hiểm...

Từ năm 2011 đến năm 2015 đã có hơn 5.300 vụ xâm hại tình dục ở trẻ; đối tượng trẻ bị xâm hại phần lớn là dưới 9 tuổi. Cứ 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại, cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại. Đến 93% thủ phạm xâm hại là người quen.

Buổi hội thảo đặt ra vấn đề, có đến 93% thủ phạm xâm hại trẻ là người quen, vậy nên chăng chúng ta không dạy trẻ phân biệt đâu là người quen xấu và đâu là người quen tốt, mà dạy trẻ cách nhận biết sự không an toàn ở bất kỳ người nào thông qua: ánh mắt, lời nói, đụng chạm, cử chỉ và lời đe dọa.

Thạc sĩ Lê Minh Huân chỉ ra những bộ phận nhạy cảm phụ huynh cần dạy con nhận biết, như: môi, ngực, mông, bộ phận sinh dục; những cách để thoát thân khi trẻ gặp nguy hiểm như: hét lớn và chạy đến nơi đông người; đừng bao giờ giữ bí mật với ba mẹ; cách tấn công và chống trả khi bị đe dọa.

Chị Ý Niệm (Đội Công tác xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM) cho biết: "Trong việc phát hiện trẻ bị xâm hại, phụ huynh hãy lưu ý sự bất thường ở trẻ. Khi dạy trẻ, chúng ta cần tạo được tác động tích cực cho trẻ".

Chị Phương (Lớp kỹ năng sống tại Cà Mau) chia sẻ: "Bản thân là một phụ huynh và là một người làm công tác giáo dục, tôi mong có nhiều buổi hội thảo ý nghĩa như thế này để ngày càng nhiều phụ huynh có kiến thức và nền tảng để giáo dục và bảo vệ con em của mình. Trước nạn xâm hại trẻ em, chúng ta cần phải lên tiếng, vì im lặng là tội ác".

Tin cùng chuyên mục