Hãy trở thành người đọc đầu tiên


Thể loại sách tranh hiện đang chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường xuất bản của Việt Nam. Có điều, đa phần đều được dịch từ nước ngoài, trong khi lực lượng tác giả trẻ trong nước không phải là ít. 
Các tác giả trẻ của Việt Nam đến với buổi tọa đàm “Hành trình từ ý tưởng đến sách tranh”
Các tác giả trẻ của Việt Nam đến với buổi tọa đàm “Hành trình từ ý tưởng đến sách tranh”

Bởi vậy, buổi tọa đàm “Hành trình từ ý tưởng đến sách tranh”, chia sẻ kinh nghiệm sáng tác và xuất bản sách tranh thiếu nhi từ tác giả Sarah Davis được xem là bổ ích và cần thiết đối với lực lượng sáng tác sách tranh hiện nay. 

Tọa đàm diễn ra mới đây tại TPHCM, do Room to Read Việt Nam kết hợp cùng Thư viện Đủng Đỉnh Đọc tổ chức. Diễn giả của chương trình là tác giả Sarah Davis - đại sứ toàn cầu của tổ chức Room to Read (RtR); cũng là diễn giả nổi tiếng và có nhiều kinh nghiệm, được nhiều trường đại học, nhiều tổ chức mời nói chuyện về minh họa sách cho thiếu nhi. Hiện bà đang là điều phối viên Hiệp hội Họa sĩ minh họa của Đông Âu và New Zealand.  

Theo chia sẻ của tác giả Sarah Davis, thông thường một cuốn sách tranh không dài quá 5.000 chữ và số trang 36 - 40. Bởi vậy, phần lời càng phải ngắn gọn và súc tích, từng câu từng chữ trong bức tranh đều có một giá trị riêng, không nên dùng từ ngữ dài dòng hoa mỹ mà phải thật đơn giản. Bước đầu tiên có thể viết dài nhưng sau đó phải trải qua quá trình cắt gọt, từng câu, từng chữ súc tích hơn. 

Trong một cuốn sách tranh bao giờ cũng có hai phần: phần lời và phần tranh. Nếu không có khả năng sáng tác phần lời, theo Sarah Davis, các họa sĩ nên có sự chủ động tham gia vào sáng tạo: “Có rất nhiều cách để minh họa, các bạn không nên tự giới hạn bản thân mình. Cách của tôi khi tiếp nhận phần lời là tôi sẽ phải tự khám phá chuyện gì đang xảy ra, nhân vật nào đang nói, nhân vật này đang ở đâu… Tôi sẽ phải tự tìm hiểu những việc đó và sáng tạo ra nhân vật”. 

Sự thú vị của họa sĩ minh họa theo Sarah Davis là bản thân họa sĩ phải là người đọc, phải hiểu câu chuyện và cảm nhận được câu chuyện đó bằng góc nhìn của mình. Bà lý giải: “Bước đầu tiên của người làm minh họa là phải đọc, hiểu được phần lời, khám phá được trong phần lời có những bí mật, không gian như thế nào, để từ đó có thể sáng tạo ra thêm. Mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận, tiếp nhận khác nhau”. 

Một trong những điều mà tác giả Sarah Davis nhấn mạnh trong buổi tọa đàm chính là cái tôi của tác giả, là giọng nói riêng có thể thuyết phục được đối tác. Bà bày tỏ: “Các bạn phải cho NXB thấy đây là tôi và tôi có một ý tưởng, một câu chuyện độc nhất vô nhị. Nhiều bạn mắc sai lầm là cố gắng đi theo một hình mẫu nào đó để câu chuyện của mình trở thành một cuốn sách tranh theo khuôn mẫu giống như “Ngày xửa ngày xưa có một con ong, một con gấu…”. Trong khi bạn đọc muốn tìm kiếm cái gì đó bất ngờ. Vậy nên, điều quan trọng phải là chính mình, đừng cố gắng giống người khác”. 

Với kinh nghiệm hơn 10 năm, Sarah Davis cho rằng, một trong những phương pháp sáng tác sách tranh hiệu quả để trẻ con có thể thích ngay là bắt đầu bằng những điểm bất ngờ nhất, những điểm mấu chốt kịch tính nhất của câu chuyện, không nên mở đầu bằng “Ngày xửa ngày xưa” hay diễn giải, kể lể dài dòng. Theo bà, trẻ đang gặp vấn đề gì hãy bắt đầu ngay từ câu chuyện đó.   

Có một thực tế ở Việt Nam, khi nói về sách tranh, không ít người cho rằng đây là thể loại chỉ “dành cho trẻ con”. Trong khi đó, theo tác giả Sarah Davis, không có giới hạn nào trong việc sáng tác sách tranh cho trẻ con. Bởi vì đa phần sách tranh trên thế giới không chỉ dành cho trẻ con. Trẻ con đọc sẽ hiểu theo góc nhìn của trẻ con và người lớn đọc sẽ hiểu theo góc nhìn của người lớn. 

 “Buổi chia sẻ kinh nghiệm của tác giả Sarah Davis sẽ giúp các tác giả Việt Nam hiểu rõ hơn về quá trình sản xuất ra một cuốn sách tranh hấp dẫn. Chúng tôi rất mong ở Việt Nam sẽ có nhiều cuốn sách tranh chất lượng cho thiếu nhi. Thực tế, sách tranh ở Việt Nam có rất nhiều, cả sách dịch và sách của các tác giả trong nước. Tuy nhiên, số lượng sách thu hút, hấp dẫn ngay từ trang bìa thì lại chưa có nhiều”, bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc RtR Việt Nam, phát biểu.

Tin cùng chuyên mục