Hè của trẻ em ngoại thành

Không công viên, không nhà thiếu nhi, cũng không có những câu lạc bộ năng khiếu như ở nội thành… Mùa hè của đám trẻ bắt đầu bằng những ngày tụm năm, tụm ba chơi năm mười, bắn bi hay những buổi sinh hoạt hè đâu đó ở sân ủy ban xã hay sân trường.
1. Người lớn trong nhà hay nói: “Tụi con nít trong đồng giỏi lắm, nhà cửa, ruộng, vườn trồng rau, trồng cà… Có đứa còn hai, ba đứa em, không lo phụ ba mẹ thì có mà bị đòn”.
Còn đám con nít xóm rẫy hay ở phía gần chợ, ba mẹ buôn bán hoặc làm công nhân, nhà cửa cũng không có vườn hay ao cá. Ngày hè, cứ tụm năm tụm bảy với nhau, chơi hết trò này đến trò khác, đám con gái hết chơi nhà chòi thì đến búp bê; tụi con trai bắn bi, đá banh có khi cả đám cùng chơi năm mười, ô ăn quan….
Cả ngày túm tụm lại ở một góc xóm, đứa nào cũng đen nhẻm, tóc cháy vàng hoe. Rồi mỗi buổi chiều cả đám lại rủ nhau ra sân trường, chờ những buổi sinh hoạt hè và cả những phần thưởng cho mỗi lần chơi thắng, chỉ gói bánh, cây kẹo vậy mà vui rộn ràng.
Hè của trẻ em ngoại thành ảnh 1 Buổi sinh hoạt của các em mượn không gian trong sân Trường Mầm non Ngọc Lan, huyện Bình Chánh
Sáng nay, nghe tụi nhỏ chí chóe trước nhà là biết tụi nó đã nghỉ hè và đang háo hức chờ những buổi chiều đi sinh hoạt hè cùng mấy anh, chị bên xã Đoàn, mấy anh chị của chiến dịch Hoa phượng đỏ… Từ đầu tháng 6 đến khoảng giữa tháng 8, các buổi sinh hoạt bắt đầu đều đặn mỗi tuần hai buổi.
Địa điểm thường là ở sân trường tiểu học, trường mầm non, hay các văn phòng ấp để tụi nhỏ tiện đường đi, phụ huynh cũng dễ đưa đón. Tầm 4-5 giờ chiều là đám nhóc bắt đầu í ới nhau chuẩn bị đi sinh hoạt hè, nào là chơi ném cầu, thổi banh, kéo co, ném vòng…
Phần thưởng nhận được sau mỗi lần thắng khi là cây kẹo, khi thì bọc bánh nhưng niềm vui, sự phấn khích lan tỏa dần trên những gương mặt trẻ thơ. Mỗi gian hàng trò chơi có hai, ba anh chị hướng dẫn, tụi nhỏ xếp hàng lần lượt chơi đến khi nào phần thưởng là bánh, là kẹo trong giỏ hết. 
Phần lớn các bé tham gia sinh hoạt hè là con em gia đình lao động nghèo và có nhiều hoàn cảnh khá khó khăn. Hỏi ra thì ba mẹ làm công nhân, thợ sửa điện, làm hồ hoặc làm ruộng…
Như bé Võ Hồ Phương Mai (lớp 4, ngụ ấp 2, xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM) có ba làm thợ sửa điện, mẹ làm công nhân. Khi hỏi về những mơ ước trong hè, hoặc những lớp học năng khiếu như đàn, vẽ hay học vẽ, Mai chỉ lắc đầu trả lời: “Con chỉ thích sinh hoạt hè như vầy thôi, học thêm ba mẹ không có tiền đóng học phí”.
Tương tự như Mai, Phan Thái Bình (lớp 4, ngụ ấp 2, xã Qui Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM) cùng em gái năm nay lên lớp 2. Ba mẹ đều làm công nhân, ngày thường hai anh em chở nhau đi học bằng xe đạp, ngày hè thì anh lại đèo em đến sinh hoạt hè ở Trường Tiểu học Qui Đức. Khi hỏi có thích học võ vào mùa hè để rèn luyện thêm sức khỏe, bé cũng chỉ lắc đầu trả lời: “Mẹ không cho vì không có tiền đóng học phí”.
Hè của trẻ em ngoại thành ảnh 2 Các trò chơi được tổ chức trong buổi sinh hoạt hè tại Trường Tiểu học Qui Đức
2. Với Anh Đào (lớp 6, ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM), mùa hè với em chỉ là những chuỗi ngày ngắn ngủi nằm nhà xem tivi.
Dù là con một nhưng Anh Đào không được nuông chiều. Hoàn cảnh gia đình em khá khó khăn, khi ba mẹ đều gần tuổi ngoài lao động. Áp lực học hành luôn là gánh nặng, vì sợ thua kém bạn bè, và khi chuyển từ cấp một lên cấp hai lo sợ về bài vở nhiều lên lớp không kịp tiếp thu, nên ngay sau khi nghỉ hè vài tuần, em đã bắt đầu đi học thêm. Mùa hè với em cũng luôn bận rộn sách vở như ngày thường, hết ôn toán lại đến Anh văn rồi vật lý…
Có ba làm thợ công trình, mẹ làm công nhân và anh trai cũng đi làm, mùa hè với Tấn Tài (ngụ quận 8, TPHCM) là những ngày tự do “muốn làm gì thì làm” vì cả nhà đều phải đi làm.
Không áp lực từ việc học hè hay sự quản lý chặt chẽ của gia đình, mùa hè của em là những buổi chơi game từ sáng đến chiều. Trả lời về câu hỏi thích làm gì vào mùa hè, Tài khá lạnh lùng: “Nghỉ được có nhiêu đâu”.
Có lẽ với Đào hay Tài, mùa hè với các em không cần phải quá rực rỡ, chỉ cần nó trôi qua thật chậm và thật đúng nghĩa mùa hè với tuổi thơ. Khi mà áp lực học thêm, game online… như một kẻ “đánh cắp” đi những ngày hè của các em, và lịch học trở lại trường cũng gần kề.
Khái niệm về ba tháng hè với tiếng ve, hoa phượng có lẽ đã trở nên xa vời, và buổi lễ khai giảng cũng đâu còn là ngày đầu tiên trở lại trường khi mà các em đã bắt đầu quay lại trường học gần cả tháng trước đó.
3. Với ba anh em Nguyễn Văn Hiệp (lớp 7, ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM), Nguyễn Văn Hiệp Em (lớp 5) và Mỹ Xuân (lớp 2), mùa hè trôi qua chỉ gói gọn ở hiên nhà hay một góc nhỏ trong xóm.
Cùng nhau chơi lô tô, đá banh hay chơi năm mười với tụi bạn cùng trang lứa trong xóm. Ba làm thợ hồ từ sáng đến chiều, mẹ nội trợ và chăm sóc bà ngoại nên việc học thêm môn gì đó vào mùa hè với các em dường như là điều không thể.
Còn với những buổi sinh hoạt hè, do địa điểm cũng khá xa nhà nên các em cũng không thể tham gia, ba mẹ không có thời gian đưa đón và cũng không yên tâm để các em tự đi.
Mỗi xóm ấp luôn có những điểm sinh hoạt hè để các em có thể vui chơi, nhưng số trẻ đến tham gia chỉ tương đối vì nhiều lý do như nhà xa, không có phương tiện đi lại và nhiều em cũng còn khá rụt rè.
Câu chuyện về thiếu sân chơi cho trẻ em luôn được quan tâm từ năm này qua năm khác. Nhà thiếu nhi huyện thì khá xa với các em và điều kiện kinh tế gia đình cũng không đủ để có thể tham gia vào các lớp học năng khiếu trong hè.
“Tiền hỗ trợ từ phía huyện và xã nhiều thì cũng không nhiều, nhưng cũng không ít, chủ yếu là mình tìm cách sử dụng thật hợp lý để đủ xây dựng những buổi sinh hoạt hè cho các em thật bổ ích và giúp đỡ những em có hoàn cảnh khó khăn có thể vui chơi trong hè tốt nhất có thể”, những chia sẻ nhiều trăn trở từ anh Nguyễn Hồng Đời, Bí thư Đoàn xã Đa Phước, như khẳng định những thiếu thốn của những trẻ ngoại thành.

Tin cùng chuyên mục